|
Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần được tái cơ cấu toàn diện |
>> Phần 1: Tiến sĩ Jonathan Pincus: “Nếu phải chọn, tôi sẽ đặt cược vào Việt Nam”
Ông nhấn mạnh rằng, việc luân chuyển này không chỉ đối với người đứng đầu tỉnh, điều có thể giúp giảm thiểu những hệ luỵ của lợi ích cục bộ địa phương đang khiến Việt Nam không đủ năng lực hoàn thành một vài ưu tiên và dự án trọng điểm đúng thời hạn.
Các tỉnh ở Việt Nam có quy mô nhỏ nhưng quyền lực lại quá lớn
PV - Như ông đã phân tích, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của Chính phủ nhằm thực hiện thành công mục tiêu năm 2045 là tính phối hợp và nhất quán giữa các bộ ngành, giữa trung ương và địa phương rất yếu, chưa nói hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, khiến cho Việt Nam không có năng lực tập trung vào một số ưu tiên hàng đầu và hoàn thành một vài dự án trọng điểm đúng thời hạn như Trung Quốc làm được.
Vấn đề này có nguồn cơn từ đâu, ngoài hệ thống phi tập trung – một di sản của lịch sử?
TS. Jonathan Pincus: Một mặt, đây là vấn đề mang tính thể chế nằm trong hình thái phân quyền của Việt Nam khiến cho rất khó để có thể đưa ra những chính sách được điều phối tốt và có tính nhất quán. Quyền quyết định bị phân tán quá nhiều.
Mặt khác, cơ cấu hệ thống chính trị hiện tại của Việt Nam khiến cho tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Trong Đảng và Quốc hội có rất nhiều thành viên và nhiều nhà lãnh đạo là đại diện cho các chính quyền địa phương.
Hầu hết các lãnh đạo địa phương đều có ghế trong Quốc hội, trong khi Quốc hội ngày càng có nhiều quyền quyết định đối với những lĩnh vực như đầu tư công.
Ở Việt Nam, muốn điều chỉnh chương trình đầu tư công buộc phải được sự phê chuẩn của Quốc hội. Đây là điều khác biệt so với hầu hết các nước khác.
Ở hầu hết các nước khác, Quốc hội sẽ thông qua chương trình đầu tư công và cho phép chính phủ được điều chỉnh biên độ. Chính phủ có thể được yêu cầu báo cáo Quốc hội.
Nhưng ở Việt Nam thì không. Nếu Chính phủ muốn thay đổi chương trình đầu tư công, họ phải quay ngược lại Quốc hội.
Vấn đề là Quốc hội bao gồm các lãnh đạo địa phương. Nếu sự thay đổi trong chương trình đầu tư công sẽ mang tiền ra khỏi tỉnh đó thì họ sẽ bỏ phiếu phản đối.
Tương tự, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện cũng có rất nhiều lãnh đạo địa phương. Cơ cấu này khiến cho khả năng đảo ngược sự phân quyền hay thay đổi bản chất của việc phân quyền càng trở nên khó khăn gấp bội.
|
Đầu tư công ở Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng manh mún, chậm tiến độ. Ảnh: IE |
Nói tóm lại, cán cân quyền lực ngày càng thiên lệch về phía các quan chức địa phương. Xét ở một số khía cạnh nhất đinh, điều đó là tốt vì các tỉnh này có lợi ích khác nhau.
Nhưng nhìn ở bình diện khác thì nó khiến cho công tác lập kế hoạch và phối hợp trong hệ thống công quyền gặp rất nhiều rào cản.
Xét ở khía cạnh quyền lực của các quan chức địa phương, tôi thấy rất khó để cải thiện tình trạng này.
Bạn biết đấy, dân số Việt Nam là 95 triệu người ở 63 tỉnh thành, trong khi Indonesia có 270 triệu dân, gấp 3 lần dân số Việt Nam nhưng chỉ có 27 tỉnh, chưa bằng một nửa số tỉnh ở Việt Nam.
Như vậy, các tỉnh ở Việt Nam có quy mô khá nhỏ, nhưng quyền lực lại rất lớn.
Liên kết vùng và luân chuyển cán bộ để giảm bớt tính cục bộ địa phương
PV - Mặc dù việc đảo ngược được những hệ luỵ của việc phân quyền vô cùng khó do thiết kế thể chế và cơ cấu quyền lực ở Việt Nam lâu nay.
Nhưng theo ông liệu có cách nào để các nhà lãnh đạo Việt Nam cải thiện được khả năng phối hợp và hành động nhất quán giữa các bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương hay không?
TS. Jonathan Pincus: Tôi nghĩ Luật Quy hoạch mới ra đời năm 2017 đã kêu gọi sự phối hợp mang tính liên vùng nhiều hơn trong công tác quy hoạch và đầu tư công.
Chẳng hạn như nên có một cơ quan chịu trách nhiệm chung về quy hoạch tổng thể cho toàn bộ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, một việc hết sức cần thiết. Chúng ta có thể thấy ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang diễn ra một số chuyển động đáng khích lệ theo hướng phối hợp vùng tốt hơn.
Chúng ta có nhóm liên kết bốn tỉnh ABCD, bao gồm các tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp đang nỗ lực cùng lập quy hoạch chung, hoặc ít nhất, cộng đồng doanh nghiệp ở các tỉnh này đang cố gắng lên kế hoạch cùng nhau bởi vì họ cùng phải đối mặt với một vấn đề chung như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên sông Mekong…
Hoàn cảnh ngặt nghèo buộc họ phải làm nhiều hơn. Và tôi nghĩ nếu kinh nghiệm này có thể được củng cố và nhân rộng ra các vùng khác, thì chúng ta có thể hướng đến một hệ thống mặc dù không tập trung cao độ nhưng mang tính hợp tác vùng nhiều hơn, với quyền quy hoạch lớn hơn cho các nhà chức trách vùng.
Một cách khác mà chính quyền trung ương có thể làm là luân chuyển các lãnh đạo tỉnh (thực tế thì Việt Nam đã và đang làm rồi).
Chẳng hạn như nếu anh đến từ Hà Giang, anh sẽ không thể trở thành người đứng đầu Hà Giang mà anh phải đi luân chuyển ít nhất 5 năm ở một nơi khác.
Và không chỉ người đứng đầu tỉnh, có lẽ nên bắt đầu áp dụng hình thức luân chuyển này đối với các cán bộ dưới 2-3 cấp nữa. Nhờ thế, họ sẽ ít cố kết với địa phương của mình hơn, và sẽ quan tâm hơn đến lợi ích quốc gia.
|
Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang phối hợp với nhau tốt hơn vì cùng đối diện với thách thức chung về biến đổi khí hậu. Ảnh: IE |
Đó là những gì mà Trung Quốc đã thực hiện lâu nay. Họ luân chuyển các lãnh đạo tỉnh. Nếu anh đến từ một tỉnh, anh sẽ không thể là người đứng đầu tỉnh đó mà anh phải lãnh đạo một tỉnh khác và cứ vài năm, họ lại luân chuyển anh.
Con đường thăng tiến của anh được quyết định không chỉ bởi việc anh phụng sự lợi ích của tỉnh tốt đến mức nào mà còn là anh có đạt được các mục tiêu quốc gia hay không.
Nếu anh quá cục bộ địa phương, chẳng hạn anh nói rằng, tôi lấy được rất nhiều tiền đầu tư cho tỉnh tôi ngay cả khi chúng tôi không thực sự cần nhiều đến thế; hay khi anh biết rằng nó không thực sự giúp ích cho nền kinh tế quốc gia nhưng lại có lợi cho tỉnh mình, thì anh sẽ không được thăng tiến nữa.
Hiện nay Việt Nam đã bắt đầu triển khai một số hình thức luân chuyển tương tự, chẳng hạn đối với các Bí thư tỉnh uỷ. Nhưng tôi cho rằng Việt Nam cần thực hiện việc luân chuyển đối với các cán bộ ở các cấp bên dưới nữa, ví dụ như người đứng đầu cơ quan quy hoạch, hay các sở ban ngành.
Và những cán bộ này cần được đào tạo để họ biết công việc của họ là gì và triển khai nó như thế nào.
Tôi tin rằng những cách làm này sẽ giúp cho Việt Nam có được sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan công quyền trong hệ thống.
Nên tái cơ cấu toàn diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam
PV - Đại hội Đảng tháng 1 năm 2021 đã xác định sẽ thực hiện các đột phá thể chế để Việt Nam có thể phát triển nhanh. Theo quan điểm của ông, những đột phá thế chể nào mà Việt Nam có thể tập trung triển khai trong vài năm tới đây?
TS. Jonathan Pincus: Tài chính sẽ là đột phá thể chế đầu tiên mà tôi muốn đưa vào danh sách. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần có một Ngân hàng phát triển Quốc gia.
Hiện nay thì đang có Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nhưng nhiệm vụ của ngân hàng này chủ yếu là cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước. Và quy mô của ngân hàng này cũng khá nhỏ.
Nhưng theo tôi, Việt Nam cần học hỏi từ Brazil, Colombia, Trung Quốc, Ấn Độ, những nước xây dựng được mô hình ngân hàng phát triển quốc gia rất thành công.
Những ngân hàng này đảm nhiệm việc cung cấp các khoản vay dài hạn không chỉ cho khu vực nhà nước mà cho cả các công ty tư nhân trong nước. Và họ đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng.
Các ngân hàng này cũng cung cấp các hỗ trợ kĩ thuật và nhiều dịch vụ khác nữa. Nhưng trọng tâm của họ là tài chính dài hạn.
Qua quan sát của tôi, đây là một khoảng trống lớn ở Việt Nam hiện nay. Bởi vì, Việt Nam không thực sự có một nguồn tài chính dài hạn cho biến đổi khí hậu, thích ứng giảm thiểu đầu tư, các dự án năng lượng tái tạo.
Đây đều là những dự án rất dài hạn nhưng ở Việt Nam lại chỉ có nguồn tiền ngắn hạn.
Hệ thống ngân hàng không thích cho vay các khoản dài hạn bởi vì chúng khiến cán cân nợ của họ nặng thêm. Tất cả đều là tiền ngắn hạn nên họ không thể cho vay nhiều khoản dài hạn.
Trong khi đó, ngành công nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam quá nhỏ bé, nên họ cũng không có năng lực thu xếp các khoản tiền dài hạn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng nhưng quy mô còn khá nhỏ.
Sự thiếu vắng các nguồn tài chính dài hạn sẽ là một thách thức lớn của Việt Nam bởi những vấn đề mà quốc gia đang đối mặt đều mang tính dài hạn như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo.
|
Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần được tái cơ cấu toàn diện |
Do đó, tôi tin rằng Việt Nam cần phải xem xét lại toàn bộ câu hỏi về VDB. VDB cần được tái cơ cấu toàn diện. Việt Nam có thể xem xét cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân.
Ở nhiều nước, các ngân hàng phát triển khu vực công thường có sự tham gia của tư nhân. Đây là hướng đi tốt vì khi có tư nhân tham gia quản lý, mọi việc sẽ trở nên minh bạch hơn nhiều.
Tôi không biết lần cuối cùng VDB công bố báo cáo thường niên là khi nào nhưng tôi đoán rằng cũng cách nay khá lâu rồi. Bởi vì họ không phải chịu áp lực nào để làm việc đó. Họ là tổ chức công, họ báo cáo cho các sếp của họ, họ không cần phải báo cáo với thị trường.
VDB cũng khó mà công bố báo cáo thường niên được khi ngân hàng này phải thu xếp khoản vay cho những tập đoàn nhà nước thua lỗ nặng nề như Vinashin, Vinalines…
Tôi sẽ nói rằng: đóng nó lại. Thực hiện các khâu kế toán cuối cùng, tìm ra nơi tất cả các khoản nợ xấu đang chôn ở chỗ nào rồi đóng gói nó lại và bắt đầu một cái mới. Tôi sẽ không cố sửa chữa cái đang có vì sẽ là một mớ bòng bong.
Và cái mới này (Ngân hàng Phát triển Quốc gia) vẫn là một tổ chức thuộc chính phủ nhưng nên có sự tham gia của khối tư nhân và nước ngoài bởi như tôi đã đề cập, sự tham gia của nguồn vốn tư nhân sẽ giúp hoạt động của ngân hàng này trở nên minh bạch hơn.
|
Vinashin, Vinalines - những tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ đã ngốn hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước. |
Ngân hàng phát triển mới cần được phép bán trái phiếu ra thị trường. Chắc chắn sẽ có nhiều người muốn mua trái phiếu của nó. Khi đó, ngân hàng có thể dùng nguồn vốn này để cấp vốn vay dài hạn cho các dự án công và tư.
Ngân hàng cũng có thể bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng thương mại hoặc thậm chí bảo lãnh cho các trái phiếu phát hành bởi doanh nghiệp.
Nói cách khác, dù không phải là hoạt động thường xuyên nhưng ngân hàng phát triển này có thể đóng vai trò giống như một tổ chức hoán đổi nợ tín dụng, một dạng công ty bảo hiểm cho phép các doanh nghiệp có thể bán trái phiếu ra thị trường.
Hãy thử hình dung, nếu một công ty Việt Nam đang sản xuất một mặt hàng xuất khẩu nào đó nhưng họ cần có nguồn tài chính dài hạn. Họ có thể bán trái phiếu và ngân hàng phát triển sẽ bảo lãnh cho trái phiếu đó.
Nếu có vỡ nợ trên trái phiếu đó, ngân hàng phát triển sẽ thanh toán khoản nợ này vì vậy nó là một loại hình bảo hiểm. Nhưng trong lúc ấy, ngân hàng nên giúp doanh nghiệp để họ không bị vỡ nợ và có thể thành công.
(Còn tiếp)
|
Tiến sĩ Jonathan Pincus là một nhà kinh tế học phát triển nổi tiếng chuyên về khu vực Đông Nam Á. Ông từng đảm nhận vai trò chuyên gia kinh tế cao cấp tại nhiều tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Khi còn là Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP tại Việt Nam, Tiến sĩ Pincus đã thiết kế và triển khai hàng loạt chương trình tư vấn và đối thoại chính sách cấp cao với Chính phủ Việt Nam.
Từ năm 2008 đến 2013, Tiến sĩ Pincus làm Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tiền thân của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. Tại đây, ông sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo cấp cao Việt Nam (VELP), chuỗi thảo luận chính sách tại Đại học Harvard dành cho các quan chức cấp cao của Việt Nam.