|
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn Peter Navarro (trong ảnh) làm lãnh đạo Ủy ban Thương mại Quốc gia Mỹ (ảnh tư liệu) |
Tờ Washington Post Mỹ ngày 23/12 cho rằng khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói ông muốn tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mọi người có thể coi lời nói của ông là thật. Bắc Kinh đã bắt đầu cân nhắc, nếu ông Donald Trump làm thật thì phải đáp trả như thế nào.
Có người hầu như cho rằng thái độ cứng rắn của ông Donald Trump đối với Trung Quốc chỉ là sách lược tranh cử hỗ trợ cho ông giành được sự ủng hộ của cử tri. Nhưng, bài báo cho cách nghĩ như vậy là rất "ngây thơ".
Trước hết, thương mại là một trong hai vấn đề được ông Donald Trump thực sự quan tâm, hơn nữa luôn giữ thái độ kiên định. Ông luôn cho rằng nước khác đã chiếm lợi thế của Mỹ, bất kể là Nhật Bản năm 1988, Mexico năm 1998 hay Trung Quốc năm 2008.
Trong khi đó, biện pháp duy nhất giải quyết vấn đề này chính là hủy bỏ những thỏa thuận thương mại không công bằng, bắt đầu răn đe tăng thuế quan, cho đến khi đạt được thỏa thuận tốt hơn. Ông Donald Trump thực sự nghĩ như vậy.
Nếu nói trước đây điểm này còn chưa rõ ràng thì nay ông Donald Trump đề cử nhà kinh tế học Peter Navarro nắm Ủy ban thương mại quốc gia, điều này đã rất rõ ràng.
Peter Navarro đã từng viết những cuốn sách như "Chiến tranh Trung Quốc sắp tới". Ông còn tham gia viết một sách trắng công bố về tranh cử của ông Donald Trump, trong đó tuyên bố Mỹ cần dùng thuế quan làm "công cụ đàm phán" để ép các nước khác chấm dứt trợ cấp xuất khẩu, dừng thao túng tiền tệ, chấm dứt sử dụng các nhà máy có chi phí thấp nhưng ô nhiễm nặng.
Điều có ý nghĩa mỉa mai là, khi ông Peter Navarro đưa ra những quan điểm này hồi 6 năm trước, Mỹ thực sự có cơ hội rất tốt để thực hiện những kế hoạch này, nhưng hiện nay thì không được.
Bởi vì, Trung Quốc đã làm những việc để tránh thách thức này, họ đã hủy bỏ trợ cấp xuất khẩu, chi vốn lớn để tăng tỷ giá đồng tiền chứ không phải là ép nó hạ xuống, đồng thời đã áp dụng các biện pháp thiết thực để khắc phục ô nhiễm không khí.
Nhưng, ông Donald Trump hầu như đều không quan tâm đến những vấn đề này. Ông xem tất cả mọi thứ bao gồm các trao đổi tự nguyện như thương mại là "trò chơi tổng bằng không". Những nước xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu chính là người chiến thắng, còn lại là người thua.
Vì vậy, ông cho rằng bản thân thâm hụt thương mại đã đủ chứng minh phải áp dụng hành động. Đã có tin cho rằng ông có thể tiến hành đánh thuế thêm 10% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu.
Đừng cho rằng ông Donald Trump chưa từng tiến hành cảnh cáo. Thực ra ông đã tiến hành cảnh cáo rất nhiều lần.
Ngoài ra, theo tờ Nikkei Shimbun Nhật Bản ngày 23/12, chính sách thương mại của chính quyền mới Donald Trump sẽ được thúc đẩy dưới sự chỉ đạo của Tổng thống. Ông Donald Trump ngày 21/12 tuyên bố thiết lập Ủy ban Thương mại Quốc gia để tập trung quản lý chính sách thương mại, đề cử học giả Navarro, người phê phán mạnh mẽ Trung Quốc, làm lãnh đạo.
Trong tranh cử, ông Donald Trump cam kết muốn tăng mạnh việc làm cho người Mỹ, qua đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Để thay đổi thành quả cụ thể trên các phương diện như mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, ông Donald Trump dự định bày binh bố trận lại về chính sách thương mại.
"Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, chúng ta đã mất đi 70.000 cơ sở sản xuất" - ông Donald Trump nhấn mạnh nhiều lần trên khắp nước Mỹ.
Khi tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần khẳng định sẽ "tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá hối đoái, đánh thuế 45% đối với hàng hóa Trung Quốc". Những vấn đề này đều có sự tư vấn của ông Peter Navarro. Ông Donald Trump cho biết "có cảm xúc sâu sắc sau khi đọc sách của ông Navarro".
Rõ ràng chính sách thương mại của chính quyền mới Donald Trump hầu như sẽ mang đậm màu sắc "chống Trung Quốc".