Khi nào thì huyền thoại mà chuyên gia quân sự Mỹ tạo dựng ra về tính "bách chiến bách thắng" của "pháo đài bay" đã bị đánh bại? Điều đó đã xảy ra vào ngày 4/2/1967, gần 6 tháng sau khi các tổ hợp tên lửa phòng không đầu tiên của Liên Xô triển khai ở Việt Nam.
Để tên lửa đạt hiệu quả cao nhất khi bắn vào kẻ thù, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã sử dụng chiến thuật phục kích. Sau khi dự đoán tuyến đường mà máy bay Mỹ có thể bay qua, nhờ các thông tin nhận được từ các điệp viên Liên Xô cải trang thành ngư dân để theo dõi máy bay Mỹ cất cánh từ đảo Guam, các chuyên gia tên lửa đã triển khai tên lửa di động ở những nơi mà phi công Mỹ ít ngờ nhất. Và sau khi bắn xong, ngay lập tức họ chuyển tên lửa đến vị trí khác. Và phải làm được điều này một cách nhanh chóng nhất, để các máy bay khác đã ghi nhận được tọa độ phóng tên lửa không có thời gian kịp tấn công trở lại.
Chiến thuật phục kích ngay lập tức mang lại kết quả tốt tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Vào đầu tháng 2/1967, ban chỉ huy Quân đội nhân dân Việt quyết định đưa một trong những tiểu đoàn tên lửa phòng không vào khu vực vĩ tuyến 17, nơi mà tại thời điểm đó máy bay Mỹ đang hoàn toàn làm chủ tình thế, vì không chờ đợi sự kháng cự từ mặt đất.
Theo hồi ký của đại tá Dmitry Voitko, khi đó là kỹ thuật viên cao cấp về tên lửa, bất chấp tuyên bố ngừng bắn trong dịp Tết, pháo hạng nặng của Mỹ từ miền Nam tiếp tục bắn phá vào lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các loạt pháo liên tục bay trên đầu các chiến sỹ tên lửa Liên Xô và Việt Nam. Phi công Mỹ lái máy bay lượn vòng chỉ cách nơi triển khai tên lửa chưa đầy 10 km.
Chẳng bao lâu sau kẻ thù đã phải trả giá. Lần đầu tiên "pháo đài bay B-52" của Mỹ xuất hiện phía Bắc vĩ tuyến 17 đã bị trúng tên lửa. Ba tên lửa đã được bắn vào nhóm ba chiếc "pháo đài bay" B52. Một chiếc bị rơi ở xuống vùng núi của Lào, chiếc thứ hai rơi xuống biển. Chiếc thứ ba thoát về căn cứ.
Sau đó, báo chí Mỹ cho rằng quân đội nhân dân Việt Nam sở hữu tên lửa hạng nặng có khả năng bắn từ khu vực Hà Nội đến vĩ tuyến 17. Người Mỹ không muốn chấp nhận sự thật rằng các hệ thống tên lửa phòng không di động Dvina của Liên Xô lại có thể bắn rơi máy bay của họ ở bất kỳ khu vực nào của Việt Nam.
Theo Sputnik