Căn nhà “Tam đại đồng đường” của gia đình Nghệ nhân Phạm Anh Đạo nằm trên trục đường chính từ chợ gốm cổ Bát Tràng sang làng gốm Giang Cao. Khu nhà đơn sơ và ấm cúng với ngổn ngang các sản phẩm gốm vuốt tay. Anh Đạo luôn bận rộn với công việc và tiếp khách thay anh thường là bố hoặc vợ anh, chị Mỹ Trinh.
Câu chuyện về Phạm Anh Đạo đã trở thành niềm cảm hứng cho báo giới suốt một thời gian dài. Không ngạc nhiên sao được khi một cậu bé bị khiếm thính: mất đi khả năng nghe và nói đã trở thành một nghệ nhân gốm tài ba với những sản phẩm gốm độc đáo tham dự hết triển lãm này tới triễn lãm khác và dành được những giải thưởng mà bất kỳ người thợ gốm nào cũng mơ ước: Bằng khen tài năng trẻ nghề gốm sứ Hà Nội (2004), Giải xuất sắc “Bàn tay vàng” nghề gốm sứ (2006), Một trong 10 công dân tiêu biểu của thủ đô Hà Nội (2009), Đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Toàn quốc 2009, Nghệ nhân Hà Nội (2011), Bằng kỉ lục Việt Nam (2016)
Nghệ nhân Phạm Anh Đạo được trao Bằng Kỉ lục Việt Nam cho cặp chóe Tứ Linh có kích thước "khủng" với chiều cao 2m và chiều ngang bằng hai người ôm- Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Từ nỗi buồn đau tới bất ngờ và niềm hạnh phúc
Phạm Anh Đạo có một số phận thật không may bởi hai anh em sinh ra bằng cân nhau và đều bé tý tẹo, mỗi người chỉ hơn 1kg nhưng cậu em sinh đôi với anh, Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đức lại khỏe mạnh, hay ăn chóng nhớn còn Đạo thì ốm đau, viêm phế quản và phải dùng thuốc kháng sinh liều cao để rồi dẫn tới việc mất đi khả năng nghe và nói. Vậy nên, suốt những ngày tháng Đức bận rộn với bài vở, thi cử, học hành và dành được bằng cử nhân ở trường Đại học Quốc Gia thì Đạo chật vật mãi mới qua được lớp 6 và thời gian rảnh cậu bé khiếm thính đó lang thang nhà nọ, nhà kia say mê xem các nghệ nhân làm gốm.
Có dạo, bố mẹ Đạo ngỡ tưởng con mình bị câm điếc và gia đình Đạo đã xác định nuôi báo cô con cả đời. Nhưng thật may mắn, anh chị bị nặng tai chứ chưa bị điếc hẳn. Vì kinh tế gia đình và hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ bố mẹ Đạo đã không có điều kiện đưa con đi khám ở nhiều nơi khác nhau để sớm phát hiện ra nguyên nhân. Không nghe, không nói, không viết được đã ảnh hưởng trầm trọng tới kết quả học tập của Đạo.
Điều bất ngờ là Đạo đặc biệt quan tâm tới cách làm gốm theo phương pháp thủ công truyền thống vốn đã được thay thế bằng công nghệ đổ rót từ lâu tại Bát Tràng. Là một thợ gốm giỏi, bố Đạo, Nghệ nhân Dân Gian Phạm Văn Huy đã hạnh phúc nhìn thấy khả năng đặc biệt của anh. Ông vay mượn thêm để mở lò gốm cho con làm, ông chia sẻ với chúng tôi: “Kinh tế gia đình tôi so với dân làng thuộc diện eo hẹp nên chỉ làm gốm theo phương pháp cổ truyền vì mình không thể đầu tư công nghệ, thuê người theo phương pháp đổ rót hiện đại. Mình có sức khỏe, có đôi bàn tay, thích làm cứ ngả bàn xoay và làm đất là ra sản phẩm, không phụ thuộc vào khâu nào cả”.
Dần dần, Phạm Anh Đạo nói được và nói tốt hơn. Nhưng khi nghe người nói phải nói thật lớn tiếng thành ra Đạo ngại giao tiếp. Đây là lý do khiến nhiều người nghĩ lầm rằng Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đạo bị câm điếc.
Cặp chóe Tứ Linh được cấp bằng Kỉ Lục Việt Nam do nghệ nhân Phạm Anh Đạo chế tác.
|
Tình sử của chàng khiếm thính và cô thôn nữ xinh tươi
Nói như em trai Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đạo là Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đức thì: “Các cụ nói: “Giàu vì bạn, sang vì vợ” thì với anh Đạo như vậy là trọn vẹn”. So với nhiều người đủ đầy, khỏe chân mạnh tay cũng chưa chắc có được niềm hạnh phúc như Đạo. Vợ anh đã giúp chồng quán xuyến mọi việc, phụ giúp các khâu và nuôi dạy hai con trai học hành giỏi giang, ngoan ngoãn.
Trước khi gặp Anh Đạo, chàng trai làng gốm Bát Tràng lúc đó mới 25 tuổi và Mỹ Trinh, cô thôn nữ xinh đẹp, duyên dáng làng gốm Kim Lan mới ở tuổi 22. Cô thôn nữ ấy đã từng hò hẹn và có nhiều chàng trai theo đuổi. Nhưng “Gái ham tài- Trai ham sắc”, như một duyên nợ trời định, khi gặp Phạm Anh Đạo, Mỹ Trinh bỗng nhiên không muốn gặp gỡ ai nữa.
Chị Mỹ Trinh thú nhận: “Từ lần đầu sang chơi hội bên Bát Tràng, nhìn anh ấy làm gốm theo phương pháp thủ công truyền thống mình đã thấy thật khác biệt. Vì bên mình chuyên làm gốm theo công nghiệp đổ rót. Nhưng lần đó chỉ tình cờ thấy, chưa quen và không biết anh Đạo bị khiếm thính. Anh Đạo chơi thân với ông anh con bác họ nên khi thấy hai người chơi với nhau mình nhận ra chàng trai để lại ấn tượng ban đầu tốt đẹp bữa trước trong hội làng Bát Tràng và hỏi anh họ. Anh ấy bảo: “Nó giỏi lắm đấy nhưng lại bị khiếm thính, tội nghiệp”.
Hai anh cứ qua lại chơi với nhau, rồi một ngày anh Đạo nói với anh nhà bác mình: “Mày đưa tao xuống để tán em gái mày!”. Ông anh họ chạy sang nhà mình và bảo: “Ôi, ông bạn thân, tai thì điếc mà muốn tán em gái mình. Không đưa xuống thì thấy ngại với bạn mà đưa xuống lại sợ em gái mình nghĩ nọ kia. Thôi kệ, cứ đưa xuống, chắc gì cái Trinh đã yêu”. Mình bảo anh họ là: “Anh cứ để anh ấy xuống chơi”. Khi xuống, cả hai còn e ngại nên anh Đạo chỉ chơi với bố mình. Một thời gian sau mình và anh ấy mới tiếp xúc với nhau”.
Ban đầu, bố mẹ chị Trinh tiếp đón anh Đạo ân cần, quý hóa vì đều thương khi biết anh Đạo là người có tài mà lại thiệt thòi như vậy. Nhưng khi thấy hai người yêu nhau thì bố mẹ chị Trinh lại lo lắng và ngăn cản. Mẹ chị Trinh nói với con: “Giả như nó yêu thương con thật và hai đứa lấy nhau thì con khổ đấy, sẽ vừa phải làm vợ, vừa phải gánh một phần trách nhiệm của chồng”. Song khi đó “đôi bạn trẻ” đã quyết định gắn bó với nhau và họ làm đám cưới trong sự ưng thuận của hai bên bố mẹ.
Chị Mỹ Trinh- người vợ hiền hậu, đảm đang đã đứng sau thành công của chồng- Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Vượt qua thách thức, biến điều không thể thành có thể…
Về cùng một nhà, tình yêu của đôi bạn trẻ nhanh chóng đơm hoa kết trái. Nhưng họ vấp phải khó khăn về tài chính nhất là một người như Đạo, anh làm gốm với tất cả đam mê chứ chẳng quan tâm gì tới thu nhập. Nếu Đạo thành công với những sản phẩm gốm vuốt- nặn- vẽ theo phương pháp cổ truyền độc- lạ để trưng bày thì với những hàng gốm gia dụng làm thủ công anh lại vấp phải những khó khăn do chưa quen công việc. Trong khi đó, chỉ riêng làng anh mỗi ngày đã có hàng ngàn sản phẩm gốm bóng bẩy, đẹp đẽ với các kích cỡ, màu sắc và kiểu dáng khác nhau thì Đạo vẫn đăm đắm ngồi nặn nặn, vuốt vuốt, cả ngày chỉ được hơn 10 sản phẩm, gần một tháng mới được một lò và bày ra bán ai cũng chê: xấu xí, cũ kĩ, ma nó mua, bao giờ mới thoát nghèo, thoát khổ…
Anh Đạo nặng tai và không quan tâm mới không nghe được những lời thị phi và phũ phàng đó nên cứ mải miết sáng tạo, say mê thiết kế, làm đi, làm lại. miệt mài với công việc của mình. Chỉ có chị Trinh là nghe hết, chị khổ tâm, tủi phận và thương chồng hơn gấp bội.
“Trời không phụ lòng người”, anh Đạo ngày càng được bạn bè trong giới đánh giá cao và họ giới thiệu nhau tới chơi, thưởng thức tài nghệ. Trong số những người tới thăm quan, giao lưu có Họa sĩ Lê Thiết Cương. Mến mộ tài năng, khâm phục niềm đam mê của Đạo họa sĩ Lê Thiết Cương và chàng thợ gốm tài hoa đã tạo nên cuộc “giao duyên” đặc biệt giữa gốm sứ và hội họa trong cuộc triển lãm được tổ chức vào mùa đông hằng năm tại Hà Nội.
“Tài không đợi tuổi”, chàng thợ gốm trẻ khiếm thính Phạm Anh Đạo đã được đề cử phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội sau khi gặt hái được rất nhiều giải thưởng khi mới 27 tuổi. Nhưng vì có người cho rằng: Bát Tràng thiếu gì người tài mà phong nghệ nhân cho một thằng điếc. Mà nó mới hai mấy tuổi đầu, phong nghệ nhân cho nó để nó vượt mặt các bậc cha chú mãi bốn mấy mới được phong tặng à? Thế là Phạm Anh Đạo bị gạt ra khỏi danh sách. Anh tự ái, không cần danh hiệu nữa. Và phải mấy đợt sau, tới 34 tuổi, nhờ vào tình thương yêu chồng và khéo léo sắp xếp việc nhà của chị Trinh mà anh Đạo mới chịu làm hồ sơ, gửi tác phẩm tham dự xét duyệt phong tặng danh hiệu. Khi ấy, so với lịch sử của Bát Tràng, anh được xem là người đầu tiên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân trẻ nhất, năm 2011. Và tới năm 2016, tác phẩm gốm do Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đạo chế tác được trao Bằng kỉ lục Việt Nam và được công nhận là: “Cặp chóe Tứ linh đắp nổi được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất”.