|
Hình ảnh được cho là hệ thống S-400 tại sân bay Latakia, Syria |
Tờ Daily Mail hôm 12/11 đưa tin, Nga được cho là đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 (còn được NATO gọi là SA-21 Growler) đến căn cứ không quân Hmeymim ở tỉnh Latakia, Syria.
Căn cứ Hmeymim là nơi lực lượng Nga đang đóng quân và từ đó phát động các cuộc tấn công nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga – Thiếu tướng Igor Konashenkov hôm qua (13/11) đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ. Ông này khẳng định, không có bất kỳ hệ thống S-400 nào của Nga được đưa đến Syria. Đó là thông tin hoàn toàn giả mạo.
"Có nhiều thông tin khác nhau về căn cứ không quân của chúng tôi xuất hiện thường xuyên trên báo chí và các ấn phẩm nước ngoài. Đó đều là những thông tin thực sự gây hoang mang, khó hiểu, nếu không nói là nực cười. Tôi muốn tin rằng, những câu chuyện đó đang được tung ra vì mục đích tự quảng cáo”, Thiếu tướng Nga cho biết tại một cuộc họp báo được tổ chức cho những phóng viên nước ngoài và đây là một phần trong chuyến đi dành cho báo giới đến căn cứ Hmeymim – nơi chiến đấu cơ của Nga từ đó xuất kích đi đánh IS.
Các phóng viên đã làm việc tại căn cứ không quân của Nga trong 3 ngày và họ đã có cơ hội tận mắt xem xét tất cả mọi thứ, trong đó có các phương tiện phòng không của căn cứ. "Tất nhiên, không có và sẽ không bao giờ có bất kỳ hệ thống S-400 nào ở đây. Đó là thông tin giả mạo”, ông Konashenkov nhấn mạnh.
"Trước khi tìm cách dọa dẫm và làm công chúng Anh cũng như người dân thế giới hoảng sợ với tin tức Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 đến Syria, họ nên tra cứu, tham khảo trên Wikipedia hoặc ở Bộ Quốc phòng của Nga để biết xem hệ thống đó trông như thế nào. Và những người biên tập của tờ báo cũng phải biết chắc chắn rằng có bao nhiêu bộ phận trong hệ thống tên lửa đó và việc triển khai nó đòi hỏi những yếu tố gì”, Thiếu tướng Konashenkov nói thêm.
Đại diện của các tờ báo hàng đầu đến từ Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp và nhiều nước khác đã đến căn cứ không quân Hmeymim ở Syria như một phần của chuyến đi dành cho báo giới. Theo những thông tin được cung cấp trước đó, gần 50 nhà báo đến từ 12 quốc gia đã ở lại căn cứ Hmeymim. Phát ngôn viên Konashyonkov tiết lộ, Bộ Quốc phòng Nga sẽ còn tiếp tục mới báo chí nước ngoài đến Hmeymim.
Nga đã chính thức tham chiến ở Syria hôm 30/9 bằng việc điều chiến đấu cơ và sau này là tàu chiến đến thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu của các tổ chức khủng bố ở quốc gia Trung Đông bao gồm nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và nhóm Mặt trận Jabhat al-Nusra. Nga đã thực hiện chiến dịch can thiệp quân sự này theo lời đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad.
Lực lượng Không quân của Nga chiến đấu ở Syria gồm 50 máy bay chiến đấu ở các loại khác nhau thuộc gia đình Su lừng danh. Cụ thể, Nga đang triển khai máy bay ném bom Su-34 và Su-24M; máy bay tấn công Su-25, chiến đấu cơ Su-30SM, trực thăng Mi-8 và Mi-24. Tàu chiến của Hải quân Nga cũng đã tham gia vào chiến dịch tấn công ở Syria hồi đầu tháng 10. Những chiếc tàu chiến đã bắn tên lửa Kalibr NK vào mục tiêu của IS từ vùng biển Caspian. Trong gần một tháng qua, lực lượng Nga đã phá hủy được hơn 2.000 mục tiêu của bọn khủng bố. Tuy nhiên, Moscow không có ý định tham gia vào bất kỳ chiến dịch trên mặt đất nào ở quốc gia Trung Đông.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga trước đây luôn khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400 và rằng tổ hợp tên lửa phòng không thiện chiến này chỉ để dành riêng cho Lực lượng Vũ trang Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, Moscow đã chấp nhận bán thứ vũ khí bảo bối này của họ cho Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ, Ả-rập Xê-út cũng đang có ý định đàm phán với Nga để mua S-400.
Theo VnMedia