Phần cuối: Ba đột phá thể chế để Việt Nam bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tiến sĩ Jonathan Pincus, chuyên gia tư vấn kinh tế của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phân tích ba đột phá thể chế mà Việt Nam có thể triển khai.
Tiến sĩ Jonathan Pincus là một nhà kinh tế học phát triển nổi tiếng chuyên về khu vực Đông Nam Á.
Tiến sĩ Jonathan Pincus là một nhà kinh tế học phát triển nổi tiếng chuyên về khu vực Đông Nam Á.

Phần 1: "Nếu phải chọn, tôi sẽ đặt cược vào Việt Nam"

Phần 2: Rào cản "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" ở Việt Nam

Ba đột phá này trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và an sinh xã hội để Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững hơn.

Việt Nam không hề thiếu chất xám!

- PV: Chúng ta đã cùng xem xét đột phá thể chế đầu tiên mà Việt Nam có thể làm ngay là tái cơ cấu toàn diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhằm cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp và dự án trọng điểm cả công lẫn tư. Vậy đột phá thể chế thứ hai mà ông lựa chọn là gì?

TS. Jonathan Pincus: Đột phá thể chế thứ hai mà Việt Nam có thể thực hiện là công nghệ. Việt Nam chưa thực sự có một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia có đủ khả năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa có thể nâng cấp công nghệ của họ.

Việt Nam có rất nhiều viện nghiên cứu và trường đại học, nhưng rất ít trong số đó sở hữu công nghệ tiên tiến. Đó là một vấn đề lớn.

Do đó, theo tôi, toàn bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cần phải được tư duy lại.

Khu vực tư nhân có vai trò gì trong hệ thống này? Các công ty trong nước có thể hưởng lợi như thế nào từ đó? Những người làm đổi mới sáng tạo được trả lương ra sao? Đâu là cơ chế khuyến khích phù hợp để tạo ra một hệ thống mới hướng nhiều hơn tới các thành công về mặt thương mại?

Bạn sẽ không muốn chính phủ trả tiền cho quá nhiều nhà nghiên cứu chỉ để nghiên cứu những vấn đề mang tính lý thuyết bởi vì đó nên là nhiệm vụ của các trường đại học.

Các viện nghiên cứu, chẳng hạn như Viện Nghiên cứu Quốc gia nên nghiên cứu những vấn đề, những phát minh có thể thương mại hoá. Nói cách khác, họ cần làm ra những công nghệ có thể giúp các doanh nghiệp phát triển.

Đài Loan, Hàn Quốc đã làm rất tốt việc này. Israel là nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu đổi mới phục vụ cho doanh nghiệp. Phần Lan cũng vậy. Có rất nhiều tấm gương ngoài kia để chúng ta học hỏi: những nước đã xây dựng được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cực kì hiệu quả.

Việt Nam chưa hoàn toàn sẵn sàng để làm được việc này. Nói cho công bằng thì hầu hết các nước Đông Nam Á đều chưa làm tốt.

"Việt Nam có rất nhiều viện nghiên cứu và trường đại học, nhưng rất ít trong số đó sở hữu công nghệ tiên tiến. Đó là một vấn đề lớn".

"Việt Nam có rất nhiều viện nghiên cứu và trường đại học, nhưng rất ít trong số đó sở hữu công nghệ tiên tiến. Đó là một vấn đề lớn".

Tôi nghĩ Malaysia có hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia khá hiệu quả và vì thế, họ đang là nước giàu hơn cả so với các nước khác trong khu vực. Tất nhiên, không tính Singapore. Singapore làm rất tốt với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của họ nhưng vì quy mô quá nhỏ nên công việc đó tương đối dễ dàng.

- Nếu xem xét nguồn lực con người thì Việt Nam có tiềm năng không thua kém nhiều nước trong khu vực. Ví dụ như lực lượng kĩ sư gốc Việt ở Thung lũng Silicon đông thứ hai sau Ấn Độ. Chúng ta cũng có hàng ngàn nhà khoa học gốc Việt đang làm việc trên khắp thế giới. Vậy điều gì cản trở Việt Nam làm tốt khâu đổi mới sáng tạo?

Chúng ta thiếu thể chế phù hợp. Cấu trúc của những cơ sở nghiên cứu hiện tại đang hoạt động dựa trên những cơ chế khuyến khích sai hướng.

Có một điều tôi đã phát biểu suốt hai mươi năm nay, ở nhiều diễn đàn của Liên Hiệp Quốc và với Chính phủ Việt Nam, rằng nếu mọi người vào Google Scholar (dịch vụ tìm kiếm các tài liệu học thuật – PV) và gõ chữ Nguyễn, bạn sẽ thấy hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu tài liệu học thuật được viết bởi một ai đó có họ Nguyễn.

Nói cách khác, Việt Nam đã có sẵn nguồn lực con người ở đó. Rất nhiều trong số những nhà khoa học, nhà nghiên cứu đang ở hải ngoại nhưng điều đó không quan trọng. Việt Nam có thể thu hút họ quay về bởi tất cả đều quan tâm đến đất nước mình.

Ngoài ra, có một số lớn những nhà khoa học, nhà nghiên cứu giỏi đang ở ngay tại Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam không hề thiếu chất xám. Cái mà chúng ta đang thiếu là thể chế thích hợp.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, một trong những điều khiến Việt Nam khác biệt so với phần còn lại của Đông Nam Á, và giống một quốc gia Đông Bắc Á nhiều hơn chính là Việt Nam đạt được những thành tựu đáng khâm phục về học bổng quốc tế, học thuật và công nghệ mà không một nước Đông Nam Á nào theo kịp.

- Vậy thì Việt Nam có thể đột phá thể chế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo quốc gia từ đâu, theo ông?

Chúng ta cần kiến tạo những đột phá theo hướng thu hút được người tài trở về, cung cấp cho họ cơ sở, điều kiện làm việc và động lực khuyến khích phù hợp.

Chẳng hạn như nếu anh phát minh ra một quy trình mới, hay một sản phẩm mới, và anh đang làm việc cho một viện nghiên cứu Việt Nam dù là công hay tư, thì làm thế nào anh có thể thương mại hoá nó? Anh có được tài trợ để thương mại hoá phát minh của mình hay không?

Tôi nghĩ nếu tất cả những điều kiện này được giải quyết thì không có giới hạn nào có thể cản trở Việt Nam.

Lực lượng kĩ sư gốc Việt ở Thung lũng Silicon đông thứ hai sau Ấn Độ. Chúng ta cũng có hàng ngàn nhà khoa học gốc Việt đang làm việc trên khắp thế giới.

Lực lượng kĩ sư gốc Việt ở Thung lũng Silicon đông thứ hai sau Ấn Độ. Chúng ta cũng có hàng ngàn nhà khoa học gốc Việt đang làm việc trên khắp thế giới.

Nếu có thể khai thác được nguồn tài năng này, Việt Nam sẽ trở nên vô cùng cạnh tranh. Bởi vì quay trở lại câu chuyện Google Scholar, chúng ta sẽ thấy trong bất kì lĩnh vực nào, từ khoa học vật lý cho tới máy tính, từ khoa học xã hội tới nghệ thuật, lĩnh vực nào cũng có những tên tuổi người Việt đáng chú ý.

- Vậy còn đột phá thể chế thứ ba?

Đột phá thứ ba có vẻ hơi nhàm nhưng theo tôi vô cùng quan trọng, đó là hệ thống an sinh xã hội. Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam được xây dựng khi mọi người dân đều là nông dân, và là người dân bản địa.

Do đó, các hỗ trợ xã hội được cung cấp bởi các nhà chức trách địa phương, các hợp tác xã ở thôn xóm. Họ có danh sách những ai thuộc diện nghèo. Nếu bạn ở trong danh sách đó, bạn sẽ nhận được sự trợ giúp của nhà nước.

Tuy nhiên, cách làm này không còn hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam ngày nay nữa. Hầu hết dân số bây giờ là người làm công ăn lương. Họ không phải là nông dân, họ di cư liên tục.

Khoảng 25% dân số TP.Hồ Chí Minh là người nhập cư. Bởi vậy, chúng ta cần một hệ thống có thể hỗ trợ được người dân khi họ thay đổi chỗ ở liên tục, làm các công việc khác nhau và thường xuyên đổi chỗ làm.

Một khía cạnh khác cần lưu ý về an sinh xã hội là Việt Nam vẫn là một nước dân số tương đối trẻ, do đó, nếu hệ thống an sinh xã hội khuyến khích được người dân tiết kiệm thì sẽ tạo ra một nguồn tài chính dài hạn khác để đầu tư.

Tựu trung lại, có rất nhiều lý do đòi hỏi đã đến lúc hệ thống an sinh xã hội cần phải được cải tổ một cách căn bản. Chính phủ hiện đã có một kế hoạch tổng thể để cải cách an sinh xã hội. Nhưng một lần nữa, nó vẫn rất manh mún và gây tranh cãi. Họ liên tục thay đổi và tranh luận về nó.

Tôi nghĩ chúng ta cần cải tổ hệ thống an sinh xã hội theo hướng trợ giúp được cho cả những đối tượng thay đổi công việc và khuyến khích người trẻ tiết kiệm tiền.

Không ai dám làm nếu người triển khai thử nghiệm bị trừng phạt vì thất bại

- Ông đã phân tích ba đột phá thể chế mà Việt Nam có thể triển khai trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững hơn. Nhưng chúng ta cũng đều thấy rõ những rào cản hiện tại là rất lớn, đặc biệt là hệ luỵ của cấu trúc quyền lực phân quyền quá nhiều cho các địa phương, dẫn đến tình trạng manh mún, thiếu phối hợp và nhất quán trong các chính sách và hành động.

Một trong những cách để phá vỡ nguyên trạng này là Chính phủ Việt Nam đang bắt đầu học hỏi các nước khác tạo ra các “policy sandbox”, nói nôm na là các “khung thử nghiệm thể chế” để thử nghiệm những chính sách đột phá cho một khu vực, một vùng nào đó trước khi nhân rộng ra. Ví dụ gần nhất là việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.Hồ Chí Minh. Ông nghĩ sao về cách tiếp cận này?

Tôi luôn ủng hộ các thử nghiệm bởi đó chính là cách để chúng ta làm ra những chính sách tốt hơn. Chúng ta thử làm theo cách khác đi ở một địa phương hay một tỉnh nào đó và nếu cách đó hữu hiệu, chúng ta có thể nhân rộng mô hình này ra những nơi khác.

Tuy nhiên, sự tự do thử nghiệm cần được đi kèm với trách nhiệm giải trình. Nói cách khác, cần có sẵn một cơ chế đánh giá kịp thời để chúng ta có thể học hỏi nhanh chóng từ những thử nghiệm này.

Và nếu thử nghiệm không hiệu quả, nó cần phải được chấm dứt mà không có ai bị đổ lỗi.

Điều này rất quan trọng: Nếu anh đồng ý thử nghiệm, có nghĩa là anh phải để cho thử nghiệm được thực hiện. Và ngay cả khi nó không hiệu quả thì những người cổ xuý và thực thi nó không nên bị trừng phạt.

"Tôi luôn ủng hộ các thử nghiệm bởi đó chính là cách để chúng ta làm ra những chính sách tốt hơn". Trong ảnh là quy hoạch TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM.

"Tôi luôn ủng hộ các thử nghiệm bởi đó chính là cách để chúng ta làm ra những chính sách tốt hơn". Trong ảnh là quy hoạch TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM.

- Nhưng trong lịch sử quả thật đã từng có nhiều cá nhân phải chịu trách nhiệm khi những thử nghiệm cơ chế, chính sách không hiệu quả, hay thậm chí, chưa thấy ngay được hiệu quả.

Với cách vận hành hệ thống hiện tại, họ thường có xu hướng bị trừng phạt. Nếu anh triển khai một thử nghiệm và nó không hiệu quả, thậm chí anh có thể bị tống vào tù. Nếu vậy, sẽ không có ai dám mạo hiểm theo đuổi sáng kiến hay thử nghiệm gì cả.

Một minh chứng rất rõ ràng là câu chuyện Quỹ đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo giống như một từ khoá phổ biến hiện nay ở Hà Nội. Mọi thứ đều là về đổi mới sáng tạo.

Giờ thì bộ nào cũng nói về đổi mới sáng tạo nhưng tôi tin rằng họ chưa chắc đã hiểu rõ mình nói gì. Nhưng mọi chính sách đều về đổi mới sáng tạo và các bộ đua nhau thành lập các quỹ để tài trợ cho đổi mới sáng tạo.

Vấn đề là không một quỹ nào có thể giải ngân cả. Lý do là vì theo luật hiện hành, nếu anh tài trợ cho một công ty, giống như một start-up và công ty đó thất bại, anh sẽ bị kết tội làm thất thoát tài sản của nhà nước.

Đó là một tội hình sự và người bị kết tội có thể phải ngồi tù. Bởi vậy, những người điều hành các quỹ này dù thực tâm muốn làm được điều gì đó nhưng họ rất sợ hãi.

Vậy thì quỹ đổi mới sáng tạo còn có ý nghĩa gì nữa nếu nó không thể cho vay, hoặc chỉ có thể cấp vốn vay những công ty đã thành công sẵn? Bởi bản chất đổi mới sáng tạo là phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm. Nên nếu làm kiểu an toàn như trên là đã đi ngược với bản chất của đổi mới sáng tạo.

Do đó, tôi cho rằng vấn đề với tất cả những thử nghiệm chính sách, hay đặc khu mà Việt Nam đang bàn thảo hiện nay là chúng ta phải để cho nó diễn ra. Và sau đó, anh có thể trừng phạt những người thực thi nếu họ phá luật, nhưng anh không thể trừng phạt họ vì nỗ lực đổi mới được.

Luật pháp phải tính đến điểm khác biệt này. Chẳng hạn, theo luật, mọi giấy tờ thủ tục của anh phải đúng quy định.

Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng có khoảng 40-50% khả năng thất bại, nhưng chúng tôi tin điều đó là đáng giá bởi đây là một ý tưởng tốt.

Và nếu nó thất bại, chúng ta sẽ triển khai việc đánh giá. Tiền bị mất nhưng đây là những gì chúng ta đã học được và chúng ta sẽ đi tiếp từ đó.

Ngược lại, chúng ta không thể làm được nếu công ty thất bại và người đứng đầu quỹ phải đi tù.

Nếu hệ thống an sinh xã hội khuyến khích được người dân tiết kiệm thì sẽ tạo ra một nguồn tài chính dài hạn khác để đầu tư.

Nếu hệ thống an sinh xã hội khuyến khích được người dân tiết kiệm thì sẽ tạo ra một nguồn tài chính dài hạn khác để đầu tư.

Việt Nam có thực sự học được bài học từ thất bại trong quá khứ?

- Những sáng kiến đổi mới mà ông vừa phân tích đều đã được bàn thảo đâu đó, hay thậm chí bắt đầu triển khai ở Việt Nam. Nhưng vì sao đến giờ kết quả vẫn còn hạn chế?

Tôi nghĩ là có rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong những lý do mà ta đã nói lúc đầu. Chúng ta nghe nhiều về các đột phá thể chế nhưng chưa thấy chỉ rõ những đột phá ấy là gì. Chúng ta nghe nhiều về đổi mới sáng tạo nhưng cũng chưa thấy thực sự định nghĩa đổi mới sáng tạo như thế nào.

Một ví dụ khác là Bộ Kế hoạch Đầu tư mới thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo. Một cái tên hay. Và trung tâm đó toạ lạc ở một trụ sở hoành tráng. Nhưng họ sẽ làm gì ở trong toà nhà đẹp đẽ này?

Tôi tin là tôi chưa từng được nghe một lời giải thích rõ ràng nào về những gì họ sẽ làm với trung tâm đó.

Mặt khác, chúng ta đang ở vào thời kì mà những thay đổi diễn ra một cách chóng mặt. Đại dịch sẽ qua đi và mọi người đều chờ đợi kinh tế hồi phục nhanh chóng. Nhưng không ai biết đích xác làm thế nào để đảm bảo sự hồi phục ấy diễn ra một cách bền vững.

Tôi muốn đưa ra một ví dụ khác. Gần đây, Chính phủ Việt Nam công bố kế hoạch đưa 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành những con chim đầu đàn dẫn dắt nền kinh tế đổi mới sáng tạo.

Xét một mặt nào đó, tôi có thể hiểu được động lực nào khiến Chính phủ muốn làm vậy. Bởi Hàn Quốc và Đài Loan đã có những công ty lớn vươn lên vị thế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ như Samsung, Acer. Việt Nam mong muốn Viettel hay một vài công ty nhà nước khác có thể đứng vào hàng ngũ các công ty hàng đầu thế giới.

Nhưng mặt khác, chính phủ đã từng thử cách tiếp cận này trước đây và thất bại khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không thể trở thành những “cú đấm thép” như kì vọng.

Vậy họ đã thực sự học được những bài học từ các thử nghiệm trước đây hay họ chỉ đơn thuần lặp lại sai lầm cũ?

- Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thẳng thắn này!

Tiến sĩ Jonathan Pincus.

Tiến sĩ Jonathan Pincus.

Tiến sĩ Jonathan Pincus là một nhà kinh tế học phát triển nổi tiếng chuyên về khu vực Đông Nam Á. Ông từng đảm nhận vai trò chuyên gia kinh tế cao cấp tại nhiều tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Khi còn là Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP tại Việt Nam,

Tiến sĩ Pincus đã thiết kế và triển khai hàng loạt chương trình tư vấn và đối thoại chính sách cấp cao với Chính phủ Việt Nam.

Từ năm 2008 đến 2013, Tiến sĩ Pincus làm Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tiền thân của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. Tại đây, ông sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo cấp cao Việt Nam (VELP), chuỗi thảo luận chính sách tại Đại học Harvard dành cho các quan chức cấp cao của Việt Nam.