|
Chi phí mua bản quyền chưa tương xứng với hiệu quả khai thác
Từ ngày 16/1 đến nay, nhiều người dùng các ứng dụng truyền hình như FPT Play, TV360, MyTV bức xúc vì không thể theo dõi kênh VTV2 và VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) như trước đây, điều này làm xáo trộn thói quen học tập, giải trí.
Trao đổi với VietTimes, đại diện FPT (đơn vị cung cấp dịch vụ FPT Play) xác nhận tín hiệu một số kênh truyền hình VTV tạm thời gián đoạn trên hệ thống FPT Play do chưa đạt được thỏa thuận với Đài Truyền hình Việt Nam.
“Chúng tôi đang nỗ lực đàm phán để khôi phục lại tín hiệu trong thời gian sớm nhất”, đại diện FPT Telecom cho biết.
Cũng như trên ứng dụng truyền hình FPT Play, TV360 và MyTV đều đang bị gián đoạn dịch vụ đối với 2 kênh VTV, là VTV2 và VTV3.
Trao đổi với VietTimes, đại diện các đơn vị cung cấp dịch vụ FPT (cung cấp dịch vụ FPT Play), VNPT (cung cấp dịch vụ MyTV), Viettel (cung cấp dịch vụ TV360) đều cho biết họ đang trong quá trình đàm phán với VTV và từ chối cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc và các điều khoản cụ thể.
Về lý do đàm phán lại với các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình, lãnh đạo VTV chia sẻ hằng năm VTV phải chi hàng nghìn tỷ đồng để sản xuất nội dung nhưng số tiền bản quyền thu được từ các đối tác cung cấp dịch vụ truyền hình chỉ 60 tỷ đồng. Số tiền các nhà cung cấp dịch vụ chi trả cho VTV hiện nay chỉ chiếm 2% trong tổng số tiền các đơn vị này bỏ ra để mua bản quyền nội dung. Trong khi đó, ngoại trừ VTV1 (kênh truyền hình luôn được xem nhiều nhất và phục vụ miễn phí trong mọi trường hợp), các kênh của VTV chiếm tới 35% thời gian xem và lượng người xem trên các hệ thống truyền hình trả tiền.
“Chúng tôi thấy chưa hợp lý trong việc định giá lại giá trị, lợi thế của các bên. Có một số quan điểm đến hiện nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất, như mức phí bản quyền của một số kênh của Đài Truyền hình Việt Nam trên các hệ thống truyền hình trả tiền là bao nhiêu?”, lãnh đạo VTV nói và cho biết cần phải tính lại các mức phí với các đơn vị đối tác cung cấp dịch vụ truyền hình.
“Chúng tôi hy vọng sẽ sớm tiến tới thỏa thuận (với đối tác – PV) để không làm đảo lộn thói quen xem truyền hình Việt Nam của khán giả cho dù là trên nền tảng nào”, lãnh đạo VTV nói.
Lãnh đạo VTV chia sẻ thêm mối quan hệ tính phí bản quyền của Đài truyền hình Việt Nam là đối với các đối tác được cấp quyền, chứ không phải khán giả. VTV vẫn đảm bảo rằng khán giả luôn có nhiều phương thức khác để xem tất cả các kênh của Đài truyền hình Việt Nam miễn phí.
Toàn bộ gói kênh VTV vẫn đang được duy trì phát sóng trên nền tảng truyền hình số quốc gia như VTVgo, hệ thống DVB-T2 - là phương thức truyền dẫn phát sóng số mặt đất theo hình thức quảng bá, miễn phí với các tivi sản xuất từ năm 2020 tới đây đều xem được. Cùng với đó là các hệ thống truyền hình trả tiền đã đạt được thỏa thuận với VTV.
Nhắc tới nền tảng số VTV Go, đại điện VTV khẳng định đây là nền tảng quan trọng nhất của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm nay, VTVgo sẽ có mặt trên tất cả các tivi thông minh với nút bấm ngay trên điều khiển từ xa.
Theo VTV, từ cuối tháng 11/2024, VTV đã khởi động làm việc, trao đổi với các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền về một mô hình hợp tác mới. Đến nay đã có nhiều đơn vị thống nhất được với VTV về việc hợp tác tiếp phát sóng. Đối với các đơn vị vẫn chưa đạt được thỏa thuận, VTV không có cơ sở pháp lý cần thiết để duy trì cung cấp tín hiệu cho toàn bộ gói kênh VTV.
Khách hàng cần được tôn trọng
Chia sẻ với VietTimes, nhiều khách hàng sử dụng truyền hình như TV360, FPT Play, MyTV đều cho biết việc VTV2 và VTV3 biến mất trên các nền tảng ứng dụng truyền hình khiến thói quen, cuộc sống bị đảo lộn và đang tìm hiểu về các nền tảng khác để tiếp tục theo dõi chương trình.
“Gia đình tôi đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền của FPT Play kèm theo gói cước cung cấp mạng của FPT Telecom. Tuy nhiên, gần đây gia đình không thể tìm thấy các kênh VTV2 và VTV3 của VTV.
FPT Play cung cấp nhiều dịch vụ nhưng thực tế gia đình tôi chủ yếu sử dụng dịch vụ truyền hình. Trong đó, kênh VTV3 xem nhiều nhất, chiếm khoảng 60-70% thời lượng sử dụng dịch vụ truyền hình của FPT Play, thời lượng còn lại chồng tôi xem bóng đá, nhưng thời lượng hạn chế. Vì vậy, từ khi các kênh này biến mất trên FPT Play gia đình cũng không truy cập vào dịch vụ truyền hình trên FPT Play nữa”, chị Ngọc, khách hàng sử dụng FPT Play nói.
Theo chị Ngọc, dù các kênh của VTV biến mất trên FPT Play nhưng nhà cung cấp dịch vụ không thông báo gì tới khách hàng, chỉ khi khách hàng liên hệ tới tổng đài mới được giải thích đang làm việc với VTV để có thể cung cấp lại dịch vụ sớm nhất tới khách hàng.
Liên quan tới phản ánh của chị Ngọc và nhiều khách hàng không xem được các kênh VTV2, VTV3 trên các nền tảng của nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, nhiều độc giả thắc mắc, khách hàng làm gì để đảo bảo quyền lợi của mình.
Trao đổi với VietTimes, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi, khách hàng cần xem lại chi tiết hợp đồng của mình đã ký với đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Trường hợp, khách hàng nhận thấy đơn vị cung cấp dịch vụ không cung cấp đầy đủ các kênh nêu trong hợp đồng, hoặc như công bố thời điểm ký hợp đồng thì có thể yêu cầu dừng cung cấp dịch vụ nếu việc ngừng cung cấp này không thuộc trường hợp bất khả kháng.
“Trong trường hợp nhà cung cấp không thực hiện được yêu cầu đó, khách hàng có thể khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền, hoặc khởi kiện tại Tòa án để được hỗ trợ”, luật sư Tuấn Anh nói.
Theo quan điểm của luật sư Tuấn Anh, trong môi trường kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ phải biết tôn trọng người tiêu dùng.
“Với những hợp đồng với các nhà cung cấp duy nhất như điện, nước, nhà cung cấp còn phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng, huống chi dịch vụ này còn không phải là chỉ có duy nhất một nhà cung cấp. Các khách hàng sử dụng điện, nước đều được thông báo từ đơn vị cung cấp nếu mất nước, điện lâu ngày, hoặc dịch vụ bị gián đoạn.
Vậy nên, với các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, nếu không cung cấp đầy đủ dịch vụ tới khách hàng, hoặc dịch vụ bị cắt giảm thì cần thông báo rõ ràng tới khách hàng qua tin nhắn, email hoặc các ứng dụng của chính đơn vị cung cấp để khách hàng nắm bắt được, đó chính là văn hóa tôn trọng khách hàng”, luật sư Tuấn Anh nói.