Ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn với tinh thần gỡ khó cho doanh nghiệp nội dung số Việt Nam trong tiến trình đi ra thế giới.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), ông Thành cho rằng đây là vấn đề tồn tại nhiều năm, chưa được tháo gỡ, gây ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang phục vụ thị trường nước ngoài.
Theo ông Thành, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bàn rất lâu nhưng hiện vẫn chưa ký được. Đại diện USABC bày tỏ mong muốn doanh nghiệp nội dung số Việt Nam có ý kiến để Chính phủ thêm căn cứ yêu cầu Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc này.
Để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra nước ngoài thì cần tận dụng nền tảng quốc tế, nền tảng số toàn cầu để tạo ra các giải pháp sản phẩm của mình trên đó và cung cấp cho các khách hàng toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Ông Thành dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong cuộc làm việc với phái đoàn Mỹ gần đây, cho rằng doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam nên hợp tác với nhau. Doanh nghiệp Mỹ giỏi giải bài toán lớn mà đôi khi không chú ý, không có nguồn lực hoặc không muốn quan tâm đến những bài toán nhỏ - là vùng lõm trong trải nghiệm của khách hàng và cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam rất giỏi. Đây chính là định hướng để doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp nội dung số đi ra thế giới.
Như vậy, theo ông Thành, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ cũng như doanh nghiệp quốc tế nên “cộng sinh” với nhau theo nguyên tắc chung để nền kinh tế số phát triển được.
Trong những nguyên tắc chung, đại diện USABC đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc về thuế. Theo ông Thành, các chính sách về thuế cần mang tính thống nhất và hỗ trợ thúc đẩy. Việc này liên quan mật thiết tới khuôn khổ pháp lý cần sự đồng bộ, Việt Nam phải tham gia vào các thỏa thuận khu vực hay toàn cầu để đảm bảo rằng khuôn khổ pháp lý đối với nền kinh tế số là đồng bộ, tránh thực trạng mỗi một nước hay mỗi một khu vực dựng lên một khuôn khổ pháp lý riêng của mình.
Lĩnh vực Nội dung số Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan còn bị hạn chế bởi vấn đề tồn tại, đặc biệt trong hoạt động quản lý nội dung và thuế. |
Trước cộng đồng doanh nghiệp nội dung số, ông Thành cũng nhấn mạnh nguyên tắc về quản lý dữ liệu: Dữ liệu phải đảm bảo được lưu truyền thông suốt không bị dựng các hàng rào để yêu cầu cấp phép hay ngăn chặn.
“Chưa nói tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mà ngay trong phạm vi một doanh nghiệp nội dung số thì tư duy về việc cạnh tranh sòng phẳng hay 'dựng hàng rào' cũng khác nhau" - ông Thành nói và chỉ ra thực tế tại nhiều doanh nghiệp: Bộ phận nội dung số thì mang tư duy phục vụ khách hàng toàn cầu; nhưng nhiều bộ phận khác, ví dụ như bộ phận nội dung số làm về truyền hình, thì lại có tư duy phục vụ khách hàng trong nước, nên họ rất mong dựng lên các hàng rào để bảo vệ để ngăn chặn nền tảng nước ngoài.
Như vậy, “trong cùng một doanh nghiệp làm kinh tế sáng tạo ở Việt Nam, cùng một nhà đầu tư, cùng một ban lãnh đạo nhưng các bộ phận khác nhau vận động cho những quy định trái ngược nhau. Tư duy này làm doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được” – ông Thành nói.
Dẫn ra thành công của một số doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường quốc tế như Viettel, FPT, đại diện USABC cho rằng doanh nghiệp cần phải chấp nhận cạnh tranh toàn cầu, bình đẳng, không có ưu tiên, ưu đãi riêng. Đại diện USABC bày tỏ nhắn nhủ doanh nghiệp Việt Nam làm nội dung số nên có tư duy mạnh dạn từ ban đầu để khả năng thành công cao hơn.
Cũng theo ông Vũ Tú Thành, hiện OECD đang thúc đẩy thuế tối thiểu toàn cầu và Việt Nam đã đăng ký tham gia chương trình này và đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để đánh giá hệ lụy chính sách đối với Việt Nam khi mức thuế tối thiểu đề xuất là 15%.
Điều này là tin vui đối với các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam khi ra nước ngoài là các quốc gia sẽ giảm thuế để thu hút đầu tư.
"Tuy nhiên đối với những quốc gia cần thu hút đầu tư nước ngoài như Việt Nam thì các chính sách ưu đãi về thuế sẽ không còn hiệu quả nữa" - ông Thành nêu quan điểm.