|
Tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa của Nga |
Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin được cho là đã đầu tư một chương trình tuyệt mật nhằm củng cố các boongke trên khắp thủ đô Mátxcơva, theo giới chuyên gia.
Theo đó, Nga đã đầu tư rất lớn để xây dựng các công trình xung quanh thủ đô trong trường hợp nổ ra chiến tranh với phương Tây. Trong báo cáo lần đầu xuất hiện hồi tháng trước, Nga bắt đầu xây dựng hàng chục các boongke ngầm trên khắp đất nước từ nhiều năm trước, giới chức Mỹ cho biết.
“Nga đang sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh lớn có thể dẫn tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân, trong đó họ sẽ là người phát động tấn công phủ đầu. Chúng ta lại không nghiêm túc chuẩn bị cho một cuộc đại chiến”, Mark Schneider, cựu quan chức về chính sách hạt nhân của Lầu Năm Góc phát biểu với Washington Free Beacon.
Theo đó, có rất ít chi tiết về các hầm ngầm chống tấn công hạt nhân được công bố, tuy nhiên giới truyền thông Nga cho biết chúng đang được xây dựng tại Mátxcơva như một phần của chiến lược an ninh quốc gia mới. Nga cũng đã xây dựng một hầm ngầm quy mô lớn gần núi Yamantau ở dãy Ural.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xấu đi nghiêm trọng trong những năm gần đây, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột tại Syria. Căng thẳng cũng leo thang với các cuộc tập trận của NATO ở các nước khu vực Baltic và Đông Âu.
Hồi tháng 6 vừa qua, Mỹ đã dẫn đầu một cuộc tập trận với quy mô 6.000 quân, 50 chiến hạm 60 chiến đấu cơ và một tàu ngầm. Hồi đầu năm 2016, có thông tin Nga đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử tên lửa hạt nhân tối tân có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ châu Âu và hủy diệt một phần châu Âu chỉ ít giây sau khi phóng.
Loại tên lửa RS-28 Sarmat còn có tên là Satan 2 có thể bắn đi với tốc độ 7km/giây và được thiết kế để đánh bại bất cứ hệ thống chống tên lửa nào. Tên lửa Sarmat có thể mang một đầu đạn 40 megatons, mạnh gấp 2.000 lần hai quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.
Tờ Zvezda cho biết, tên lửa có thể hủy diệt một khu vực cỡ nước Pháp hoặc bang Texas chỉ trong một lần bắn. Tên lửa Sarmat có tầm bắn 10.000km, cho phép Nga tấn công London (Anh) và các thành phố châu Âu khác, cũng như bắn tới các thành phố ở cả bờ đông và bờ tây nước Mỹ.
Tiến sĩ Loren Thompson, chuyên gia quân sự thuộc Viện Lexington (Mỹ) nói với tạp chí National Interest rằng khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga không chỉ hiện hữu mà còn đang tăng lên.
“Và khu vực có nguy cơ nhất để bùng phát chiến tranh hạt nhân là một cuộc đụng độ quân sự về ba quốc gia nhỏ bé vùng Baltic bao gồm Estonia, Latvia and Lithuania”, Thompson nhận định.