Giá USD kịch trần
Một ngày sau khi điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/- 1% lên +/- 2%, Sở giao dịch NHNN đã tăng giá USD bán ra từ mức 21.820 đồng/USD lên 22.085 đồng/USD, tăng 265 đồng. Giá USD của các NH thương mại cũng “nóng” trở lại sau đợt giảm nhẹ chiều qua. Giá bán USD tại ACB được đẩy lên mức kịch trần 22.106 đồng/USD, tăng 16 đồng/USD so với giá phiên trước đó, giá mua ở mức 22.030 - 22.050 đồng/USD, tăng 30 - 50 đồng/USD.
Tại Eximbank, sau 63 lần điều chỉnh, giá mua USD đã tăng thêm 40 đồng lên 22.030 - 22.050 đồng/USD; giá bán USD tăng thêm 25 đồng/USD, lên 22.105 đồng/USD. Tại Vietcombank, giá bán - mua đều tăng 45 đồng/USD, lên lần lượt là 22.105 đồng và 22.035 đồng/USD... So với ngày 12.8, giá USD hôm qua đã tăng 120 đồng/USD. Tại TP.HCM, giá USD tự do lên 22.150 đồng/USD.
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh trái phiếu và ngoại hối HSBC VN, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang có tâm lý chờ đợi tỷ giá tăng cao hơn nữa do đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc tiếp tục mất giá. Do vậy, họ chỉ bán USD trong trường hợp cần thiết phải thanh toán, gần như không có khách hàng có nhu cầu bán USD kỳ hạn. Nếu ngày 12.8 các DN nhập khẩu còn tỏ ra khá bình thản trước tin biên độ giao dịch của USD/VND được nới rộng thì hôm qua đã xuất hiện tâm lý lo lắng và nhu cầu mua kỳ hạn USD bắt đầu tăng cho các khoản thanh toán trong tương lai.
Đó là chưa kể nhu cầu từ chính các NH. Do tỷ giá ổn định trong một thời gian dài nên các nhà băng có xu hướng giữ trạng thái ngoại hối âm (bán USD) để kiếm điểm kỳ hạn. Nhưng với việc phá giá CNY trong những ngày vừa qua và biến động trên thị trường ngoại hối thế giới, các NH trong nước đã cố gắng mua USD để giảm bớt trạng thái ngoại hối âm và giảm bớt rủi ro. Việc này đã tạo ra nguồn cầu khá lớn trên thị trường và tạo áp lực lên tỷ giá.
Rủi ro giá vàng
Vẫn ăn theo tỷ giá, thị trường vàng hôm qua thực sự đã gặp “cơn sóng thần” sau nhiều năm yên ắng. Trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng có 1 - 3 USD/ounce thì giá vàng miếng SJC bị đẩy tăng từ 1 - 1,2 triệu đồng/lượng so với ngày 12.8. Buổi sáng, Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua một lượng vàng miếng SJC lên 33,6 triệu đồng/lượng, tăng 230.000 đồng/lượng; ở đầu bán ra là 34 triệu đồng/lượng. Nhưng ngay sau đó, giá vàng tiếp tục biến động mạnh.
Buổi sáng giá mua - bán ở mức cao 34,2 - 34,9 triệu đồng/lượng, đến đầu giờ chiều, giá giảm nhẹ về 33,8 - 34,7 triệu đồng/lượng nhưng cuối ngày lên lại chốt ở mức 34,1 - 34,8 triệu đồng/lượng. Cũng như tỷ giá, tần suất điều chỉnh giá vàng được tính theo phút. Chẳng hạn hồi 14 giờ giá vừa giảm từ 34 triệu đồng/lượng về 33,8 triệu đồng/lượng nhưng trong vòng chưa đầy 10 phút đã lại bất ngờ tăng vượt ngưỡng 34 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày, giá vàng đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng và khoảng cách giữa giá mua - giá bán được kéo doãng ra từ 700.000 - 900.000 đồng/lượng. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry, nhận xét: “Mức tăng này là điều khó có thể chấp nhận được và mức chênh lệch quá cao giữa giá mua và bán cho thấy sự bất ổn trên thị trường vàng. Điều này khiến cho cả các đơn vị kinh doanh và người mua đều rủi ro bởi khi giá vàng tăng “hỗn” như vậy thì nó có khả năng đảo chiều giảm nhanh bất cứ khi nào”.
Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty CP Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) tính toán, tỷ giá tăng 1% chỉ có thể làm cho vàng tăng thêm 500.000 đồng/lượng. Thế nhưng giá vàng SJC đã tăng gần 3 triệu đồng/lượng chỉ trong 4 ngày và đây là rủi ro lớn.
Phá giá đồng nội tệ để giành thị trường
Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê và ca cao VN, các nước phá giá đồng nội tệ là để giành thị trường. Việc NHNN tăng biên độ tỷ giá lên +/- 2% đã làm giảm áp lực phá giá đồng CNY. Tuy nhiên, do các nước như Nhật, châu Âu và ngay cả Trung Quốc cũng đã thực hiện giảm giá đồng nội tệ của họ khá mạnh để hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu nên mức điều chỉnh tỷ giá của NHNN thực sự “không thấm vào đâu”.
Cụ thể hơn, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - cho biết tính từ đầu năm tới nay, so với đồng USD, các đồng tiền của các nước đang có mức giảm giá khá mạnh. Chẳng hạn đồng BRL (của Brazil) giảm 30,6%, đồng euro giảm 11,4%, đồng NZD (New Zealand) giảm 19,5%, đồng CAD (Canada) giảm 13,6%, đồng AUD (Úc) giảm 11,2%, đồng MYR (Malaysia) giảm 10,9%, đồng IDR (Indonesia) giảm 9%, đồng ARS (Argentina) giảm 8,7%, đồng KRW (Hàn Quốc) giảm 7,2%, THB (Thái Lan) giảm 6,5%...
Với mức giảm này, nếu đầu năm, hàng hóa của Brazil xuất vào thị trường Mỹ có giá 1 USD, DN Brazil thu về được 2,66 BRL thì nay, vẫn giá bán 1 USD, DN này sẽ thu về được 3,47 BRL. Như vậy, DN Brazil hoàn toàn có thể giảm mạnh giá hàng hóa, có thể chỉ bằng 77% so với đầu năm để cạnh tranh với hàng hóa các nước khác khi xuất khẩu vào Mỹ.
Vàng sẽ giảm giá trở lại
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, giá vàng thế giới sẽ giảm trở lại vì vẫn trong chu kỳ giảm giá, đặc biệt là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng USD trong thời gian tới sẽ làm cho đồng USD mạnh hơn. Những phản ứng giảm giá của đồng USD hay giá vàng, cà phê trên thị trường thế giới tăng mạnh trong mấy ngày qua chỉ mang tính tức thời. Do vậy, giá vàng miếng SJC sẽ giảm giá trở lại.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Mai Kiều, khoảng 75% thanh long trái của tỉnh xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch (khoảng 500.000 tấn/năm). Do vậy, khi CNY bị phá giá khiến các DN hết sức lo ngại. “Hiện nay giá thanh long chỉ khoảng 8.000 đồng/kg. Nếu biên độ giá tiền tệ được điều chỉnh thì theo tôi, có thể giá mua thanh long từ các thương nhân Trung Quốc sẽ còn giảm nữa. Nông dân lâu nay vốn bị ép giá, nay thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc có biến động về kinh tế tiền tệ thì tôi thấy cũng rất lo”, ông Mai Kiều nói.
Trực tiếp xuất thanh long qua Trung Quốc, chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ một DN ở H.Hàm Thuận Nam cho biết: “Đến hôm nay bất cứ DN nào bán hàng cũng đều lỗ. Cứ một container hàng trước ngày đồng CNY phá giá bán được 200 triệu, nay chỉ còn 140 triệu đồng. Mấy ngày trước, chúng tôi đổi 10.000 CNY được 356 triệu đồng, nay chỉ được 342 triệu đồng”. Còn theo một chủ DN chuyên xuất tiểu ngạch ở H.Hàm Thuận Bắc, thì nhiều DN bán hàng cả nửa tháng trước với số lượng hàng cả trăm tấn, nay các đối tác bên kia chỉ trả tiền theo biên độ giá tiền hiện nay nên bị lỗ hàng tỉ đồng.
Vừa trở về từ thị trường Trung Quốc, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu gạo qua Trung Quốc không khỏi lo lắng cho "số phận" đơn hàng vừa ký với thị trường này sẽ bị ách tắc lại sau khi đồng CNY giảm giá liên tục trong những ngày qua. Đồng CNY phá giá sẽ hỗ trợ các DN Trung Quốc giải quyết hàng trong nước. Vị này cho rằng, khoảng nửa tháng tới mới thấy được sự thiệt hại rõ ràng hơn khi đồng CNY phá giá tác động như thế nào đến DN Việt.
Theo Thanh niên