|
Ngày 20/3/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiến hành hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande ở Paris, Pháp. Ảnh: Tân Hoa xã |
Báo chí Trung Quốc mấy ngày gần đây cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa tiến hành chuyến thăm châu Âu, trong đó có Pháp. Ngày 20/3, ông Shinzo Abe đã tiến hành hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Điều đáng chú ý là, hai bên đã đề cập đến vấn đề trên biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Pháp ủng hộ trật tự biển tự do và mở
Sau cuộc hội đàm, ông Shinzo Abe cho biết Nhật Bản và Pháp đều ủng hộ trật tự biển tự do và mở ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên cho rằng khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương duy trì trật tự hàng hải tự do và cởi mở rất quan trọng, phải tiếp tục bảo vệ sự ổn định và thịnh vượng của khu vực này.
Trên thực tế, Thủ tướng Nhật Bản đưa ra phát biểu này là nhằm gián tiếp phê phán chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Bởi vì, Trung Quốc đưa ra yêu sách vô lý và phi pháp về chủ quyền và quyền lợi biển ở Biển Đông, tăng cường tiến hành quân sự hóa Biển Đông, gây lo ngại lâu dài cho Nhật Bản và Pháp.
Mặc dù vậy, trong cuộc hội đàm lần này, Pháp không tỏ thái độ về vấn đề Biển Đông. Trước đó, trong hội nghị 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước ở Paris, Pháp vào ngày 6/1/2017, đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, hai bên đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương làm trầm trọng hơn căng thẳng, yêu cầu giữ kiềm chế.
Hiện diện ở Biển Đông và tham gia tập trận chung
Ngoài đồng thuận trên, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Pháp đã đạt được thống nhất về việc sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung với Mỹ, Anh ở Tây Thái Bình Dương vào cuối tháng 4/2017. Khi đó, Hải quân Pháp sẽ điều hạm đội huấn luyện Jeanne d'Arc đến thăm Nhật Bản và tham gia cuộc tập trận chung này.
Theo kế hoạch, hành trình của Hạm đội Pháp là chạy xuyên qua Ấn Độ Dương, hiện diện trên Biển Đông (nhưng chỉ đi qua). Địa điểm tập trận chung là vùng biển đảo Tinian ở Tây Thái Bình Dương.
Trong cuộc tập trận lần này, hạm đội Hải quân Pháp sẽ tham gia khoa mục đổ bộ, tiến hành hợp tác chặt chẽ với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Mặc dù ở Thái Bình Dương, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Pháp luôn tiến hành huấn luyện thông tin, nhưng đây là lần đầu tiên hai bên tiến hành huấn luyện với các tình huống xung đột cụ thể.
Pháp có các căn cứ quân sự ở New Caledonia, Polynesia – những khu vực “Pháp thuộc” ở Nam Thái Bình Dương, có thái độ tích cực trong hợp tác quân sự với Nhật Bản.
Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, Pháp tiếp tục ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò gìn giữ hòa bình. Hai nước sẽ cùng nỗ lực tăng cường hợp tác quân đội. Ông nói: “Phải làm cho việc triển khai chung của lực lượng hai nước dễ dàng hơn”.
Còn Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Nhật Bản và Pháp sẽ triển khai hợp tác chặt chẽ”. Hoạt động chung 4 nước lần đầu tiên này “có ý nghĩa rất sâu xa”.
Đây không phải là lần đầu tiên Pháp tham gia tập trận chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và hải quân hai nước Mỹ, Pháp từng tổ chức huấn luyện liên hợp ở vùng biển phía tây Kyushu, Nhật Bản vào tháng 5/2015.
Vì sao Pháp chưa nhận lời tham gia tập trận chung cùng Nhật ở Biển Đông?
Tờ Nhật báo Phương Đông Hồng Kông ngày 24/3 cho rằng trong chuyến thăm Pháp vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mời Hải quân Pháp đến khu vực Biển Đông tiến hành tập trận chung, cùng gây sức ép với Trung Quốc. Nhưng, Tổng thống Pháp đã khéo léo từ chối và Thủ tướng Nhật Bản đã “tay không ra về”.
Vấn đề Biển Đông đã trở thành một vấn đề chính trong các chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe những năm gần đây. Khi đi đến đâu, ông Shinzo Abe cũng đề cập đến tự do đi lại.
Mỗi lần thăm các đồng minh phương Tây, ông Shinzo Abe đều thúc giục các nước này điều quân đến Biển Đông tiến hành tuần tra và tập trận chung, hỗ trợ cho chiến lược can dự Biển Đông của Nhật Bản, thị uy với Trung Quốc.
Nhật Bản làm như vậy chủ yếu là để kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku và đối đầu thường xuyên xảy ra giữa máy bay quân sự và tàu chiến hai nước đã tạo ra sức ép to lớn cho Nhật Bản.
Để Trung Quốc phải phân tán sức mạnh, ông Shinzo Abe đã tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông, bao gồm hỗ trợ chính quyền Benigno Aquino của Philippines (trước đây) kiện Trung Quốc, cung cấp tàu tuần tra cho các nước xung quanh Biển Đông, mời các nước như Ấn Độ, Australia tiến hành tuần tra và tập trận chung ở Biển Đông.
Mặc dù Pháp đồng ý điều tàu Jeanne d'Arc đi qua Biển Đông, rồi tiến hành tập trận chung với hạm đội Nhật Bản, nhưng tàu Jeanne d'Arc chỉ là tàu sân bay trực thăng hạng nhẹ, không thể so sánh với tàu sân bay hạng nặng Charles de Gaulle R91 của Pháp.
Về sức mạnh quân sự, nước Pháp hiện nay không còn là Pháp của hơn 150 năm trước. Pháp đang đối mặt với nhiều khó khăn trong nước như kinh tế ngày càng sa sút, khủng hoảng người tị nạn, khủng hoảng phúc lợi, nguy cơ khủng bố, phong trào dân túy. Do đó, Pháp không thể “thò bàn tay” đến Biển Đông xa xôi.
Trong khi đó, hiện nay, Pháp lại rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Thị trường nhập khẩu và khả năng đầu tư nước ngoài to lớn của Trung Quốc đã trở thành hy vọng lớn để Pháp chấn hưng kinh tế.
Gần đây, Nhật Bản vẫn rất tích cực nhấn mạnh đến vấn đề Biển Đông trong các hoạt động ngoại giao. Khi đi thăm một số nước trong khu vực vào tháng 1/2017, Thủ tướng Shinzo Abe đều tập trung vào hợp tác với các nước trong khu vực bảo đảm an ninh trên Biển Đông.
Không chỉ có vậy, từ tháng 5 đến tháng 8/2017, Nhật Bản có kế hoạch điều động tàu sân bay trực thăng Izumo đến tuần tra Biển Đông, sau đó sẽ tham gia cuộc tập trận chung Malabar với Mỹ và Ấn Độ. Hành động triển khai này bị Trung Quốc cảnh giác rất cao.