Một bức ảnh cho thấy Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock dường như "quay lưng lại" với Thủ tướng Olaf Scholz trong một cuộc họp gần đây đã gây ra một làn sóng meme trực tuyến sau khi hai quan chức này xung đột về viện trợ quân sự cho Ukraine.
Thuật ngữ Meme được sử dụng để chỉ 1 video, hình ảnh hay 1 câu nói từ nhân vật trong phim, truyện và có sự ảnh hưởng rộng rãi.
Trước đó, hãng tin Spiegel đưa tin rằng ông Scholz hiện đang chặn một gói viện trợ khẩn cấp trị giá 3 tỷ euro (3,1 tỷ USD) cho Kiev mà bà Baerbock và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đã mất nhiều tháng để chuẩn bị.
Thủ tướng lập luận rằng gói viện trợ này là không cần thiết, tuyên bố rằng Kiev đã có đủ tiền từ các khoản đóng góp trước đó của Berlin. Sau đó, bà Baerbock đã chỉ trích ông Scholz, cáo buộc ông coi thường "trách nhiệm đảm bảo hòa bình cho châu Âu" của mình.
Trong hôm 16/1, hãng tin Bild đã đăng một bức ảnh cho thấy Ngoại trưởng Đức dường như phớt lờ bàn tay giơ ra của Thủ tướng trong một cuộc họp Nội các Liên bang. Bài viết có chú thích khẳng định rằng bà Baerbock đã lao ra khỏi phòng họp Nội các vào ngày hôm trước trong khi ông Scholz được cho là đã cố gắng với tay để ngăn bà lại nhưng không thành công.
“Cánh tay của Thủ tướng không còn vươn xa đến thế nữa”, tờ Bild viết.
Bức ảnh nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, với một số người dùng khẳng định ngôn ngữ cơ thể trong bức ảnh đã nói lên mọi điều cần nói về tình hình chính trị hiện tại của Đức. Những người khác đã sử dụng bức ảnh để tạo meme.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ZDF hôm 17/1, bà Baerbock đã phản bác lại tuyên bố của Bild, lập luận rằng bức ảnh và cách diễn giải mà tờ báo đăng tải là “biểu tượng cho thời đại mà chúng ta đang sống, rằng có điều gì đó được gợi ý thông qua những bức ảnh riêng lẻ nhưng thực tế không hề xảy ra như vậy”.
“Tôi không hề thấy chuyện gì đang diễn ra sau lưng mình, tôi không có mắt ở sau đầu”, nhà ngoại giao này nói.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa ông Scholz và bà Baerbock được cho là căng thẳng, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử bất thường sắp tới dự kiến diễn ra vào tháng 2, được kích hoạt bởi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà ông Scholz khởi xướng vào tháng 12 năm ngoái nhưng đã thua.
Trong khi đó, mặc dù viện trợ trong tương lai cho Ukraine đã trở thành điểm gây tranh cãi giữa các đảng liên minh cầm quyền, Đức vẫn là một trong những nhà viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev, chỉ đứng sau Mỹ, đã phân bổ khoảng 11 tỷ euro từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2024 theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel.