Philippines lên án Trung Quốc ở Biển Đông

Philippines  cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông bằng một kế hoạch bành trướng thông qua hoạt động “bồi đắp, cải tạo hàng loạt”.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng những nỗ lực của Trung Quốc là nhằm phá hoại việc một tòa án của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về đơn kiện của Manila đối với Trung Quốc ở Biển Đông vào năm tới.
 
"Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch bành trướng và làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông với mục đích là để hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn và để giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông trước khi... tòa án quốc tế chính thức đưa ra một phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc”, Ngoại trưởng del Rosario thẳng thắn cho biết.
 
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, thậm chí cả với những khu vực nằm giáp với bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa vào yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò.
 
Nhiều khu vực nằm trong bản đồ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc cách xa nơi gần nhất thuộc đại lục Trung Quốc đến cả hơn 1.000km và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường vận chuyển sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng để tăng cường sự hiện diện và tranh giành chủ quyền ở Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng của họ. Hành động của Trung Quốc liên tục gây sóng gió trong khu vực, khiến nhiều người lo ngại xung đột vũ trang có thể bùng phát bất kỳ lúc nào ở Biển Đông. Đây là điều mà không chỉ các nước trong khu vực mà rất nhiều cường quốc và cộng đồng thế giới quan ngại sâu sắc và kịch liệt phản đối.
 
Ngoại trưởng Philippines tố cáo, những hành động tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và tranh giành chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc đang tiếp tục tăng lên. Ông này đề cập đến vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá của Philippines tại một bãi cạn gần bờ biển Philippines hồi tháng 1.
 
Quân đội Mỹ thách thức Trung Quốc ở Biển Đông
 
Trong một diễn biến khác có liên quan đến Biển Đông, Lầu Năm Góc hôm qua (25/3) cho biết, quân đội của họ năm ngoái đã tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải nhằm thách thức đòi hỏi chủ quyền của 19 nước ở các vùng biển, từ Trung Quốc cho đến Argentina. Lầu  Năm Góc nhấn mạnh, Mỹ đã thể hiện quyền được đi lại tự do trong các vùng biển để thách thức những nỗ lực nhằm áp đặt các biện pháp hạn chế.
 
19 là số nước lớn nhất bị thách thức trong vòng hơn một thập kỷ qua, đưa chương trình của quân đội Mỹ quay trở về mức độ từ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, khi quân đội Mỹ phải hạn chế hoạt động đó để dành cho các ưu tiên khác.
 
Mỹ đã tăng cường chiến dịch tự do hàng hải ở Châu Mỹ Latin – nơi quân đội Mỹ thách thức đòi hỏi của chủ quyền của một nửa tá quốc gia gồm Argentina, Brazil và Venezuela..., Bản Báo cáo Tự do hàng hải hàng năm năm 2014 của Lầu  Năm Góc cho hay.
 
Quân đội Mỹ cũng thường xuyên tiến hành chiến dịch tự do hàng hải để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm gần đây và cả năm 2014 vừa rồi. Một quan chức Mỹ giấu tên cũng nói rằng, Trung Quốc không thể đòi chủ quyền dựa trên những đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng ở Biển Đông. Đây là điều không được phép theo luật quốc tế.
 
"Theo luật quốc tế, một hòn đảo phải là một nơi được hình thành một cách tự nhiên. Luật quốc tế cũng nói, một hòn đảo nhân tạo sẽ không phải là đối tượng của chủ quyền hàng hải. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra một vùng hàng hải xung quanh những đảo nhân tạo đó sẽ là “điều không thể về mặt luật pháp”, vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.
 
Mỹ tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải bằng cách đưa tàu hải quân và máy bay quân sự vào những khu vực hàng hải mà các nước gần đó đang tìm cách hạn chế các hoạt động bằng một cách nào đó. Chiến dịch của Mỹ là nhằm thể hiện rằng, cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận những giới hạn và sự hạn chế kiểu đó.
 
Các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay là rõ ràng và nó đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực, đặc biệt là với các nước láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông.
 
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm ở Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái và phi pháp đó.

Theo: VnMedia