|
Tổng thống Nga Putin |
Nếu như không có gì đột biến xảy ra, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là một chính khách tồn tại vĩ đại. Khi các cuộc biểu tình phản đối nổ ra tại Moscow 4 năm về trước, rất nhiều chuyên gia phương Tây đã dự báo ông Putin sẽ sa cơ. Nhưng tới ngày 3/12 vừa qua, ông Putin vẫn đọc thông điệp Liên bang hàng năm với tư cách tổng thống Nga. Thật hiếm người nổi tiếng như ông.
Thậm chí ngày nay, nhiều nhà bình luận phương Tây vẫn thường tạo ấn tượng rằng họ thấy tương lai và tương lai đó không có Putin. Thế nhưng cuộc điều tra của Trung tâm nghiên độc lập Levada Nga lại cho thấy rất ít bằng chứng về sự bất mãn của công chúng. Trái lại, Kremlin là một trong ba thiết chế mà người Nga tin tưởng nhất (quân đội 64%, nhà thờ và các tổ chức tôn giáo khác 53%). Có tới 80% người được hỏi cho biết họ hoàn toàn tin tưởng ở ông Putin.
Phương Tây đã cố cắt nghĩa xem nên hiểu thực tế này như thế nào. Theo The Interpreter, lâu nay giới truyền thông phương Tây thường mô tả sự nổi tiếng của ông Putin như kết quả của việc người Nga phụ thuộc nặng nề vào hệ thống truyền hình và giới truyền thông do chính phủ kiểm soát và cho rằng người Nga “bị tẩy não”. Nhưng cách nhìn một phía phiến diện như vậy có thể bóp méo quan hệ giữa chính quyền và công chúng. Thực tế, chỉ có 34% người Nga cho biết họ tin vào truyền thông.
Lý thuyết về sự “tẩy não” còn có thể khiến bỏ lỡ điều có thể là điểm quan trọng nhất của nước Nga hiện đại: Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các chính sách của chính phủ phản ánh thái độ và dư luận của đa số người Nga có tư tưởng bảo thủ hơn là phương Tây hóa hoặc quan điểm tinh hoa tự do mới.
Kể từ năm 1996, Trung tâm Levada đã hỏi người Nga rằng họ muốn các vị tổng thống của họ là người thế nào. Kỳ vọng của người Nga đã thay đổi rất ít. Năm 2012 (trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine), 4 ưu tiên hàng đầu của người Nga là: Khôi phục vị thế siêu cường của Nga (57% so với 54% năm 1996); Luật pháp và trật tự (52% so với 58%); Phân phối công bằng các sự thịnh vượng quốc gia (49% so với 37%); và tăng cường vai trò của nhà nước trong nền kinh tế (37%, giữ nguyên so với 1996).
Những tâm lý trên phản ánh sự tiếp tục tiếc nuối hệ thống thời Xô viết và sự bất mãn với con đường phương Tây hóa sau khi Liên Xô tan rã. Năm 2012, chỉ thiểu số 16% (tăng lên từ 13% năm 1996) tin rằng Nga nên tiếp tục theo đuổi các cải cách tự do thời Yeltsin và thậm chí còn ít hơn (5%, tụt từ 6% năm 1996) nghĩ rằng phương Tây có điều gì đó để họ thích thú.
Tuy nhiên, ngày nay có tới 70% người Nga cho biết họ tự hào về đất nước. Kể từ năm 2014, 68% người Nga tin rằng đất nước họ đã giành lại vị thế cường quốc. Có sự ủng hộ áp đảo về việc “mua hàng Nga” khi người Nga tới cửa hàng, 91% nhất trí với việc thay thế hàng nhập khẩu (một biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây), cũng như giúp đỡ ngành công nghiệp Nga và đặc biệt là nông nghiệp.
The Interpreter lý giải điểm chính là nước Nga trở nên bảo thủ kể từ khi ông Putin quay lại Kremlin vào tháng 3/2012. Phó viện trưởng Viện quan hệ quốc tế Moscow, ông Igor Okunev, cho rằng trong lịch sử chính quyền Nga luôn luôn có tư tưởng tự do hơn dân chúng Nga.
Không giống như Gorbachev và Yeltsin, ông Putin đã quyết định chấp nhận thực tế này và sử dụng nó như một cơ sở cho sự ủng hộ ông. Đó là chiến lược của Putin kể từ các cuộc biểu tình chống đối năm 2011. Đó là khi nhà lãnh đạo Nga quyết định từ bỏ thiểu số theo quan điểm tự do để chuyển sang phe đa số bảo thủ.
Mikhail Remizov, giám đốc Viện chiến lược quốc gia Nga chia sẻ quan điểm này và cho rằng nền dân chủ Nga phải được định nghĩa bằng tư tưởng bảo thủ, dân túy, dân tộc chủ nghĩa và bảo vệ sản xuất trong nước. Theo ông Remizov, Putin hiện ra như một nhân vật dân tộc chủ nghĩa. Trong bối cảnh của nước Nga, ông là một người bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nói chung, nghị trình của Kremlin ngày nay được hình thành từ phe đối lập những năm 2000: bảo thủ và đa số yêu nước.
Theo QPAN