Phát hiện mới: quê hương chính xác của tổ tiên loài người là vùng Bắc Botswana, châu Phi?

VietTimes -- Theo công bố mới đây của các nhà nghiên cứu, một vùng đất ngập nước cổ đại rộng lớn băng qua phía bắc Botswana - từng có sự sống nhưng hiện giờ chỉ còn là sa mạc và bãi muối - có thể là quê hương của tổ tiên của 7,7 tỷ người trên Trái đất ngày nay.
Nhà nghiên cứu Vanessa Hayes trò chuyện với tộc trưởng (Ảnh: Reuters)
Nhà nghiên cứu Vanessa Hayes trò chuyện với tộc trưởng (Ảnh: Reuters)

Nghiên cứu đã dựa trên dữ liệu DNA hệ mẫu từ hơn 1.200 người bản địa ở miền nam châu Phi và đưa ra một vai trò trung tâm cho khu vực này trong lịch sử sơ khai của loài người bắt đầu từ 200.000 năm trước, nuôi dưỡng loài người trong 70.000 năm trước khi biến đổi khí hậu mở đường cho những cuộc di cư đầu tiên.

Các nhà nghiên cứu cho biết, một hồ nước lớn nhất châu Phi lúc bấy giờ - gấp đôi diện tích của hồ Victoria ngày nay - đã tạo ra các vùng đất ngập nước cổ đại bao phủ lưu vực sông Zambezi từ phía bắc Botswana vào đến Namibia ở phía tây và Zimbabwe ở phía đông.

Từ lâu, người ta đã xác định rằng loài người Homo sapiens có nguồn gốc từ một nơi nào đó ở Châu Phi trước khi phân bổ ra toàn thế giới.

Nhà nghiên cứu di truyền học Vanessa Hayes thuộc Viện nghiên cứu y khoa Garvan và Đại học Sydney, người đứng đầu nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature nói thêm: "Nhưng chúng ta lại không biết chính xác quê hương của Homo sapiens ở đâu cho đến khi có kết quả của nghiên cứu này".

Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Axel Timmermann, một nhà vật lý khí hậu tại Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) cho biết, không có mâu thuẫn giữa sự hiện diện của hộp sọ giống Homo sapiens từ xa xưa ở phía bắc châu Phi, có thể là từ một dòng dõi đã tuyệt chủng, với dòng dõi Homo sapiens được cho là có nguồn gốc từ Nam Phi vẫn còn sống.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hồ cổ Makgadikgadi đã bắt đầu phân tách khoảng 200.000 năm trước, tạo ra một vùng đất ngập nước rộng lớn có người sinh sống săn bắn, hái lượm.

Theo Timmermann, có thể xem nó như một phần mở rộng đồ sộ của khu vực đất ngập nước Okavango Delta ngày nay.

Ông cũng cho rằng, những thay đổi về trục và quỹ đạo của Trái đất đã gây ra biến đổi khí hậu, lượng mưa và thảm thực vật tạo tiền đề cho việc di cư sớm của nhóm người tổ tiên này ra khỏi vùng quê hương, đầu tiên là về phía đông bắc 130.000 năm trước, sau đó về phía tây nam 110.000 năm trước.

"Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng định lượng đầu tiên cho thấy sự thay đổi khí hậu do yếu tố thiên văn trong quá khứ đã dẫn đến các sự kiện di cư lớn của con người, sau đó dẫn đến sự phát triển của đa dạng di truyền và cuối cùng là bản sắc văn hóa, dân tộc và ngôn ngữ", ông Timmermann khẳng định.

Theo Reuters