Phi công bay biển được Mỹ "rèn" thế nào

VietTimes -- Không quân Hải quân Mỹ là lực lượng không quân trên biển mạnh nhất thế giới. Do điều kiện môi trường tác chiến phức tạp, không gian chiến trường, khu vực và đối tượng tác chiến thay đổi liên tục, KQHQ Mỹ đã đào tạo được lực lượng phi công bay biển xuất sắc nhất toàn cầu.
Máy bay F-35 trên hướng tàu sân bay Mỹ

Huấn luyện đào tạo lực lượng phi công Không quân Hải quân (KQHQ) Mỹ được tiến hành theo các tiêu chuẩn đặc trưng của lực lượng KQHQ về huấn luyện bay và tiến hành các chuyến bay chiến đấu, được nêu rõ trong các tài liệu hướng dẫn huấn luyện đào tạo và thực hành bay NATOPS (Naval Air Training and Operating Procedures Standardization).

Các bộ tài liệu hướng dẫn này bao gồm "Quy trình tiêu chuẩn chuẩn bị cho chuyến bay của Không quân Hải quân» (Naval Aviation Production Process Standard Operating Procedures) và  “Chuyến bay và hướng dẫn chung cho các hoạt động bay”  (General Flight and Operating Instructions ). Quy trình huấn luyện đào tạo sử dụng các loại hình cụ thể vũ khí và trang thiết bị quân sự (AME)…, được đưa vào và chuẩn hóa trong bộ tài liệu hướng dẫn của Hệ thống kế hoạch huấn luyện đào tạo trong Hải quân NTSP (Navy Training System Plan).

Huấn luyện đào tạo phi công lực lượng KQHQ được Bộ tư lệnh huấn luyện đào tạo KQHQ thực hiện, trong cơ cấu tổ chức dưới quyền có 5 không đoàn huấn luyện đào tạo. Chu trình của một khóa đào tạo KQHQ được chia thành 4 giai đoạn: Đào tạo tuyển dụng , Huấn luyện bay cơ bản (Huấn luyện sơ cấp – Lớp huấn luyện “A”), Huấn luyện bay căn bản (Chương trình nâng cao – Lớp huấn luyện “B”); Huấn luyện phi công chiến đấu – Lớp huấn luyện “C” và  thực tập làm quen với máy bay phản lực /máy bay trực thăng tại đơn vị chiến đấu.

Quá trình hoàn thiện kỹ năng bay của phi công được thực hiện tại các đơn vị chiến đấu, với chương trình hoạt động rất căng thẳng, bắt buộc phải tham gia các cuộc diễn tập. Trong 6 tháng đầu tiên tại đơn vị chiến đấu, các phi công mới phải bay tối thiểu là 120 giờ với máy bay chiến đấu và 60 giờ - trên thiết bị mô phỏng, trải qua các kỳ thi viết về vũ khí, trang thiết bị, chiến thuật và các chuyên ngành khác.

Các phi công Mỹ đều là những quân nhân có trình độ cao, hơn 60% các phi công Không quân Mỹ (các sĩ quan trong lực lượng vũ trang khác là 25%) đã tốt nghiệp các trường đại học có uy tín và các tổ chức giáo dục đại học khác có học phí rất cao. Khoảng 10% phi công tốt nghiệp Học viện Không quân) và khoảng 30% là cựu hạ sĩ quan, nhân viên Bộ Quốc phòng, sĩ quan - phi công quay trở lại phục vụ.

Khóa học tuyển dụng bao gồm nội dung: các học viên được nghiên cứu hoạt động của phi công trong buồng lái các phương tiện bay khi thực hiện các thành tố khác nhau của chuyến bay.

Các học viên được nghe giảng về tổ chức lên kế hoạch, trình tự thiết lập nhiệm vụ bay khác nhau, hướng dẫn và những chỉ dẫn tiến hành một chuyến bay, những biện pháp đảm bảo an toàn bay, các trang thiết bị thông tin liên lạc của sân bay chính và sân bay dự bị, những hành động cần thiết trong các tình huống khẩn cấp trong chuyến bay, hệ thống cứu hộ và cách sử dụng hệ thống.

Máy bay huấn luyện phi công KQHQ T-1
Máy bay huấn luyện phi công hải quân T-34
Máy bay huấn luyện phi công hải quân T-6

Giai đoạn huấn luyện bay sơ cấp, học viên được huấn luyện thực hiện các chuyến bay trên các máy bay phản lực cánh quạt Т-34, Т-1, trong tương lai sẽ là Т-6 (JPATS). Trong giai đoạn này học viên thực hành các kỹ năng cất cánh, hạ cánh, các thành phần của kỹ năng bay vòng tròn, bay nhào lộn đơn giản, bay đội hình theo một đường bay.

Học viên phải thực hiện đủ 60 chuyến bay, trong đó có 10 chuyến bay độc lập. Ngoài ra, theo chương trình các học viên phải thực hành các chuyến bay trên các thiết bị mô phỏng,  phần lớn các bài tập trên thiết bị mô phỏng nhằm rèn luyện kỹ năng bay theo các các chỉ số thiết bị, hành động của phi công trong những tình huống khẩn cấp của chuyến bay.

Máy bay huấn luyện phi công hải quân T-45
Trực thăng huấn luyện phi công hải quân TH-57

Giai đoạn huấn luyện bay căn bản: học viên thực hiện các chuyến bay trên các máy bay huấn luyện Т-45 và Т-2 (siêu âm) hoặc trên các máy bay trực thăng huấn luyện ТН-57. Trong giai đoạn này, học viên tiếp tục củng cố và rèn luyện thuần thục những kỹ năng bay cơ bản của giai đoạn huấn luyện bay cơ sở, thực hiện đến 100 chuyến bay, trong số đó có từ 25-30 bay độc lập). Trong giai đoạn này, các học viên – phi công tương lai phải liên tục thực hiện các chuyến bay trên các thiết bị mô phỏng.

Song song với chương trình huấn luyện đào tạo phi công, học viên nghiên cứu lý thuyết hai chuyên ngành:

Khóa đào tạo lý thuyết: trong khóa này, học viên nghiên cứu các hệ thống trên máy bay, động cơ máy bay, khí động học, điều khiển máy bay , khí tượng học, y học và tâm lý học hàng không, tổ chức và lên kế hoạch huấn luyện bay, các biện pháp an toàn trên mặt đất và trong không trung.  Những đặc điểm của các chuyến bay đêm và bay trong điều kiện khó khăn phức tạp do thời tiết, hành động trong những trường hợp đặc biệt của chuyến bay.

Khóa đào tạo sĩ quan chỉ huy không quân: học viên lên lớp nghe giảng về công tác chính trị quân sự như vị thế và vai trò của Mỹ trên thế giới. vị trí, vai trò và sứ mệnh của các lực lượng vũ trang Mỹ, trong đó có lực lượng Hải quân. Quyền và nghĩa vụ của sĩ quan không quân, trình tự phát triển trong quá trình phục vụ KQHQ. Những lý luận căn bản của mối quan hệ chỉ huy – phục tùng…

Học viên được thực tập tại các đơn vị chiến đấu trên các máy bay huấn luyện chiến đấu và các phương tiện bay chiến đấu khác.

Kết thúc khóa học, sau khi trả thi các học viên nhận được danh hiệu phi công quân sự và được đưa về đơn vị chiến đấu, bắt đầu quá trình phục vụ trong lực lượng.

Vào giữa những năm 1990, trong lực lượng KQHQ xuất hiện tình trạng thiếu hụt phi công (số lượng phi công tốt nghiệp suy giảm từ 20 đến 30%), so với số lượng cần cho biên chế. Năm 1998 , KQHQ tối ưu hóa và tăng cường các chương trình đào tạo, sử dụng rộng rãi các thiết bị mô phỏng. Nhờ đó, thời gian đào tạo các phi công hải quân trên máy bay chiến đấu giảm từ 4 đến 2,5 năm, các phi công của máy bay trực thăng giảm từ 3 đến còn 2 năm.

Hàng năm Bộ tư lệnh huấn luyện đào tạo lực lượng không quân của Hải quân Mỹ xét tốt nghiệp hơn 1000 phi công, đáp ứng đầy đủ nhu cầu lực lượng của KQHQ Mỹ.

Quá trình hoàn thiện các kỹ năng bay của phi công được thực hiện trong các hoạt động huấn luyện thường xuyên và diễn tập ở các đơn vị chiến đấu. Trung bình, mỗi kíp lái KQHQ trong một tháng thực hiện 22,6 giờ bay (các đơn vị không quân chiến thuật của lực lượng không quân Mỹ thực hiện khoảng 17,1 giờ bay). Một trong những đặc trưng quan trọng của các hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của KQHQ trên các tàu sân bay là hệ thống các thiết bị mô phỏng bay hiện đại ứng dụng công nghệ 3D thời gian thực trên máy tính điện tử.

Theo đánh giá của Bộ tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ, việc sử dụng sâu rộng các thiết bị mô phỏng ứng dụng công nghệ 3D thời gian thực trên hệ thống máy tính điện tử cho phép giảm đáng kể chi phí huấn luyện đào tạo, rút ngắn thời gian rèn luyện thuần thục các kỹ năng bay trong quá trình đào tạo phi công cũng như trong các hoạt động huấn luyện thường xuyên, diễn tập, nâng cao đáng kể chất lượng các chuyến bay tại các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu.

TTB