|
Cường kích bom Su-34 Fullback của Nga tham chiến tại Syria |
Theo Telegraph, bất chấp lệnh ngừng bắn tạm thời vừa đạt được, Nga và Syria vẫn tiếp tục dội bom tấn công phiến quân. Nga đã tuyên bố rõ rằng thoả thuận hưu chiến đạt được tại Munich không có nghĩa là ngừng tấn công khủng bố. Tờ báo Anh cho rằng Assad định nghĩa rằng tất cả những ai chống lại ông đều là “khủng bố”. Do đó logic không thể tránh là chiến dịch chống khủng bố sẽ tiếp tục và tất cả kẻ thù của Assad là “khủng bố”.
Assad nay có thể siết chặt vòng vây tại Aleppo và đè bẹp các tuyến cố thủ của các nhóm phiến quân ở phía bắc, với sự yểm trợ của không quân Nga và các chiến binh Iran trên mặt đất.
Sự thật là những sự kiện mới nhất tại Syria đang ngày càng đáng lo. Tấn thảm kịch đang diễn ra tại Aleppo gây đe doạ trực tiếp đối với an ninh châu Âu, kết hợp với hiểm hoạ chủ nghĩa khủng bố với nguy cơ một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.
Phương Tây gần đây luôn đề cập tới khả năng Nga xâm chiếm các nước vùng Baltic. Nhưng cũng không bao giờ quên rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã doạ sẽ điều quân vượt qua biên giới vào Syria với hai mục đích: ngăn sự thất bại của các đồng minh phiến quân của ông ta và thiết lập một vùng đệm dọc biên giới.
Giả thiết Erdogan triển khai quân vào Syria nguy cơ lớn nhất là Nga không kích đáp trả lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Kịch bản khả dĩ tiếp đó thế nào? Sau khi Nga oanh tạc quân đội Thổ bên trong Syria, ông Erdogan sẽ triển khai lực lượng không quân để bảo vệ lực lượng trên mặt đất và 3 máy bay Mig bị bắn hạ. Nga lập tức trả đũa bằng cách tấn công căn cứ không quân bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các máy bay hạ Mig đã xuất kích.
Sau khi một trong các căn cứ không quân bị bom Nga phá nát, ông Erdogan tuyên bố Thổ bị Nga xâm lược. Ông ta sẽ yêu cầu các đồng minh NATO trợ giúp theo điều khoản 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, quy định rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một thành viên NATO sẽ bị coi là tấn công cả khối.
“Nói toạc móng heo, Erdogan có thể buộc chúng ta phải lựa chọn lâm chiến với Nga, hoặc phá vỡ tính khả tín của cam kết bảo đảm an ninh tập thể được xem là nền tảng của NATO. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao?”, Telegraph đặt câu hỏi.
Telegraph cáo buộc rằng nhóm khủng bố IS lại không bị Nga và Assad tấn công, cho rằng chiến lược của nhà độc tài Assad vẫn giữ nguyên là trấn áp tất cả mọi kẻ thù, ngoại trừ IS và buộc phương Tây phải lựa chọn. Trước nguy cơ bị thất bại, nhiều chiến binh thuộc các nhóm phiến quân phi Hồi giáo có thể sẽ chạy sang hàng ngũ IS. Tờ báo Anh cho rằng, IS có thể nổi lên như một kẻ chiến thắng nhờ thắng lợi cận kề của Assad gần Aleppo với chiến lược thánh chiến dài hạn.
Nhưng sau đó, châu Âu sẽ phải đương đầu với mối hiểm hoạ thậm chí còn lớn hơn từ chủ nghĩa khủng bố. “Đột nhiên, nguy cơ lớn nhất với an ninh của chúng ta tích tụ tại Aleppo”, tờ báo Anh kết luận.