Ông Trump có bị tuyên án, bỏ tù sau khi trở thành Tổng thống đắc cử hay không?

Ông Donald Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ, trong khi vẫn là một tội phạm bị kết án đang chờ tuyên án trong vụ án tiền bịt miệng ở New York và vẫn đang cố gắng ngăn chặn việc truy tố trong các vụ án khác.
Một số vụ kiện tụng nhằm vào ông Donald Trump có thể sẽ bị hủy sau khi ông đắc cử Tổng thống (Ảnh: Getty)

Đây được xem là một trong những điều độc lạ nhất ở nước Mỹ: Chưa bao giờ một bị cáo hình sự nào được bầu vào chức vụ cao nhất của đất nước, cũng như trong lịch sử Mỹ chưa từng có một cựu Tổng thống nào bị buộc tội hình sự như ông Donald Trump.

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ sa thải công tố viên đặc biệt Jack Smith và chấm dứt các vụ kiện liên bang chống lại ông vì cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử Tổng thống năm 2020 và xử lý sai tài liệu mật.

Bắt đầu từ hôm 6/11, ông Smith đã bắt đầu tích cực đàm phán với lãnh đạo Bộ Tư pháp về cách chấm dứt các vụ kiện liên bang chống lại ông Trump, một quan chức quen thuộc với các cuộc thảo luận cho hay.

Trong khi đó, một thẩm phán ở New York dự kiến ​​​​sẽ tuyên án ông Trump vào cuối tháng này sau khi trì hoãn đưa ra hình phạt trước Ngày bầu cử để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc đua vào Nhà Trắng – mặc dù các luật sư của ông Trump chắc chắn sẽ yêu cầu thẩm phán hoãn tuyên án vì giờ ông Trump đã là Tổng thống đắc cử.

Trump quyết không nhận tội đối với mọi cáo trạng. Dưới đây là những điều cần biết về 4 vụ án hình sự mà ông có liên quan.

Donald Trump tại tòa án hình sự Manhattan ở New York ngày 30/5 (Ảnh: Bloomberg)

Bị kết án với 34 tội danh ở New York

Trump dự kiến ​​​​sẽ xuất hiện tại phòng xử án ở New York vào ngày 26/11 để nghe tuyên án cho bản án hồi đầu năm nay. Ông bị kết án với 34 tội danh làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để che đậy khoản thanh toán tiền bịt miệng ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Liệu buổi tuyên án này có được tổ chức như dự kiến hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Đội ngũ pháp lý của ông Trump sẽ cố gắng đảm bảo việc tuyên án không xảy ra. Theo một nguồn tin quen thuộc với đội ngũ này, trước đây họ tập trung vào việc trì hoãn các thủ tục tố tụng trong vụ án, nhưng giờ đây họ sẽ cố gắng hủy bỏ hoàn toàn vụ án.

Trong những ngày tới, các luật sư của ông Trump dự kiến ​​sẽ đệ đơn, trong đó lập luận rằng với tư cách là Tổng thống đắc cử, ông có quyền được hưởng các biện pháp bảo vệ theo Hiến pháp giống như một Tổng thống đương nhiệm, và cần được bảo vệ khỏi mọi hành động của các công tố viên tiểu bang.

Việc nộp đơn dự kiến sẽ được thực hiện ​​​​trước hạn chót do Thẩm phán Juan Mercan tự đặt ra là ngày 12/11 để quyết định xem có nên xóa bỏ bản án của ông Trump hay không. Trước đó, Tòa án Tối cao trong tháng 7 năm nay đã cấp cho ông Trump một số quyền miễn trừ. Nếu thẩm phán Mercan quyết định xóa bỏ bản án, cáo buộc sẽ bị bác bỏ và ông Trump sẽ không phải nghe tuyên án nữa.

Nhưng nếu thẩm phán quyết định giữ nguyên bản án, các luật sư của ông Trump ​​sẽ yêu cầu ông Mercan trì hoãn việc tuyên án Trump để họ có thể kháng cáo. Và nếu điều đó không được chấp nhận, các luật sư của ông sẽ kháng cáo quyết lên các tòa phúc thẩm cấp tiểu bang và có thể lên tới Tòa án Tối cao để yêu cầu các tòa án trì hoãn việc tuyên án cho ông Trump cho đến khi hết kháng cáo, việc này có thể mất vài tháng.

Nếu thẩm phán Mercan vẫn quyết tâm với việc tuyên án, ông Trump có thể phải chịu mức án tối đa 4 năm tù, nhưng thẩm phán không nhất thiết phải bắt Tổng thống đắc cử ngồi tù mà có thể áp dụng mức án nhẹ hơn, chẳng hạn như quản chế, phạt giam tại nhà, phục vụ cộng đồng hoặc phạt tiền.

Tất nhiên, bất kỳ bản án nào cũng sẽ trở nên phức tạp bởi thực tế là ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Các luật sư của ông Trump có thể sẽ đưa ra các kháng cáo của họ, viện dẫn các điều khoản trong Hiến pháp, và đặt ra câu hỏi rằng liệu thẩm phán bang có thể kết án một Tổng thống đắc cử hay không. Vụ việc như vậy có thể kéo dài trong nhiều năm.

Do đây là vụ án cấp tiểu bang nên ông Trump không có quyền ân xá cho chính mình vào năm tới, sau khi ông tuyên thệ nhậm chức.

Các tài liệu mật được tìm thấy trong nhà của ông Trump ở Florida (Ảnh: Independent)

Các vụ án liên bang ở Washington, DC và Florida

Việc ông Trump đắc cử chắc chắn sẽ có tác động lớn nhất đến 2 vụ án hình sự liên bang do công tố viên đặc biệt Jack Smith khởi kiện ở Washington, DC và Florida.

Kể từ khi các vụ án này được đưa ra vào năm 2023, chiến lược pháp lý của ông Trump là trì hoãn các phiên tòa cho đến sau cuộc bầu cử để nếu đắc cử, ông có thể sa thải ông Smith, và như vậy 2 vụ án sẽ kết thúc. Vào cuối tháng 10, ông Trump cho biết ông sẽ sa thải ông Smith mà không hề do dự.

“Ồ, thật dễ dàng. Thật dễ dàng”, ông Trump nói khi được người dẫn chương trình phát Hugh Hewitt hỏi liệu ông sẽ “tha thứ cho bản thân” hay “sa thải Jack Smith” nếu tái đắc cử. “Tôi sẽ sa thải anh ta trong vòng hai giây”, ông Trump trả lời không dứt khoát.

Các cuộc thảo luận giữa ông Smith và lãnh đạo của Bộ Tư pháp dự kiến ​​​​sẽ kéo dài vài ngày.

Các quan chức Bộ Tư pháp đang xem xét cách để kết thúc 2 vụ án hình sự này sao cho vẫn tuân thủ biên bản ghi nhớ năm 2020 từ Văn phòng Cố vấn Pháp lý của bộ về các cáo trạng hoặc truy tố các Tổng thống đương nhiệm.

Nhiều người thân với văn phòng công tố viên đặc biệt hoặc các quan chức hàng đầu khác của Bộ Tư pháp nói với kênh CNN rằng, họ tin rằng ông Smith không muốn đóng cửa văn phòng trước khi bị ông Trump sa thải.

Theo luật liên bang, ông Smith phải cung cấp một bản báo cáo mật về công việc tại văn phòng của mình cho Bộ trưởng Tư pháp trước khi ông rời nhiệm sở.

Trong vụ kiện ở DC, ông Smith buộc tội ông Trump cố gắng đảo ngược kết quả trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Vụ việc bị đình trệ trong nhiều tháng khi ông Trump ép các tòa án liên bang cấp cho ông quyền miễn trừ Tổng thống và vào tháng 7, Tòa án Tối cao cũng đã đưa ra phán quyết lịch sử khi cấp cho ông một số quyền miễn trừ khỏi bị truy tố hình sự.

Thẩm phán liên bang giám sát phiên tòa sau đó đã phán rằng, nhiều hành vi của ông Trump trong trung tâm của vụ án được bảo vệ bởi quyền miễn trừ này. Bởi vậy, trong tháng trước, các công tố viên đã lập luận rằng, do quyền miễn trừ, phán quyết của tòa án hiện chưa rõ sẽ tác động ra sao đến vụ án.

Trong vụ án ở Florida, ông Smith cáo buộc ông Trump lấy các tài liệu mật từ Nhà Trắng một cách bất hợp pháp và chống lại nỗ lực lấy lại tài liệu của chính phủ. Vụ án này đã bị Thẩm phán Aileen Cannon, một đồng minh của ông Trump, huỷ bỏ vào tháng 7 với lý do việc Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm ông Smith là vi hiến. Tuy nhiên, các công tố viên đã kháng cáo phán quyết của bà.

Đoàn xe của ông Trump đến nhà tù Hạt Fulton ở Atlanta, Georgia vào ngày 24/8/2023 (Ảnh: CNN)

Vụ kiện ở Georgia

Kết quả vụ án hình sự của ông Trump ở bang Georgia sẽ phụ thuộc vào việc liệu Công tố viên Hạt Fulton Fani Willis, một đảng viên Dân chủ, có bị loại khỏi vụ việc này sau khi bị phát hiện có mối quan hệ tình cảm với một công tố viên đồng nghiệp hay không. Nhưng kể cả khi bà được phép tiếp tục truy tố ông Trump, vụ việc gần như chắc chắn sẽ trở nên nguy hiểm khi ông vừa đã đắc cử.

Trong vụ kiện này, công tố viên cáo buộc ông Trump cố gắng lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế , vụ án đang được tạm dừng trong khi tòa phúc thẩm quyết định xem có loại bà Willis hay không, và quyết định cuối cùng phải chờ đến năm sau mới được đưa ra.

Nếu bà Willis bị loại bỏ, khó có khả năng một công tố viên khác lại muốn tiếp nhận vụ kiện, bởi vậy khả năng cao sẽ bị huỷ.

Các nguồn tin quen thuộc với vụ án cho biết, khó có khả năng thẩm phán cấp tiểu bang sẽ tiếp tục các thủ tục tố tụng khi ông Trump trở thành Tổng thống. Thêm nữa,trong kịch bản đó, các luật sư của ông Trump chắc chắn sẽ có động thái để ép hủy vụ kiện.

Không có cơ sở để trả lời rõ ràng về việc: liệu một công tố viên cấp bang, như bà Willis, có thể truy tố một Tổng thống đương nhiệm hay không. Chiến thắng của ông Trump giờ đây khiến công tố viên Willis phải đối mặt với câu hỏi hiến pháp như trên. Nhìn chung, rất có khả năng vụ kiện ở Georgia sẽ phải bị huỷ, bởi các vấn đề pháp lý xung quanh nó quá rắc rối.

Các vụ kiện dân sự

Ngoài các vụ kiện hình sự, ông Trump cũng dính líu đến hàng loạt vụ kiện dân sự, bao gồm cả những vụ liên quan đến vai trò của ông trong vụ tấn công vào Đồi Capitol ngày 6/1/2021, hai vụ phỉ báng và một vụ gian lận dân sự do tổng chưởng lý New York đưa ra đòi ông Trump bồi thường gần 454 triệu USD.

Vào tháng 9 vừa qua, các tòa phúc thẩm tiểu bang và liên bang ở New York đã nghe các phần tranh luận kháng cáo của ông Trump.

Ông Trump đã bị xử thua trong hai vụ kiện phỉ báng cựu nhà báo E. Jean Carroll vào năm 2023 và 2024 tại tòa án liên bang sau khi bồi thẩm đoàn nhận thấy ông phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng tình dục và sau đó phỉ báng bà. Hai bồi thẩm đoàn lần lượt bắt ông Trump phải bồi thường cho Carroll 5 triệu USD và 83 triệu USD.

Trong tháng 9, một tòa phúc thẩm liên bang sau đó đã nhận đơn kháng cáo của ông Trump đối với vụ đầu tiên. Hiện tòa vẫn chưa đưa ra phán quyết.

Cuối tháng đó, một tòa phúc thẩm cấp bang đã xử lý đơn kháng cáo của ông Trump nhằm hủy phán quyết bắt ông bồi thường 454 triệu USD.

Tòa phúc thẩm gồm 5 thẩm phán đều tỏ ý sẵn sàng giảm mức phạt đối với ông Trump xuống mức tối thiểu, mặc dù tòa vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức.

Ông Trump cũng đang phải đối mặt với một số vụ kiện dân sự do các nhà lập pháp đảng Dân chủ và những người khác đưa ra, liên quan tới vai trò của ông trong vụ tấn công Đồi Capitol.

Có thể tất cả những vụ kiện này vẫn sẽ tiếp tục ngay cả khi ông Trump phục vụ nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.

Điều này là bởi, trong phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1997 xuất phát từ một vụ kiện dân sự nhằm vào Tổng thống lúc bấy giờ là Bill Clinton, các thẩm phán đã nhất trí rằng các Tổng thống đương nhiệm không thể viện dẫn quyền miễn trừ của họ để tránh các vụ kiện dân sự khi còn đương chức.