Phiếu bầu của người chết cũng được tính: Fake news về bầu cử Mỹ lan tràn trên Facebook!

VietTimes –  Chỉ còn vài ngày là tới bầu cử Tổng thống Mỹ, những thông tin sai sự thực liên quan tới bầu cử và an ninh bầu cử đang phát tán mạnh trên Facebook.
Những thông tin sai sự thực về bầu cử Mỹ liên tục được phát tán trên Facebook (Ảnh: Time)

Sau một cuộc điều tra được thực hiện bởi hãng NewsGuard, có 40 trang Facebook bị xem là “siêu phát tán” thông tin sai lệch liên quan tới bầu cử mỹ, có nghĩa rằng các tài khoản này chia sẻ nội dung sai sự thực về tiến trình bầu cử, bỏ phiếu cho ít nhất 100.000 người theo dõi trang.

Trong khi đó, chỉ có 3 trên tổng số 53 bài đăng trên các trang này – có tổng lượng người theo dõi xấp xỉ 22,9 triệu – được Facebook dán nhãn thông tin giả. 4 trong số các trang này thuộc về chủ nhân sinh sống ở ngoài nước Mỹ mặc dù nội dung của chúng là về bầu cử Mỹ.

Trong số những thông tin fake mà NewsGuard phanh phui có cả tin giả cho rằng Mỹ sẽ bỏ tiến trình bỏ phiếu qua email, hay như lá phiếu của những người đã qua đời cũng được tính, cùng những thông tin giả liên quan tới các cuộc thăm dò.

Điều tra của NewsGuard cũng phát hiện ra rằng, những thông tin giả mạo trên thường nhắm vào những lỗi có thể giải quyết được trong quá trình bỏ phiếu, từ đó gây nên sự bất tín trong cộng đồng cử tri. Một số trang tin giả khác lại nhằm vào những điều mà cử tri chưa hiểu rõ về quy định bầu cử.

Tất cả những thông tin mà NewsGuard phát hiện ra đều phát tán những thông tin không chính xác về tiến trình bỏ phiếu.

Ví dụ, một bài đăng nổi tiếng trên Facbook mới đây tuyên bố rằng Pennsylvania đã bác bỏ 372.000 lá phiếu, trong khi trên thực tế, giới chức bang này hủy 372.000 đăng ký xin bỏ phiếu qua email. Được biết, việc hủy đơn xin phiếu bầu không phải chuyện bất thường. Hơn nữa, một cử tri đã đăng ký có đơn xin bỏ phiếu qua email bị hủy vẫn có thể tự đi bỏ phiếu theo cách thông thường.

Thông tin này dường như xuất hiện lần đầu trong một bài viết đăng tải trên trên 100PercentFedUp.com – một website bị NewsGuard dán nhãn đỏ (tức là không đáng tin cậy). Bà Patty McMurrray, đồng sở hữu website trên và tác giả bài viết đã nói với NewsGuard rằng họ đã sửa lại bài viết để phản ánh đúng sự khác nhau giữa lá phiếu và đăng ký xin bỏ phiếu. Thế nhưng, những bài đăng sai sự thực chưa được chỉnh sửa vẫn còn đó trên Facebook.

Cũng có nhiều thông tin sai sự thực cảnh báo về tình trạng bạo lực và những kết quả bầu cử phi pháp, trong khi không đưa ra bằng chứng.

Greg Palast, một nhà báo điều tra tự do, dự báo rằng 6 triệu người sẽ đi bỏ phiếu qua email ở Florida, nhưng tuyên bố rằng lá phiếu của họ sẽ không được tính. Trong khi đó, không có bằng chứng chỉ ra rằng bang Florida từ chối công nhận kết quả bỏ phiếu ở bang này. Bài viết trên được chia sẻ trên bài đăng của Palast trên trang Facebook có 109.000 người theo dõi của ông. Và bài viết cũng không bị Facebook dán nhãn thông tin sai lệch.

Mặc dù Facebook đã tuyên bố tăng cường nỗ lực ngăn chặn thông tin sai sự thực, nhưng những thông tin giả mạo vẫn tràn lan trên nền tảng này, chúng được phép xuất bản và phát tán thông tin không đúng sự thực liên quan tới bầu cử và tiến trình bỏ phiếu – rõ ràng là vi phạm chính sách nội dung của nền tảng mạng xã hội này.

Theo NewsGuard, những fake news mới vẫn xuất hiện hàng ngày, trong đó có nhiều nội dung không chính xác, thậm chí đánh lừa người đọc về những sự kiện hết sức bình thường. Hậu quả là, hàng chục triệu người dân Mỹ tiếp cận với thông tin sai sự thực về tiến trình bầu cử trên nền tảng Facebook.

Theo NewsWeek