Phải sửa Luật Đất đai để tránh nhóm lợi ích 'xâu xé' nguồn lực quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
"Doanh nghiệp cũng nhìn chằm chằm vào đất của quốc gia. Cứ thu hồi đất của nông dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền, bán chênh lệch là giàu có" - PGS Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội.

“Luật Đất đai gần 10 năm qua bên cạnh những ưu điểm thì đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập” - báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày sáng 8-10 nhận định.

Theo báo cáo do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực trình bày tại hội nghị giám sát, qua xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 thì những hạn chế, bất cập đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân từ sự chồng chéo, không thống nhất của các quy định pháp luật về đất đai.

Báo cáo của Mặt trận Trung ương chỉ ra sáu nhóm vấn đề.

Cụ thể là một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp 2013 và các đạo luật có liên quan; vướng mắc, bất cập trong quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vướng mắc, bất cập trong quy định về giao đất, cho thuê đất, quy định về tài chính với đất đai.

Cùng với đó là các vướng mắc, bất cập trong quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp về đất đai; vướng mắc, bất cập trong quy định về quyền sử dụng đất đai của cộng đồng dân tộc thiểu số và vướng mắc, bất cập về tham vấn người dân trong lĩnh vực đất đai.

PGS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng cần phải sửa Luật đất đai, làm rõ nội hàm sở hữu toàn dân, công bằng xem xét vai trò sở hữu của Nhà nước và toàn dân. Ảnh: MTTQ
PGS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng cần phải sửa Luật đất đai, làm rõ nội hàm sở hữu toàn dân, công bằng xem xét vai trò sở hữu của Nhà nước và toàn dân. Ảnh: MTTQ

PGS Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội cho rằng, sửa Luật Đất đai lần này cần làm rõ nội hàm, vai trò của Nhà nước trong vấn đề sở hữu.

Bởi hiện nay tiêu cực liên quan đến đất công, đất giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức của Nhà nước sử dụng rất lãng phí. Việc chuyển nhượng, tham nhũng tiêu cực xuất hiện chủ yếu ở loại đất này.

PGS Nguyễn Quang Tuyến cũng cho rằng cần thể chế hoá bằng được vai trò của Nhà nước với tư cách người sử dụng đất. Nhà nước cũng phải công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác.

“Vừa qua những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong vụ án Vũ "nhôm”, liên quan đến Bình Dương, Khánh Hòa đều xảy ra liên quan đến đất công” - PGS Nguyễn Quang Tuyến nói và đề nghị phải tránh việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong áp khung giá bồi thường, thu hồi, giải phóng mặt bằng…

Mặt khác, ông Tuyến còn đề nghị phải quy định rõ quyền của dân là gì khi nói “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.

“Đất đai là nguồn lực của quốc gia nhưng đang bị xâu xé bởi các lợi ích nhóm. Doanh nghiệp cũng nhìn chằm chằm vào đất của quốc gia. Cứ thu hồi đất của nông dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền , bán chênh lệch là giàu có. Do đó việc quản lý bây giờ như nào là cả một vấn đề đặt ra” - ông Tuyến nói.

Quy định của pháp luật hiện cũng nêu rõ phải lấy ý kiến người dân khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tuy nhiên một điều cần phải làm rõ “dân ở đây là ai”, chứ không thể “chung chung” như vậy.

Theo PGS Tuyến, dân chính là “tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu tác động của quy hoạch”. Khi lập quy hoạch, lên kế hoạch sử dụng đất thì phải quy định nếu còn tỉ lệ % nào đó người dân chưa đồng thuận thì các cơ quan phải thay đổi toàn bộ, một phần quy hoạch hoặc phải giải trình cho dân.

Trong khi đó, GS Võ Khánh Vinh cho rằng đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Tuy nhiên dường như “chúng ta” mới ưu tiên việc quản lý Nhà nước, trong đó chủ yếu nói đến vai trò của hành pháp là chính. Theo GS Vinh, trong lần sửa Luật đất đai tới đây cần nhấn mạnh vai trò của MTTQ.

GS Vinh cũng đề nghị khi sửa đổi Luật Đất đai cần phải nhấn mạnh đất đai là sở hữu toàn dân nhưng phải làm rõ nội hàm để tránh những vấn đề phát sinh.

“Từ nghiên cứu về tham nhũng thì thấy xuất hiện một vấn đề đó là tham nhũng về đất đai là đáng sợ nhất. Người ta dựa vào lỗ hổng của chính sách pháp luật, của thực thi, của vượt thẩm quyền từ địa phương để tham nhũng, trục lợi” - GS Vinh nói.

Theo Báo Pháp luật