|
Phụ huynh cần chú ý gì khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi |
Trước khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị trước tinh thần cho trẻ bằng cách nói chuyện với trẻ trước khi đến buổi tiêm về những gì sẽ xảy ra. Phụ huynh nên cho trẻ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc. Đồng thời, tuân thủ các quy định phòng chống dịch như: khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên thông về tình hình bệnh nền của trẻ, tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vaccine hay bất kỳ dị nguyên nào khác… khi đưa trẻ đi khám sàng lọc trước tiêm để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm phù hợp trong buổi khám sàng lọc.
Đặc biệt, cha mẹ, người giám hộ sẽ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý) trước khi tiến hành tiêm cho trẻ.
Trong khi tiêm vaccine, CDC Đà Nẵng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần động viên, an ủi trẻ. Để ngăn ngừa ngất xỉu và các chấn thương liên quan đến ngất xỉu, trẻ nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm và trong 15 phút sau khi tiêm vaccine.
Đối với công tác chuẩn bị sau khi tiêm, phụ huynh sẽ được yêu cầu ở lại tối thiểu 30 phút với trẻ để có thể quan sát trẻ trong trường hợp trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức. Khi về nhà, phụ huynh nên chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ trong vòng 3 tuần sau khi tiêm.
“Trẻ có thể bị một số tác dụng phụ, đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang xây dựng lớp bảo vệ. Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày”- CDC Đà Nẵng hướng dẫn.
Cũng theo CDC Đà Nẵng, cơ thể trẻ tiêu thụ năng lượng rất lớn khiến bản thân dễ bị mệt sau khi tiêm vaccine, nên nếu thêm việc vận động mạnh, chạy nhảy quá mức thì cơ thể càng mệt hơn. Vì thế khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin COVID-19 về, người nhà phải dặn dò, hạn chế hoạt động của trẻ để kiểm soát, phát hiện sớm các bất thường về tình trạng sức khỏe, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh.
CDC Đà Nẵng cho biết, để đảm bảo hiệu quả của việc phòng COVID-19, trẻ sẽ được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer-BioNTech, mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên là 3-4 tuần với liều lượng vaccine giống như ở người lớn, chính vì vậy, sau khi tiêm vaccine, trẻ có thể gặp các tác dụng phụ như:đau, đỏ, sưng tại vị trí tiêm; biểu hiện toàn thân mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn.
Khi gặp các tình huống này, phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc để giảm các triệu chứng. Bên cạnh đó, để giảm khó chịu do sốt, hãy cho trẻ uống nhiều nước và ăn mặc thoáng. “Khi theo dõi, nếu thấy có vết đỏ hoặc vết thương nơi tiêm ở trẻ trở nên nặng hơn sau 24 giờ hoặc nếu các tác dụng phụ ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng hoặc dường như không biến mất sau một vài ngày thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ” - CDC Đà Nẵng khuyến cáo.
Được biết, CDC Đà Nẵng sẽ triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trước cho trẻ em từ 15-18 tuổi và sau đó tiếp tục tiêm cho trẻ từ 12-15 tuổi. Công tác tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi sẽ bắt đầu từ ngày 2/11 đến ngày 4/11, tại 16 điểm tiêm.
Đối tượng tiêm là trẻ em, bao gồm người nước ngoài và người Việt Nam. Cụ thể là học sinh đang theo học lớp 10, 11, 12 tại các trường, trung tâm trực thuộc quản lý của Sở GD&ĐT; trẻ trong độ tuổi từ 15-18 tuổi đang theo học tại các trường dạy nghề trên địa bàn TP, được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm trực thuộc Sở LĐ-TB&XH; trẻ không đi học, trẻ khuyết tật... đang cư trú trên địa bàn TP.
Trong đợt tiêm này, CDC Đà Nẵng sẽ tiêm 45.942 liều, tương đương 45.942 người. Đây là số liều vaccine COVID-19 Pfizer được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ cho Đà Nẵng trong tổng số là 117.000 liều.