Phương Tây tránh Ngày Chiến thắng, người Nga giận dữ

Kỷ niệm đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất của ông Boris Lisitsyn là được đi trong đám đông khổng lồ hừng hực khí thế vui tươi, phấn khởi và đầy tự hào trên đường phố Moscow và trên Quảng trường Đỏ trong dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

Khi đó, ông Lisitsyn còn quá trẻ để tham gia chiến đấu nhưng giống như hầu hết người dân Nga khác, ông luôn coi việc đánh bại phát xít Đức vào năm 1945 là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nước Nga.
 
"Tôi vẫn còn nhớ rất rõ khi kết thúc chiến tranh, Đó là một thời khắc mà niềm vui tràn ngập, vỡ òa khắp nơi. Mọi người đổ ra đường ca hát và uống rượu", ông Lisitsyn, 86 tuổi, cho biết ở căn hộ của ông bên ngoài thủ đô Moscow.
 
"Tất cả mọi người cứ thể không ai bảo ai đều đổ về Quảng trường Đỏ, về khu vực trung tâm của thủ đô. Có quá nhiều người. Gặp bất kỳ người lính nào, họ cũng nắm tay lắc lắc và nói “Các anh thật vĩ đại, thật tuyệt vời!”, ông Lisitsyn kể lại.
 
Sau phút giây đầy hào hứng, ông Lisitsyn bắt đầu trầm lại khi được hỏi về việc một loạt giới lãnh đạo phương Tây không đến tham dự lễ diễu binh hoành tráng mừng 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức ở Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5 tới.
 
"Tất nhiên, đó là điều chẳng hay ho gì", ông Lisitsyn cho biết trước khi lặng lẽ nhún vai nói thêm “đó là quyền của họ".
 
Phương Tây rõ ràng đang tẩy chay lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng đầy ý nghĩa của Nga nhằm thể hiện thái độ không hài lòng trước việc Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
 
Tuy nhiên, nhiều người Nga xem hành động của phương Tây là một sự thiếu tôn trọng, bất kính với những mất mát, tổn thất to lớn mà nhân dân Nga phải hứng chịu trong cuộc Chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại bảo vệ Nga và thế giới trước họa phát xít. Người Nga cũng tin rằng, sự tẩy chay của phương Tây là hành động cố tình nhằm làm giảm vai trò quan trọng của Nga trong việc giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống phát xít.
 
Sự tẩy chay của phương Tây đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và niềm tự hào dân tộc của người dân Nga khi lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ngày một đến gần. Cùng với tình cảm này, người dân Nga cũng trở nên đoàn kết hơn, ủng hộ chính quyền của ông Putin hơn trong cuộc đối đầu với phương Tây.
 
Tổng thống Putin tin rằng, Mỹ đã gây áp lực lên các đồng minh để lãnh đạo những nước này không đến tham dự lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng ở Nga. Giới lãnh đạo và người dân Nga cũng tin rằng, “các kẻ thù” của Nga đang cố tìm cách viết lại lịch sử để làm phương hại đến đóng góp và vai trò quan trọng của Nga trong chiến thắng trước phát xít Đức cách đây 70 năm.

Danh sách các nguyên thủ quốc gia đến Moscow tham dự lễ diễu binh hoành tráng mừng Ngày Chiến thắng trong năm nay phản ứng tình hình địa chính trị hiện nay khi Nga đang phải đối mặt với sự cô lập, bủa vây của các nước phương Tây.
 
Theo thông tin mới nhất được một quan chức cấp cao Nga tiết lộ gần đây, có khoảng 30 nguyên thủ quốc gia đã xác nhận đến tham dự buổi lễ quan trọng và đầy ý nghĩa trên Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5 tới.
 
Nga có truyền thống mời đại diện của các nước khác đến tham dự lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng.
 
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo các nước phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã từ chối lời mới vì lý do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 29/4 cũng đã gửi thư đến Tổng thống Putin giải thích lý do không đến tham dự lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng ở Moscow.
 
Một loạt lãnh đạo phương Tây và lãnh đạo của một số nước Đông Âu thân phương Tây đã từ chối lời mời đến tham gia buổi lễ mừng Ngày Chiến thắng của Nga. Tất cả xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cuộc xung đột nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu (EU) liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ.
 
Ngoài “cuộc chiến” trên mặt trận kinh tế, Mỹ và phương Tây còn tìm cách bao vây, dồn ép và cô lập Nga trên mặt trận chính trị, ngoại giao và quân sự. Việc tẩy chay lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng được cho là một bước đi của phương Tây nhằm cô lập Nga trên mặt trận ngoại giao.
 
Bất chấp việc bị cô lập, dồn ép tứ phía từ các nước phương Tây và một số nước láng giềng xung quanh, Nga vẫn thể hiện sự kiêu hãnh vốn có của nước này bằng việc tổ chức một buổi lễ hoành tráng nhất trong lịch sử hiện đại.
 
Không có sự tham dự của nguyên thủ của nhiều nước phương Tây nhưng lễ diễu binh của Nga sẽ đón chào lãnh đạo của một loạt quốc gia Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ...
 
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xấu đi đến mức ông Konstantin Kosachev – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga phải thốt lên rằng, “họ (phương Tây) đang tìm cách phá hỏng buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng của chúng tôi bằng bất kỳ giá nào”.
 
Cách đây 10 năm, vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng năm 2005, Tổng thống Mỹ, Pháp và Thủ tướng Đức thời điểm đó gồm ông George W. Bush, Jacques Chirac và Gerhard Schroeder đều có mặt ở Nga để tham dự lễ diễu binh ở Quảng trường Đỏ lịch sử.

Theo: VnMedia