|
Ông Putin |
Sau khi thông tin về loại ngư lôi bí mật bị rò rỉ trên hai kênh truyền hình nhà nước Nga, phát ngôn viên của tổng thống Nga Vladimir Putin nói tương lai chính quyền sẽ có những biện pháo phòng ngừa không để sự việc tái diễn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây rất có thể là “đòn gió” của Nga. Hai kênh truyền hình nhà nước đã chiếu hình ảnh về kế hoạch một loại ngư lôi hạt nhân trong cuộc gặp giữa tổng thống Nga Putin và các tướng lĩnh quân đội tại Sochi.
Tại cuộc họp trên giữa ông Putin với các tướng lĩnh và quan chức ngành công nghiệp quốc phòng ở Sochi, camera Kênh 1 đã vô tình quay qua vai một sĩ quan khi ông ta mở bản tài liệu ra. Các hình vẽ trong cuộc họp Sochi hé lộ về loại ngư lôi như phương tiện robot tựa như hai tàu ngầm nhỏ chạy bằng năng lượng hạt nhân mang mật danh “Project 09852” và “Project 09851” đang được hải quân Nga chế tạo. Tầm bắn của loại ngư lôi này có thể lên tới 10.000km, theo tài liệu.
Theo phát ngôn viên của ông Putin là ông Dmitri Peskov, những hình ảnh này chứa “dữ liệu mật” không nên phổ biến trên truyền thông và các đài truyền hình đã xóa ngay đoạn video đó khỏi website của mình.
Tài liệu trên được BBC dịch lại, cho biết “hệ thống ngư lôi đa mục tiêu Status-6 được chế tạo để phá hủy các cơ sở kinh tế của kẻ thù ở duyên hải và bảo đảm gây ra thiệt hại trên diện rộng trong lãnh thổ nước đó bằng cách tạo ra những khu vực nhiễm phóng xa, khiến chúng không thể sử dụng được vào mục đích quân sự, kinh tế hoặc các hoạt động khác trong một thời gian dài”.
Ông Peskov nói chính quyền sẽ ngăn ngừa để việc này không tái diễn. Tuy nhiên, các bloger và các nhà phân tích độc lập của trang Meduza đang tranh luận xem có phải đó là sự rò rỉ có tính toán và là một chiến thuật nhằm gieo rắc sự hoang mang, sợ hãi trong những kẻ thù của Nga.
Báo Rossiskaya Gazeta còn mô tả chi tiết của loại vũ khí mới trên, gọi đó là “tàu ngầm robot mini” và cho biết nó có thể được lắp “bom bẩn”. Cả hai được cho là đảm nhiệm nhiệm vụ cứu hộ, trinh sát và các hoạt động đặc nhiệm dưới lòng biển.
Trong cuộc họp được chiếu trên truyền hình, ông Putin nói về kế hoạch của Mỹ và NATO xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, gọi đó là “mưu toan phá hủy sự cân bằng vũ khí hạt nhân chiến lược đang tồn tại và chủ yếu nhằm lật đổ toàn bộ sự ổn định của hệ thống toàn cầu cũng như khu vực”. Để đáp trả, ông Putin cho biết Nga sẽ phát triển các vũ khí có khả năng xuyên thủng bất cứ hệ thống phòng thủ nào trên thế giới.
Theo Daily Beast, vấn đề là người ta không có cách nào biết chắc đó là một loại siêu vũ khí tồn tại trên thực tế hay đó đơn thuần chỉ là một cú “đòn gió” truyền thông được thiết kế với chủ ý khiến Mỹ nghĩ rằng ông Putin đã có một công cụ nguy hiểm mới trong kho vũ khí của mình.
Nếu đó là thật, Nga sẽ là quốc gia đầu tiên sở hữu loại vũ khí có sức công phá gần như một quả bom hạt nhân, có thể phát tán tia phóng xạ chết người trên một khu vực rộng lớn, khiến không thể sử dụng được. Nếu đây là đòn gió, đó sẽ là trò chơi khăm mới nhất của Kremlin.
Khía cạnh kỹ thuật của thiết bị này không quá phức tạp. Một quả bom bẩn là loại vũ khí chứa chất nổ thông thường được bọc bằng vật liệu phóng xạ. Khi phát nổ cũng giống như các loại vũ khí khác, nhưng mảnh vỡ của bom bẩn văng ra phát tán phóng xa và do đó nguy hiểm hơn và gây hậu quả lâu dài hơn nhiều so với mảnh bom tiêu chuẩn thông thường.
Chuyên gia độc lập về quân sự tại Geneva Pavel Podvig cho rằng Status-6 là một loại “bom bẩn”. Bề ngoài có vẻ đó là một phương tiện không người lái được phóng đi từ tàu ngầm mini. Chuyên gia phân tích kiểm soát vũ khí Mỹ Jeffrey Lewis thì tỏ vẻ hoài nghi đó là “bom bẩn”.
So với vũ khí hạt nhân, bom bẩn dễ chế tạo hơn nhiều và việc sử dụng chúng cực kỳ khiêu khích có thể châm ngòi cho trận quyết đấu toàn cầu. Vào thập niên 1970, Mỹ và Nga đã nhất trí cấm loại vũ khí trên. Tuy nhiên, hiệp ước này đã sụp đổ vào đầu những năm 1990.
Trước đó, các chuyên gia lo ngại Triều Tiên và Iraq dưới thời Saddam Hussein có thể phát triển “bom bẩn”. Nhưng cho tới nay, dường như không ai quá lo về việc Nga có thể quay lại với loại vũ khí có nguồn gốc từ thời Liên Xô và làm sống lại thứ vũ khí phóng xạ nguy hiểm.
Theo QPAN