Công trình ý nghĩa hỗ trợ sinh sản cho người hiếm muộn
Phóng viên: - Được biết, PGS đã cùng với các cộng sự thực hiện công trình nghiên cứu “So sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi ở các phụ nữ không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm”, được vinh danh ở hạng mục chính của giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.
Xin BS cho biết thêm về công trình đoạt giải năm nay? Thời gian nghiên cứu của công trình mất bao lâu? Ý nghĩa của nó đối với việc hỗ trợ sinh sản cho các gia đình hiếm muộn?
PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan: - Từ trước đến nay, khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tạo ra phôi, chuyển phôi tươi thường được thực hiện trong chu kỳ điều trị và số phôi dư có thể được đông lạnh để sử dụng tiếp nếu chuyển phôi tươi thất bại.
Vào năm 2011, kết quả chuyển phôi đông lạnh được ghi nhận có vẻ tốt hơn chuyển phôi tươi, từ đó, nhiều trung tâm TTTON trên thế giới chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ và chỉ thực hiện chuyển phôi rã đông cho bệnh nhân.
Cách làm này có thể làm kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân, có thể tăng thêm chi phí cho quy trình đông lạnh – rã đông phôi, mà thật ra hiệu quả của phương pháp này cũng chưa được chứng minh và công bố rộng rãi. Hiệu quả của chuyển phôi tươi so với chuyển phôi đông lạnh là vấn đề nổi cộm và được tranh luận trong các hội thảo về hỗ trợ sinh sản trên thế giới.
Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên so sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi trên 782 bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang.
Nghiên cứu tìm thấy tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh sau khi TTTON là tương đương nhau. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra dữ liệu đáng tin cậy đầu tiên trên thế giới về hiệu quả của hai phương pháp chuyển phôi. Nghiên cứu có ảnh hưởng lớn và góp phần điều chỉnh phác đồ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới hiện nay.
Từ câu hỏi lâm sàng “Phương pháp chuyển phôi tươi hay phôi đông lạnh có hiệu quả hơn?”, năm 2014 nhóm nghiên cứu đã hình thành ý tưởng nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu gồm tôi - nghiên cứu viên chính và các thành viên của Bệnh viện Mỹ Đức TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ và Đại học Adelaide (Úc).
Các nghiên cứu viên Việt Nam giữ vai trò chính trong xây dựng đề cương nghiên cứu. Sau đó, nhóm nghiên cứu tham khảo ý kiến về phương pháp nghiên cứu của 2 giáo sư chuyên ngành là giáo sư Ben W Mol và giáo sư Robert J Norman ở đại học Adelaide, Australia.
Nghiên cứu được bắt đầu tiến hành thu thập dữ liệu từ giữa năm 2015 tại Bệnh viện Mỹ Đức TPHCM.
Việc thu thập và theo dõi dữ liệu cho đến kết quả sản khoa và trẻ sơ sinh của một số lượng lớn phụ nữ điều trị (782 người) hết sức công phu và khó khăn.
Trong quá trình thực hiện, dữ liệu nghiên cứu được kiểm tra và giám sát bởi một Ủy ban Giám sát dữ liệu độc lập gồm 3 giáo sư uy tín trên thế giới: GS JLH Evers (chủ biên Tạp chí Human Reproduction, người Hà Lan), GS S Bhattacharya (chủ biên Tạp chí Human Reproduction Open, người Anh), TS E Schuit (Đại học Utrecht, người Hà Lan).
Nghiên cứu kết thúc thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu vào cuối năm 2016. Bản thảo đầu tiên của nghiên cứu được gửi cho tạp chí NEJM vào tháng 3/2017 sau 17 lần sửa chữa. Sau 8 tháng, trải qua 4 vòng bình duyệt theo quy trình của tạp chí, nhóm nghiên cứu đã phải trả lời, làm rõ nhiều câu hỏi và phản biện của những người bình duyệt, bổ sung, chỉnh sửa các thông tin tòa soạn yêu cầu... Bản thảo cuối cùng của nghiên cứu được NEJM chấp nhận công bố trên tạp chí này vào tháng 1/2018 (Lan N Vuong, Vinh Q Dang, Tuong M Ho, Bao G Huynh, Duc T Ha, Toan D Pham, Linh K Nguyen, Robert J Norman, Ben W Mol. IVF Transfer of Fresh or Frozen Embryos in Women without Polycystic Ovaries. N Engl J Med 2018;378:137-47).
Về ý nghĩa của công trình, hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu chu kỳ TTTON và 3 triệu chu kỳ chuyển phôi được thực hiện. Tại Việt Nam, có khoảng 20.000 chu kỳ TTTON và 30.000 chu kỳ chuyển phôi. Kết quả nghiên cứu giúp các bác sĩ và bệnh nhân chọn lựa phương án chuyển phôi phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí, biến chứng và thời gian điều trị.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan và sinh viên thực tập Sản phụ khoa
|
Mẹ là tấm gương đạo đức nghề nghiệp
Phóng viên - Được biết, PGS vừa giảng dạy tại ĐH Y Dược TP.HCM vừa làm công tác điều trị, xin được hỏi thêm về con đường nghiên cứu và ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tế khám, chữa bệnh của BS ra sao?
Công trình nghiên cứu của BS có tính ứng dụng rất cao, mang hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình hiếm muộn. Vì sao bà lại tâm huyết theo đuổi lĩnh vực này?
PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan: - Một trong những nhiệm vụ chính của giảng viên ĐH là nghiên cứu khoa học. Câu hỏi nghiên cứu thường xuất phát từ thực tiễn. Hàng ngày làm việc, gặp gỡ, điều trị bệnh nhân, chúng tôi luôn có những câu hỏi lâm sàng như tại sao triệu chứng bệnh diễn tiến như thế, phương pháp nào điều trị hiệu quả hơn,…
Tôi bắt đầu nghiên cứu khoa học từ thời sinh viên, công trình luận văn tốt nghiệp ĐH y khoa của tôi là về thiếu máu trong thai kỳ tại TP.HCM. Sau đó, công việc nghiên cứu luôn gắn liền với điều trị và giảng dạy. Tôi có công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành đầu tiên vào năm 2008.
Tôi may mắn được tham gia vào nhóm thực hiện TTTON đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1997. Trong quá trình điều trị, chứng kiến những hoàn cảnh, những khó khăn và mong mỏi của bệnh nhân, tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật điều trị sao cho hiệu quả, an toàn nhất để giúp cho các gia đình hiếm muộn có được niềm hạnh phúc như mong muốn.
Phóng viên: - May mắn có mẹ ruột như là người thầy và có chồng là đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực, xin bà kể thêm về hai nhân vật này. Và xin được hỏi ngoài những đồng cảm, thấu hiểu, liệu có những mâu thuẫn không thể thống nhất khi tranh luận về khoa học trong gia đình?
PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan: - Mẹ tôi và chồng tôi có vai trò định hướng quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp của tôi. Cho đến hiện tại, những ca điều trị khó, những ý tưởng nghiên cứu, tôi đều thảo luận với mẹ và chồng tôi. Buổi cơm gia đình thường giống như một buổi giao ban bệnh viện vậy.
Chắc chắn là luôn có những tranh luận về khoa học trong các cuộc thảo luận, ngay cả là trong gia đình. Theo tôi, đây là điều tốt giúp cho mình có cái nhìn đa chiều về một vấn đề. Thông thường, khi có sự bất đồng ý kiến, tôi lắng nghe các ý kiến của mẹ tôi, của chồng tôi, tôi tranh luận và chưa quyết định ngay. Tôi dành thời gian suy nghĩ cho thấu đáo rồi đưa ra quyết định cuối cùng.
Phóng viên: - Liệu có phải những ấn tượng về mẹ và công việc của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, Viện Tim TP.HCM) đã khiến chị tiếp bước vào ngành y?
PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan: Trước đây, ngay sau ngày đất nước thống nhất, mẹ tôi hầu như ở suốt trong bệnh viện, vừa làm công tác quản lý, vừa điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Chị em chúng tôi còn nhỏ, không ai trông nên thường được mẹ đưa theo vào bệnh viện.
Có thể nói, tuổi thơ của tôi là ở bệnh viện. Bệnh viện như ngôi nhà thứ 2, các cô chú trong bệnh viện như người thân. Do đó, khi lớn lên, chọn nghề, tôi không thể suy nghĩ đến một nghề nào khác ngoài nghề Y. Mẹ và các công việc của mẹ là tấm gương cho tôi rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân hiếm muộn
|
Còn rất nhiều câu hỏi cần tiếp tục trả lời
Phóng viên: - Nghiên cứu khoa học của PGS và cộng sự, như giới chuyên môn nhận định, đã mở ra những hướng mới cho các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới?
PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan: - Tiếp theo nghiên cứu chính đã công bố về so sánh chuyển phôi trữ và chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh ống nghiệm vào năm 2018, 2 năm qua, chúng tôi đã tiếp tục thực hiện các phân tích thứ cấp để tiếp tục trả lời các câu hỏi chuyên biệt của vấn đề nghiên cứu, như yếu tố nào dùng để quyết định khi nào nên thực hiện kiểu chuyển phôi nào cho từng bệnh nhân cụ thể; so sánh chi phí – hiệu quả của 2 phương pháp chuyển phôi; theo dõi sự phát triển thể chất, tâm thần, vận động của các trẻ sinh ra từ chuyển phôi trữ và chuyển phôi tươi.
Các phân tích thứ cấp và nghiên cứu tiếp theo này cũng đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có chỉ số tác động cao. Ngoài ra, các phân tích thứ cấp này tạo điều kiện cho việc áp dụng kết quả của nghiên cứu chính vào lâm sàng được toàn diện và hiệu quả hơn.
Vẫn còn nhiều câu hỏi nghiên cứu liên quan vấn đề phương pháp chuyển phôi như giá trị điểm cắt của biomarker để quyết định chọn lựa phương pháp chuyển phôi; phác đồ hiệu quả trong chuẩn bị nội mạc tử cung cho chuyển phôi trữ; hiệu quả và an toan của chuyển phôi ngày 3 so với ngày 5,…
Phóng viên: - Giới trẻ Việt Nam trong ngành Y hiện nay có khó khăn và thuận lợi gì khi làm khoa học thưa PGS?
Theo tôi, giới trẻ ngày nay có nhiều thuận lợi trong nghiên cứu khoa học. Họ có những người đi trước tâm huyết, hướng dẫn về phương pháp nghiên cứu; có hội đồng đạo đức xem xét các vấn đề liên quan đến đạo đức nghiên cứu, do đó, các công trình nghiên cứu được tiến hành bài bản, chuẩn mực. Việc tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo, cập nhật các kiến thức, thông tin mới rất dễ dàng. Trình độ ngoại ngữ của các bạn cũng tốt. Phương tiện, trang thiết bị nghiên cứu được đầu tư nhiều.
Khó khăn có thể kể là kinh phí nghiên cứu. Để có những công trình mang tính đột phá, kinh phí nghiên cứu là không nhỏ. Do đó, việc có những hỗ trợ từ các tổ chức hay quỹ nghiên cứu khoa học là hết sức quý giá. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) có nguồn tài trợ hàng năm cho các đề tài tiềm năng.
Khó khăn của các bạn trẻ còn là sự quyết tâm của bản thân vượt qua các trở ngại, khó khăn trong quá trình nghiên cứu và công bố. Ngoài ra, cân bằng giữa nghiên cứu và cuộc sống, cơm áo gạo tiền, cũng là một thách thức đối với các bạn trẻ làm khoa học.
Phóng viên: - Để đạt được thành tựu nói trên, nhà khoa học nữ có còn thời gian giành cho gia đình giữa bộn bề công việc và nghiên cứu khoa học hỗ trợ sinh sản cho hàng ngàn phụ nữ hiếm muộn, thưa PGS?
PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan: - Tôi nghĩ, về nghiên cứu khoa học, làm khoa học thì nữ cũng như nam thôi, cũng có những trăn trở, suy tư, cũng có những khó khăn, thuận lợi và thách thức cần vượt qua để đi đến đích.
Chỉ khác là, đối với nữ, sinh con và nuôi dạy con, chăm sóc gia đình là thiên chức. Việc cân đối thời gian dành cho công việc và gia đình luôn là một thách thức.
Thú thật, tôi không thể cân bằng thời gian cho công việc và gia đình. Do đó, tôi nghĩ gia đình tôi đã hỗ trợ, hy sinh cho tôi rất nhiều để tôi toàn tâm toàn ý cho công việc và nghiên cứu. Tôi biết ơn mẹ tôi, chồng tôi và các con tôi vì những chia sẻ và hỗ trợ vô giá đó.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan hướng dẫn các bác sĩ trẻ (Ảnh:NVCC)
|
Phóng viên: - Đây là năm thứ 2, một nhà khoa học nữ trong lĩnh vực Y sinh Dược học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Xin PGS cho biết ý nghĩa của Giải thưởng đối với cá nhân bà?
PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan: - Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học lớn của nước ta, là người đã đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam. Giáo sư đã để lại những dấu ấn sâu sắc đối với nền giáo dục và khoa học Việt Nam.
Việc nhận giải thưởng mang tên giáo sư Tạ Quang Bửu là vinh dự và niềm tự hào của các nhà khoa học. Những tiêu chí xét chọn của giải thưởng cùng với sự công minh của Hội đồng xét chọn giải thưởng đã càng nâng cao hơn nữa uy tín của giải thưởng này.
Giải thưởng thật sự là nguồn động viên lớn lao cho các nhà khoa học, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ có chất lượng ở Việt Nam.
Phóng viên: - Xin trân trọng cảm ơn PGS đã giành thời gian quý báu!