Phát triển xe chiến đấu không người lái: Cuộc đua mới của quân đội các nước (Phần 1)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, củng cố quốc phòng đang là hướng đi chiến lược quan trọng của nhiều nước trong cuộc cạnh tranh nâng cao sức mạnh, hiệu quả chiến đấu của quân đội.

Quân đội các nước đang chạy đua phát triển các phương tiện chiến đấu tự hành (Ảnh: Getty)
Quân đội các nước đang chạy đua phát triển các phương tiện chiến đấu tự hành (Ảnh: Getty)

Với những thành tựu về trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và các công nghệ khác, trong lĩnh vực quân sự ngày càng xuất hiện nhiều loại xe không người lái quân sự được dùng để phát hiện sinh hóa, vận chuyển hàng nguy hiểm, hướng dẫn hỏa lực, chuyển tiếp liên lạc, trực tiếp tác chiến, bảo đảm hậu cần và các nhiệm vụ quân sự khác.

Hiện nay, quân đội nhiều nước đã triển khai với số lượng lớn các phương tiện không người lái trên mặt đất và tiến hành tập trận, ứng dụng trong thực tế chiến đấu.

Trung Quốc phát triển hàng loạt xe chiến đấu không người lái

Tập đoàn Hải Thần (Higuard-group) của Trung Quốc tập trung sản xuất loại xe thông minh theo mẫu "an toàn + xe không người lái". Công ty đã cho ra mắt nhiều loại sản phẩm xe không người lái quân sự, được sử dụng trong các lĩnh vực trinh sát quân sự, tấn công, vận chuyển vật liệu, vật tư, đo đạc...

xe-boc-thep-khong-nguoi-lai-higuard-823.jpg
Xe chiến đấu không người lái Higuard của Trung Quốc (Ảnh: wrdrive).

Xe mục tiêu không người lái Hamba HB có ba chế độ vận hành có người lái, tự động và điều khiển từ xa có thể được chuyển đổi với thời gian dưới 5 giây. Nó có chức năng điều khiển xe theo thời gian thực từ xa và chức năng hiển thị trạng thái nhóm xe, có thể truyền hình ảnh tình trạng đường đi và thông tin trạng thái hoạt động của xe trong thời gian thực; có thể lưu trữ và phát lại dữ liệu lái xe cũng như thông tin vị trí.

Xe bọc thép không người lái huấn luyện đặc biệt Higuard có bố cục kiểu truyền thống, khung gầm gồm 4 bánh xe mỗi bên, tháp pháo vuông vức, hình dạng tháp theo phong cách trang bị của Mỹ, có thể nâng hạ nòng, xoay tháp, hệ thống bắn, được trang bị hình ảnh lùi, có thể chở 20 người để trải nghiệm.

Xe vận tải không người lái chiến thuật Suanfeng có thể vận chuyển các nhu yếu phẩm sinh tồn, trang bị nhiệm vụ, đạn dược, vật tư y tế, thiết bị thông tin định vị...giảm gánh nặng cho binh sĩ và nâng cao hiệu quả chiến đấu của quân đội. Xe có thể tự động bám theo và kéo theo cá nhân, đồng thời giám sát động thái của mục tiêu theo thời gian thực, tự động điều chỉnh tốc độ xe và khoảng cách, đồng thời luôn đảm bảo vị trí an toàn. Xe có thể được điều khiển tại chỗ thông qua tay cầm điều khiển hoặc từ xa thông qua mạng không dây được mã hóa an toàn mô-đun điều khiển.

xe-tuan-tra-bien-gioi-suanfeng-7529.gif
Xe tuần tra biên giới Suanfeng của Trung Quốc chạy thử nghiệm (Ảnh: wrdrive)

Xe tuần tra biên giới không người lái Suanfeng được trang bị hệ thống cảm biến, định vị và dẫn đường phù hợp với môi trường dã ngoại, được trang bị các mô-đun nhận dạng mục tiêu chiến trường, điều khiển bằng âm thanh và ánh sáng; thực hiện nhiệm vụ trinh sát tự động và phát hiện người, phương tiện, công sự, boong-ke bằng AI.

Nền tảng chiến đấu không người lái Hunter WOLF của Mỹ

Đây là loại xe chiến đấu không người lái mặt đất bánh lốp 6×6, đặc điểm lớn nhất là được trang bị pháo liên thanh 25 mm tương đương với xe chiến đấu bộ binh và sử dụng lốp khí nén kiểu mới, có thể vượt qua nhiều loại chướng ngại vật, môi trường phức tạp…kể cả khi lốp bị bắn trúng cũng không ảnh hưởng đến chuyển động bình thường của xe. Vũ khí cũng tương đối mô-đun hóa, ngoài khả năng mang theo pháo 25 mm, nó còn có thể được trang bị súng máy 12,7 mm hoặc súng máy 7,62 mm, công dụng chính là thực hiện tác chiến điều khiển từ xa hoặc bán tự động.

xe-chien-dau-hunter-wolf-cua-my-9114.jpg
Xe chiến đấu không người lái Hunter WOLF của Mỹ (Ảnh: wrdrive)

Một loại khác là xe Robot chiến đấu TRX do General Dynamics Land Systems phát triển và là xe chiến đấu không người lái bánh xích nặng 10 tấn. Phía bên trái và bên phải của mặt trước có một bộ bệ phóng đạn tuần kích "Switchblade" gồm 12 ống, một máy bay không người lái bốn trục đặt ở giữa xe. Hai bệ phóng đạn tuần kích tương tự với nhiều ống phóng được lắp đặt ở phía sau xe, mỗi khoang chứa đầy 13 đạn tuần kích cỡ lớn. Toàn bộ xe có thể mang tới 50 quả đạn tuần kích trinh sát và tấn công.

Hàn Quốc: Xe chiến đấu không người lái Arion-SMET

Xe chiến đấu Arion-SMET của Hàn Quốc sử dụng khung gầm 6 × 6, có trọng lượng tịnh 2 tấn, chạy bằng động cơ điện, tốc độ tối đa 43 km/h, quãng đường tối đa 100 km khi ắc quy được sạc đầy và tải trọng tối đa là 550 kg.

xe-chien-dau-arion-smet-cua-han-379.jpg
Xe chiến đấu Arion-SMET của Hàn Quốc (Ảnh: wrdrive).

Công ty Quốc phòng Hanwha cho biết xe chiến đấu không người lái Arion-SMET có thể được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động chiến đấu khác nhau của các đơn vị bộ binh. Loại phương tiện này có thể vận chuyển đạn dược, vũ khí và thiết bị, sơ tán người bị thương và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát theo cách được điều khiển từ xa hoặc tự động. Ngoài ra, xe chiến đấu không người lái Arion-SMET có thể tự động phát hiện và theo dõi quân địch, xác định vị trí hỏa lực của đối phương và thực hiện tấn công.

Xe tăng Black Knight của Anh

Xe tăng không người lái Black Knight kiểu mới do Công ty BEA Systems của Anh chế tạo đã được bắt đầu nghiên cứu từ đầu năm 2005. Nó chủ yếu được sử dụng để trinh sát tình hình địch, thu thập thông tin tình báo, chi viện hỏa lực bộ binh và theo dõi mục tiêu.

vi-tri-cac-cam-bien-tren-black-knight-tank-9530.jpg
Vị trí các cảm biến trên xe tăng không người lái Black Knight của Anh (Ảnh: wrdrive).

Xe Black Knight có đặc điểm thiết kế tương tự xe chiến đấu bộ binh M2 "Bradley" của Mỹ, nặng 9,5 tấn, có tốc độ tối đa 66 km/h. Hệ thống vũ khí được trang bị tháp pháo tương tự xe tăng chiến đấu chủ lực, được tích hợp pháo liên thanh Bushmaster 30mm và súng máy đồng trục 7,62mm. Trong thực chiến, xe có khả năng cơ động tốt, có thể hộ tống xe tăng chiến đấu chủ lực trong chiến đấu.

Xe không người lái quân sự Titan UGC là sản phẩm của QinetiQ, một công ty công nghệ quốc phòng đa quốc gia của Anh có trụ sở tại Farnborough, Hampshire. Mẫu Titan UGV do chi nhánh QinetiQ Bắc Mỹ và Công ty MILREM hợp tác phát triển và sản xuất, được dẫn động bằng bánh xích, sử dụng động cơ lai xăng-điện, có khả năng di chuyển quãng đường dài trên mọi địa hình và có thể di chuyển im lặng. Mẫu Titan URG là một nền tảng mô-đun hóa cao, có thể nhanh chóng lắp đặt hoặc tháo rời nhiều thiết bị chiến đấu khác nhau để đáp ứng môi trường chiến trường phức tạp và thay đổi. Nó có thể được sử dụng để thực hiện cứu hộ, vận chuyển, chiến đấu, trinh sát và các nhiệm vụ khác.

xe-mission-master-sp-cua-duc-7831.png
Xe chiến đấu Mission Master SP của Đức (Ảnh: wrdrive)

Rheinmetall của Đức phát triển xe Mission Master SP

Công ty Rheinmetall GmbH là nhà sản xuất vũ khí, xe chiến đấu và các sản phẩm quốc phòng; tháng 2/2017 đã cho ra mắt xe chiến đấu không người lái mọi địa hình (UGV) Mission Master-SP. Xe có tổng chiều dài 2,95 m, phù hợp sử dụng trong các môi trường khác nhau như đồi núi, sa mạc, băng tuyết, đầm lầy...và có thể tác chiến lội nước. Nền tảng này nặng khoảng 750 kg và có thể mang tải trọng 600 kg. Tải trọng môi trường lội nước là 300 kg, tốc độ tối đa có thể đạt 40 km/h và tốc độ lội nước có thể đạt 5 km/h. Mission Master-SP hiện đã phát triển phiên bản vận tải và phiên bản cứu hộ, trinh sát để thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau.

Xe Mission Master-XT do Rheinmetall chi nhánh Canada phát triển năm 2021 sử dụng năng lượng hybrid và có thể di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau như băng, tuyết, cát, đá và đồi núi, đồng thời có thể thực hiện các hoạt động lội nước dưới tải trọng tối đa, cho phép nó duy trì mức độ cơ động cao ở những địa hình khắc nghiệt. Mission Master-XT nặng 2.217 kg và có trọng tải 1.000 kg ở cả điều kiện trên bộ và lội nước, cho phép quân đội vận chuyển các thiết bị đặc biệt đến những địa điểm khó tiếp cận, làm tăng đáng kể tính thực dụng của phương tiện không người lái này.

xe-chien-dau-ultro-600-cua-phap-749.png
Xe chiến đấu không người lái ULTRO-600 của Pháp (Ảnh: wrdrive).

Pháp: Xe không người lái mặt đất ULTRO-600, OPTIO-X20 của Nexter

Xe ULTRO-600 do công ty công nghệ quốc phòng Nexter của Pháp chế tạo là một phương tiện mặt đất không người lái (UGV) để vận chuyển hàng hóa. Nó dựa trên khung gầm bánh 4x4 và sử dụng bộ pin lithium-ion "Bren 6T" cho động cơ điện. ULTRO-600 có kích thước nhỏ và có thể được triển khai trong điều kiện khắc nghiệt của chiến trường hiện đại, với chiều dài 1,97 mét, rộng 1,3 mét và cao 1,18 mét. Robot chiến thuật điện đa năng này có thể mang tải trọng lên tới 600kg hoặc chứa các hệ thống súng máy cỡ 5,56 và12,7mm.

Vào tháng 7/2023, Nexter đã công khai xe không người lái vũ trang mặt đất OPTIO-X20 thông qua tài khoản Twitter, thân xe có kích thước dài 240 cm x rộng 215 cm x cao 111 cm, có vẻ ngoài chắc chắn và linh hoạt. Trong cấu hình chiến đấu, nó nặng 1.700 kg và có thể mang trọng tải tối đa 750 kg. Xe không người lái được trang bị tháp pháo Arx20, được trang bị súng máy đồng trục MAG 58 7,62 mm ổn định bằng con quay hồi chuyển, mang lại sự linh hoạt và độ chính xác cao khi tấn công mục tiêu.

(Còn tiếp)

Theo Wrdrive