|
Hai cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger và Madeleine Albright vừa bị ông Trump sa thải khỏi Ban chính sách Quốc phòng (Ảnh: Dongfang). |
Theo bản tin của CNN ngày 26/11, một số thành viên rất nổi tiếng của cơ quan cố vấn Defense Policy Board (Ban Chính sách Quốc phòng) đã bị chính quyền của Tổng thống Trump bãi chức. Đây được coi là một cuộc "thanh lọc" của chính quyền Trump đối với những chuyên gia chính sách đối ngoại lâu năm và những người thuộc cơ quan an ninh quốc gia.
CNN dẫn lời ba quan chức cho biết, các thành viên bất ngờ bị bãi chức bao gồm các cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và Henry Kissinger, cựu thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện Jane Harman và cựu thủ lĩnh phe đa số Hạ viện Eric Cantor.
Theo một nguồn tin khác, các thành viên khác bị loại bỏ còn có ông Gary Roughead, cựu tư lệnh Hải quân Mỹ và Rudy De Leon, cựu cố vấn kỹ thuật chính của Lầu Năm Góc.
|
Ông Kissinger gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong chuyến thăm bí mật Trung Quốc lần đầu tháng 7/1971 (Ảnh: VCG). |
CNN đề cập rằng động thái này đã khơi dậy tinh thần cảnh giác của các quan chức quân sự và dân sự Mỹ. Họ bày tỏ lo ngại về những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Điều đáng nói là ông Kissinger hôm 15 tháng 11 đã phát biểu về quan hệ Trung - Mỹ tại lễ khai mạc Bloomberg New Economy Forum (Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg), nói rằng phương thức đàm phán của ông Trump là mang tính đối đầu, nhưng “không thể áp dụng một cách vô thời hạn". Kissinger khuyến nghị chính quyền sắp tới của ông Joe Biden cần nhanh chóng hành động để khôi phục các kênh liên lạc Trung-Mỹ đang rạn nứt dưới thời chính quyền Donald Trump, nếu không sẽ có thể xảy ra nguy cơ xung đột quân sự.
Ông Kissinger thừa nhận giữa Trung Quốc và Mỹ có sự khác biệt về vấn đề nhân quyền, nhưng điều quan trọng là cả hai bên phải hiểu rõ các vấn đề nhạy cảm của nhau. Không nhất thiết phải giải quyết vấn đề nhưng phải giảm bớt chúng. Hai nước Trung Quốc và Mỹ có lịch sử khác nhau, vì vậy hai bên phải hiểu quan điểm cơ bản của nhau, hiểu các nguyên tắc cơ bản và định nghĩa của nhau về lợi ích quốc gia, để đối thoại có thể diễn ra thuận lợi.
|
Ông Trump và Kissinger bất đồng trong chính sách với Trung Quốc. Trong ảnh, ông Trump tiếp Kissinger tại Nhà Trắng ngày 10/10/2017 (Ảnh: Reuters). |
Trước đó, ông Trump đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vào ngày 9/11. Sau đó, Lầu Năm Góc đã thực hiện một cuộc điều chỉnh quy mô lớn đối với ban lãnh đạo và bãi chức một số quan chức cấp cao, thay thế họ bằng những người được coi là trung thành với ông Trump.
Theo trang web của Defense Policy Board, cơ quan này là một nhóm cố vấn bên ngoài bao gồm các cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao. Họ căn cứ các nhiệm vụ cụ thể của Bộ trưởng Quốc phòng và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ để đưa ra các kiến nghị và ý kiến “độc lập và sáng suốt” về các vấn đề chính sách quốc phòng của Mỹ.
|
Kissinger tháp tùng Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc lần đầu tháng 2/1972 (Ảnh: VCG). |
Các quan chức thạo tin chỉ ra rằng, sau một thời gian dài cân nhắc chính phủ đã quyết định loại bỏ một số thành viên của nhóm cố vấn, danh sách các thành viên mới được bổ nhiệm sẽ sớm được công bố. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller hôm thứ Năm 26/11 đã bày tỏ cảm ơn các thành viên vừa nghỉ và sẽ công bố danh sách các thành viên mới trong vài ngày tới.
Trong quá khứ, ông Henry Kissinger kể từ năm 1971 đã làm rất nhiều cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, được Bắc Kinh hoan nghênh, coi là “người bạn lớn thân thiết” và mời sang thăm Trung Quốc hơn 80 lần.
|
Trung Quốc đã đón ông Kissinger sang thăm hơn 80 lần. Trong ảnh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Kissinger tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 8/11/2018 (Ảnh: Reuters). |
Trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 26/11 nhận xét, việc ông Kissinger và một số quan chức lão thành bị “đá văng” là một “trận động đất ở Ban Chính sách Quốc phòng” – một cơ quan tư vấn quan trọng.