|
Hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 |
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể xâm phạm không phận của Syria sau khi Nga triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 thiện chiến hàng đầu của của mình đến căn cứ không quân Hmeymim ở Syria, Tổng thống Putin cho các phóng viên biết trong cuộc họp báo ở thủ đô Moscow.
Với việc triển khai hệ thống tên lửa S-400 tối tân, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể xâm phạm không phận của Syria mà không bị trừng phạt như họ đã từng làm trước đây, Nhà lãnh đạo quyền lực của nước Nga hôm nay đã phát biểu như vậy tại cuộc họp báo hàng năm với số lượng phóng viên ở mức kỷ lục lên tới con số 1.400.
"Họ (giới chức Thổ Nhĩ Kỳ) nghĩ rằng, chúng tôi sẽ quay đuôi tháo chạy! Không, Nga không phải là kiểu nước như vậy. Chúng tôi đã tăng cường sự hiện diện ở Syria, đã tăng số lượng máy bay chiến đấu được triển khai ở đó. Đã từng không có hệ thống phòng không Nga ở đó nhưng bây giờ chúng tôi đã đưa S-400 đến. Nếu trước kia, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục xâm phạm không phận Syria thì giờ đây hãy để họ thử làm thế xem sao”, ông Putin thách thức.
Những phát biểu cứng rắn trên được Tổng thống Putin đưa ra sau khi xảy ra vụ việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom của Nga. Quan hệ giữa Ankara và Moscow đã rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 đã lạnh lùng bắn rơi một máy bay ném bom Su-24 của Nga khi chiếc máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố ở biên giới Syria. Ankara cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận của họ trong 7 giây và phớt lờ các cảnh báo của họ. Tuy nhiên, Moscow thẳng thừng bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định máy bay Su-24 của họ chưa bao giờ xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và nó đang bay ở trong không phận của Syria khi bị tấn công.
Nga coi hành động phũ phàng của Thổ Nhĩ Kỳ là một “cú đâm sau lưng của kẻ phản bội”. Tổng thống Nga Vladimir Putin vì thế đã không ngần ngại tung ra những đòn trừng phạt mạnh tay, gây tổn thất lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Moscow đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Ankara, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu một số hàng hoá của Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng cung cấp các gói du lịch cho người Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, giới hạn nhiều hoạt động nhập khẩu hàng hoá từ Thổ Nhĩ Kỳ, cấm các tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Nga và cấm thuê công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga.
Mới đây nhất, Nga còn tuyên bố ngừng đàm phán về một dự án năng lượng quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Moscow cũng không ngần ngại đưa những vũ khí thiện chiến nhất, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không hàng đầu S-400 đến sát biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ để răn đe nước này.
Với hệ thống tên lửa S-400, Nga có thể bao phủ gần như toàn bộ không phận của Syria. Vì thế, không có gì là lạ khi Tổng thống Putin thách máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận Syria. Chưa kể, từ sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi, Moscow cũng ra lệnh phái theo các chiến đấu cơ đi hộ tống máy bay chiến đấu của họ mỗi lần xuất kích đi tấn công các mục tiêu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga trước đây luôn khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400 và rằng tổ hợp tên lửa phòng không thiện chiến này chỉ để dành riêng cho Lực lượng Vũ trang Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, Moscow đã chấp nhận bán thứ vũ khí bảo bối này của họ cho Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ, Ả-rập Xê-út cũng đang có ý định đàm phán với Nga để mua S-400.