Ngày 18.6, tiếp xúc với PV Thanh Niên trước khi nhổ neo ra khơi đánh bắt hải sản, ông Phạm Xuân Lệ (ngụ tại xã Thạch Bằng, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) nói rằng trong 30 năm đi biển, với ông, giây phút đưa thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, 1 trong 2 phi công gặp nạn trong vụ máy bay Su-30MK2 rơi trên biển, lên tàu cá của mình vào rạng sáng 15.6, là những giây phút vui mừng và hạnh phúc nhất.
Theo ông Lệ, rạng sáng hôm ấy, tàu cá của ông cùng 7 ngư dân đang neo trên biển thì nghe tiếng kêu: “Thuyền ơi” vọng lại. “Khi đó, trời còn mờ tối, gió thổi mạnh. Tui lấy đèn pin quét trên biển xem có phải có ai đó đang kêu cứu hay không nhưng không thấy chi cả vì sóng cao. Một lúc sau, anh em tôi phát hiện có đốm sáng nhỏ dập dềnh trên sóng và từ hướng đó vọng lại tiếng kêu cứu: “Cứu tôi với”. Tôi cho nhổ neo, chạy tàu đến gần đốm sáng”, ông Lệ kể.
Khi tàu đến gần, ông Lệ và các ngư dân phát hiện một người đàn ông đang ngồi trên phao cứu sinh. “Tôi đây các anh ơi! Cứu tôi”, người trên phao mừng rỡ gọi. “Được đưa lên tàu, anh ấy ôm chặt mọi người, nói lời cảm ơn chúng tôi. Anh ấy nói: “Em là Cường, phi công của máy bay bị rơi”. Chúng tôi ôm lấy Cường. Tất cả đều bật khóc vì xúc động và quá vui mừng”, ông Lệ nói. Theo ông Lệ, tin vui này ngay sau đó được anh Cường gọi về báo tin cho vợ con và đơn vị, ông cũng gọi điện về nhà báo tin mừng cho vợ.
Năm nay 48 tuổi, đã có 30 năm bám biển mưu sinh, với ông Lệ đây là lần đầu tiên ông cứu được người gặp nạn giữa trùng khơi. “Ai cũng rứa thôi, thấy người gặp nạn thì phải cứu. Cứu người cũng như cứu chính mình. Đó là trách nhiệm của con người mà”, ông Lệ nói. Theo Thanh niên