Philippines kiện Trung Quốc đến cùng, Nhật tuần tra Biển Đông

Philippines đã bác bỏ lời kêu gọi của Trung Quốc hối thúc nước này bỏ vụ kiện ở Biển Đông tại Tòa án trọng tài của LHQ ở The Hague để mở đàm phán song phương với Bắc Kinh. Trong khi, tổng tham mưu trưởng quân đội Nhật nói sẽ tuần tra Biển Đông.
Nhật Bản có thể sẽ tuần tra tại Biển Đông trong tương lai - Ảnh: Reuters

“Philippines đã đưa vụ việc ra trước tòa quốc tế, chúng tôi sẽ theo đuổi vụ kiện cho tới khi có kết quả cuối cùng” -ông Herminio Coloma, thư ký báo chí của tổng thống Philippines, nói trong một cuộc họp báo, theo mạng tin Philippines inquirer.net.

“Philippines nhắc lại việctuân thủ luật pháp quốc tế và các giải pháp dựa trên pháp luật cho những vấn đề trên biển”, ông Coloma nói.

Trước đó, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã hối thúc Philippines “trở lại với con đường đúng đắn giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng và tham vấn”.

Bà Hoa nói Trung Quốc “sẽ không bao giờ chấp nhận những nỗ lực đơn phương quay sang một bên thứ ba để giải quyết những tranh chấp”.

Bắc Kinh cho tới giờ đã từ chối tham gia vụ kiện ở The Hague và bác bỏ tính chính danh của phiên tòa, vốn được tổ chức theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), một công ước mà cả Trung Quốc và Philippines đều đã ký.

Charles Jose, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, nói với Inquirer rằng hội đồng thẩm phán năm người “đã đề nghị Trung Quốc tham gia và sẽ tiếp tục gửi thư mời họ tới giải thích lập trường của họ”.

Đầu tháng 7 này, Philippines từng từ chối đề nghị đàm phán song phương từ phía Trung Quốc về các vấn đề trên biển. Manila nói những cuộc thương lượng chỉ có thể mở nếu có sự tham gia của các thành viên cả khối ASEAN.

“Lập trường của Philippines là rõ ràng: nguyên tắc lấy ASEAN làm trung tâm phải được thừa nhận phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC)”, ông Coloma nói.

Ông Coloma đưa ra tuyên bố sau khi đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa nói Bắc Kinh “vẫn và sẽ luôn rộng mở” cho các cuộc đàm phán song phương.

Báo Philippine Star cho biết tuyên bố hôm 16.7 của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Galvez có đoạn: "Chính quyền Trung Quốc thực sự quá rối bởi vì liên tục bóp méo sự thật và tìm cách lừa dối những người Trung Quốc tử tế".

Ông Galvez nhấn mạnh một đất nước đi xâm chiếm lãnh thổ của nước khác thì không thể gọi là nạn nhân: "Anh có thể gọi kẻ khổng lồ giựt con cá khỏi tay một đứa nhỏ là nạn nhân được không? Những nhà lãnh đạo ở Trung Quốc quá rối. Họ cần phải lắng nghe tiếng nói của những cử tri Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, những người đang kêu gọi chấm dứt sự bắt nạt này, mà ai cũng biết là nhằm mục tiêu chuyển sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ của họ".

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc là nạn nhân trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông (?) và nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của tòa án quốc tế đang phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt trọn gần cả Biển Đông.

Con tàu BRP Sierra Madre của Philippines trên bãi Cỏ Mây - Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố nước này sẽ tiếp tục các hoạt động sửa chữa, gia cố con tàu BRP Sierra Madrebị mắc cạn từ năm 1999 tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Thủy quân lục chiến Philippines đang đóng trên tàu BRP Sierra Madre, và thời gian qua Trung Quốc liên tục ngăn cản các tàu thuyền tiếp tế cho BRP Sierra Madre.

Nhật tuần tra Biển Đông

Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano đánh giá Trung Quốc sẽ tăng cường hành động tại Biển Đông nên có thể Tokyo sẽ thực hiện các cuộc tuần tra giám sát tại vùng biển này trong tương lai.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Mỹ, Đô đốc Katsutoshi Kawano cho biết đã có các cuộc nói chuyện về việc Nhật Bản tuần tra tại Biển Đông, bao gồm các hoạt động chống tàu ngầm, theo Reuters ngày 17.7. Đô đốc Nhật Bản nói vấn đề này sẽ được cân nhắc tùy thuộc vào tình hình.

Đô đốc Kawano trước đó đã gặp Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey và thảo luận về việc hoàn thành các chương trình quốc phòng song phương được thỏa thuận trong năm nay.

Căng thẳng tại Biển Đông đã gia tăng sau khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trái phép, bao gồm gần hết Biển Đông và cấp tập xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động này gây ra các chỉ trích từ các nước láng giềng lẫn Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc cũng có những tranh cãi về chủ quyền với Nhật Bản tại vùng biển Hoa Đông.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường ngân sách quốc phòng nhằm phát triển năng lực của hải quân. Đô đốc Kawano nhận định rằng Trung Quốc sẽ trở nên cứng rắn hơn và tìm cách mở rộng các hành động.

“Theo dự cảm của tôi thì chiều hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai và Trung Quốc sẽ đi xa hơn đến các chuỗi đảo ở Thái Bình Dương. Vì vậy tôi tin rằng tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn”, Tổng tham mưu trưởng Kawano nói.

Đô đốc Kawano cho biết số lượng máy bay Nhật Bản cất cánh nhằm ngăn cản các hành động của Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Nhật vào năm ngoái tương đương mức độ của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Tổng tham mưu trưởng Nhật Bản đưa ra những bình luận trên sau khi Hạ viện Nhật Bản ngày 16.7 thông qua dự luật an ninh mới cho phép quân đội nước này chiến đấu ở nước ngoài, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Dự luật này được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra và đã chịu nhiều phản đối, tuy nhiên Đô đốc Kawano cho biết ông tự tin về việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ giành được lòng tin của người dân.

Theo Tuổi trẻ/Thanh niên