Sự đáp trả của phương Tây trước những hành động của Ukraine là trừng phạt và cố gắng cô lập. Hội đồng Nga-NATO đã bị đình chỉ hoạt động và Nga trên thực tế đã bị trục xuất khỏi G-8.
Bất chấp thực tế đó, Nga tiếp tục thể hiện ảnh hưởng đối với các vấn đề quốc tế quan trọng mà chiến dịch quân sự tại Syria là một ví dụ. Sau hơn 2 năm nói về mối đe doạ Nga, nay đã tới lúc cần xem xét lại xem tại sao phương Tây, đặc biệt là châu Âu lại cần có Nga.
Có 4 vấn đề chính yếu sau:
Thứ nhất, về phương diện hoà bình và an ninh quốc tế, Nga giữ một ghế thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Moscow có thể dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn các hành động của phương Tây trong nhiều trường hợp, hầu hết liên quan tới Syria với tác động gián tiếp đến trật tự và sự đoàn kết của châu Âu.
Thứ hai, Nga là một nhà cung cấp năng lượng toàn cầu. Nga nắm giữ 6,87% lượng dầu dự trữ của thế giới và 17,4 lượng khí đốt và cũng là nước phát thải khí carbon lớn thứ 4 thế giới.
Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Tất cả khiến Nga trở nên quan trọng sống còn đối với an ninh năng lượng thế giới và tất nhiên cả những nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Thứ ba, về phương diện quân sự, Nga là nước chi tiêu cho quân sự lớn thứ ba thế giới và thứ nhì thế giới về xuất khẩu vũ khí. Năm 2014 theo tổ chức SIPRI, Nga đã chi 91,7 tỷ USD cho quốc phòng. Khoản ngân sách này chiếm 4,5% GDP của Nga và chiếm khoảng 5,4% chi tiêu quân sự toàn cầu.
Ngân sách quốc phòng của Kremlin đã tăng 97% từ năm 2005 và quân đội Nga đang trong quá trình hiện đại hoá ráo riết. Nga tất nhiên cũng sở hữu 1.780 đầu đạn hạt nhân trong tổng kho dự trữ vũ khí hạt nhân 7.500 đầu đạn. Trong khi một số người lo ngại khi nêu ra thực trạng Nga tăng cường sức mạnh quân sự, thực sự rằng việc kiểm soát các loại vũ khí và hạt nhân cũng như thông thường vẫn có ý nghĩa, ít nhất tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương không thể không có Nga.
Thứ tư, tham vọng của Nga nhằm thiết lập một sự lãnh đạo quốc tế phi phương Tây thông qua các hoạt động tại khối BRIC, Diễn đàn Hợp tác Thượng Hải và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Gần đây, Nga là nước nắm giữ số cổ phần lớn thứ ba tại Ngân hàng đầu tư và phát triển hạ tầng châu Á do Trung Quốc sáng lập.
Một chính sách không cam kết với Nga sẽ chỉ tăng cường thực tế Nga quay sang các thiết chế trên và khuyến khích Moscow sử dụng chúng để cân bằng quan hệ với phương Tây. Tất cả cho thấy rằng trong hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng, cho dù phương Tây có muốn hay không, hợp tác với Nga là vấn đề cơ bản.
Tầm quan trọng của Nga đối với châu Âu thậm chí rất rõ ràng. Với khoảng hơn 80% người Nga sinh sống tại lục địa châu Âu, chiếm khoảng 16% dân số châu Âu, Nga là một người chơi chủ yếu trên phương diện địa lý và dân số học.
Vai trò lãnh đạo của Nga trong quản trị khu vực là củng cố, tăng cường tư cách thành viên của nước này tại Hội đồng châu Âu và OSCE. Moscow cũng đôi khi cho thấy khả năng hành động gây ảnh hưởng tới nỗ lực bảo đảm hoà bình và an ninh mà Geogia và Ukraine là hai minh chứng rõ ràng. Nếu như châu Âu muốn một trật tự an ninh thật sự, cần phải thương lượng và đồng thuận với Nga.
Về phương diện năng lượng, năm 2013 châu Âu phụ thuộc vào Nga tới 39% lượng khí đốt nhập khẩu và 34% dầu mỏ. Trong khi châu Âu đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc này, đó sẽ là một lộ trình trả giá về chính trị và kinh tế. Việc này cần có thời gian và năng lượng luôn gây nhiều vấn đề đối với châu Âu. Thực tế quyền lực của người khổng lồ năng lượng Nga được cảm nhận rõ nhất tại các thành viên phía đông của EU, nơi khí đốt của Nga được nhập khẩu tới 100%.
Nga gần đây đã tuyên bố chủ quyền đối với hơn 463.000 dặm vuông tại Bắc Cực, nơi được kỳ vọng chứa phần lớn lượng dầu khí của khu vực. Nếu các nước thành viên EU như Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na uy và Thuỵ Điển không muốn đứng ngoài cuộc, họ sẽ phải hợp tác với Nga.
Tương lai quan hệ của châu Âu với châu Á, một khu vực tiếp tục tăng trưởng kinh tế và có tầm quan trọng chính trị cũng cần xem xét vị thế của Nga. Trung Quốc hy vọng vành đai Con đường tơ lụa sẽ giúp phát triển quan hệ kinh tế lục địa Á-Âu. Châu Âu có nhiều lợi ích từ dự án này nhưng con đường sẽ chạy qua Nga và vùng ảnh hưởng của Moscow. Hợp tác với Nga sẽ giúp phát triển kinh tế Á-Âu khả thi hơn và đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nước châu Âu.
Chiến dịch quân sự của Nga gần đây tại Syria cũng là một yếu tố gây ra sự gia tăng làn sóng người tị nạn đổ sang châu Âu. Đó cũng là một cách khác để Nga gây ảnh hưởng đối với châu Âu. Tuy nhiên, với vô số các nhân tố khác nhau hiện nay đang thể hiện vai trò tại Syria, khả năng về một sự cố quân sự là mối đe doạ với tất cả. Hợp tác với Nga về Syria, như phân tích mới đây của ELN đề xuất, là cách tốt nhất để tránh một sự leo thang không mong muốn và tạo ra làn sóng di cư lớn hơn đổ sang châu Âu.
Vấn đề có hợp tác với Nga hay không có thể gây tranh cãi, đặc biệt về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng tính chất nghiêm trọng của các thách thức phương Tây phải đối mặt cho thấy phải tìm ra một con đường. Điều giới chức trên khắp châu Âu, đặc biệt tại Brussel, phải tự hỏi rằng hiện nay liệu có nên hợp tác với Nga hay không, hợp tác tới mức nào và về những vấn đề gì?
Những người phản đối khả năng hợp tác với Nga nên xem xét trường hợp Iran. Thoả thuận hạt nhân Iran là một thành tựu lớn đối với an ninh khu vực và quốc tế, và chắc chắn không thể có kết quả nếu không có sự ủng hộ của Nga. Bỏ qua khả năng hợp tác tiềm năng với Nga về các vấn đề nghiêm trọng châu Âu phải đương đầu sẽ chỉ khiến châu Âu trở nên yếu ớt khi giải quyết các thách thức lớn nhất phải đối mặt.
* Lược dịch bài viết trên đăng tải trên European Leadership Network