Philippines chọn địa điểm tập trận để làm vừa lòng cả Mỹ và Trung Quốc

VietTimes -- Lựa chọn địa điểm tập trận không nằm ở bờ Tây mà là bờ biển phía Đông đất nước làm cho người Philippines thân Mỹ yên tâm, làm cho cả Trung Quốc, Mỹ và Philippines hài lòng. Điều này cho thấy quan hệ đồng minh Philippines - Mỹ tiếp tục duy trì.
Binh sĩ tham gia cuộc tập trận Balikatan 2017 giữa Mỹ và Philippines
Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 19/5 dẫn nguồn tin từ Mỹ cho rằng cuộc tập trận chung thường niên giữa hải quân Philippines và Mỹ đã tránh khu vực Biển Đông, đồng thời nhà lãnh đạo Philippines đã có bước đi mới, tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với Trung Quốc.
Cuộc tập trận Balikatan thường niên giữa Mỹ và Philippines được tổ chức ở vùng biển lân cận tỉnh Aurora, phía bờ Đông của đảo Luzon, Philippines từ ngày 8 đến ngày 19/5/2017. Hai bên đã tiến hành diễn tập cứu nạn.
Trên thực tế, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền vô lý và phi pháp đối với hầu hết Biển Đông, đụng chạm cả vùng đặc quyền kinh tế của Philippines cũng như trùng với chủ trương chủ quyền của Philippines và các nước khác ở Biển Đông.
Tránh né vùng biển tranh chấp này có lợi cho tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với Trung Quốc. Trước khi ông Duterte lên cầm quyền, Philippines và Trung Quốc đã công khai tranh chấp trong 4 năm.
Đến nay, ông Rodrigo Duterte đã hai lần đến thăm Trung Quốc và đồng ý tiến hành hội đàm về phương thức quản lý vùng biển tranh chấp. Tháng 10/2016, Trung Quốc cho biết sẵn sàng cung cấp viện trợ và đầu tư 24 tỷ USD, tháng 1/2017 còn cam kết triển khai dự án trị giá 3,7 tỷ USD.
Chuyên gia cho rằng cuộc tập trận Balikatan năm nay tổ chức ở bờ biển phía Đông của Philippines vừa cho thấy Philippines ủng hộ Trung Quốc, vừa lấy lòng bộ phận người dân “thân Mỹ” ở Philippines.
Mỹ và Philippines tiến hành tập trận Balikatan 2017. Ảnh: Manila Bulletin

Phó Giáo sư Eduardo Araral, Đại học quốc gia Singapore cho rằng: “Điều này làm cho người Philippines thân Mỹ yên tâm, giúp họ thấy người Mỹ hoàn toàn không rút toàn bộ khỏi Philippines, vẫn có không gian đối thoại và hợp tác. Vì vậy, những cuộc tập trận này chỉ là sự điều chỉnh của quan hệ Philippines - Mỹ, để cho Trung Quốc vui, Philippines vui và Mỹ vui”.

Năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng tỏ thái độ nghi ngờ một cách phẫn nộ đối với ảnh hưởng của Mỹ tại Philippines, đồng thời hạ lệnh để quân đội Mỹ rút đi. Nhưng, sau đó nhiều “đe dọa” của ông đã không được thực hiện.

Nhà nghiên cứu Đỗ Doãn Sĩ, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Đại học Đạm Giang, Đài Loan cho rằng: “Tập trận hải quân còn có một mục đích, đó là cho thấy Manila có ý định giảm mất cân bằng trong trạng thái phòng thủ của Philippines”.

Theo Đỗ Doãn Sĩ: “Đến nay, trong chiến lược phòng thủ của Philippines, mối quan tâm và các nguồn lực đều tập trung vào hành lang phía tây của Philippines. Vì vậy, Tổng thống Rodrigo Duterte có ý muốn khẳng định với trong và ngoài nước rằng ông quyết tâm cải thiện an ninh ở phía đông đất nước”.

Tháng 11/2016, các quan chức Philippines và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về quy mô tập trận năm nay. Quan chức sứ quán Mỹ tại Manila cho biết cuộc tập trận bao gồm “đánh chặn trên biển và đột kích đổ bộ”, cứu trợ nhân đạo và chống khủng bố.

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Osprey Mỹ trong cuộc tập trận Balikatan 2017 giữa Mỹ và Philippines. Ảnh: Rappler

Sứ quán Mỹ cho hay quân đội Mỹ đã điều 1 tàu hậu cần hải quân, các xe chiến đấu đổ bộ và trên 25 máy bay quân sự. Sứ quán Mỹ không đưa ra bình luận gì về lý do lựa chọn tập trận ở bờ biển phía Đông của Philippines.