Cụ thể, theo công bố của Vụ đối tác công - tư (Bộ Giao thông Vận tải), thì liên danh đầu tư của dự án BOT có quy mô hơn 12 nghìn tỷ đồng này, gồm 5 cái tên: Công ty cổ phần đầu tư UDIC, Công ty CP Đầu tư 468, Công ty CP GTXD số 1, Công ty TNHH Mỹ Đà, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành.
Trong đó, Công ty cổ phần đầu tư UDIC giữ cổ phần lớn nhất – với 491,72 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 38%; Thứ đến là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (349,38 tỷ đồng – 27%); Công ty CP Đầu tư 468 (194,10 tỷ đồng – 15%); Công ty CP GTXD số 1 (129,40 tỷ đồng – 10%); Công ty TNHH Mỹ Đà (129,40 tỷ đồng – 10%).
Về Công ty cổ phần đầu tư UDIC (sau đây gọi tắc là UDIC Invest), doanh nghiệp này được sáng lập vào đầu năm 2010 bởi ông Nguyễn Văn Dương cùng 3 cổ đông tổ chức, là: PVcomBank; Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC; CTCP Thương mại Việt Hồng.
Tuy mang thương hiệu UDIC, tuy nhiên, cập nhật đến năm 2016, UDIC Invest lại được sở hữu tới 99,29% bởi cổ đông thể nhân duy nhất của mình. Theo đăng ký kinh doanh, 524.625.220.000 đồng/ 528.373.020.000 đồng vốn điều lệ UDIC Invest đứng tên Nguyễn Văn Dương.
Đáng nói, con số vốn góp nửa nghìn tỷ đồng ấy có thể chỉ là một… con số.
Nó không đồng nghĩa với vốn thực góp mà doanh nhân này đã bỏ vào công ty. Bởi lẽ, mãi đến đầu tháng 4/2017, UDIC Invest và 4 cái tên còn lại trong liên danh (Công ty CP Đầu tư 468, Công ty CP GTXD số 1, Công ty TNHH Mỹ Đà, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành) vẫn không thu xếp được nguồn để nộp đủ số vốn chủ sở hữu – khoảng 1.200 tỷ đồng – cho doanh nghiệp dự án.
“Đến đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư vẫn chưa có đảm bảo thực hiện hợp đồng dự án, chưa nộp đủ vốn chủ sở hữu với số tiền còn thiếu khoảng hơn 700 tỷ đồng và chưa ký được hợp đồng tín dụng cho dự án”, đại diện Vụ đối tác công - tư (Bộ Giao thông Vận tải) dẫn lời trên báo chí.
Cũng theo vị đại diện này, thì trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Văn bản 15292 ngày 21/12/2016 và Văn bản 602 ngày 17/1/2017 gửi nhà đầu tư thông báo về việc vi phạm hợp đồng dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn không có chuyển biến và không đáp ứng được yêu cầu trong việc thực hiện quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng, góp vốn chủ sở hữu và huy động vốn tín dụng.
“Trên cơ sở đó, ngày 15/3/2017, Bộ GTVT đã ban hành Văn bản 2643 thông báo về việc dự kiến chấm dứt hợp đồng dự án”, tờ Giao thông tường thuật trong một bài viết vào tháng 5/2017.
“Thay ruột” cho UDIC Invest
Phát biểu trong cuộc họp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan về tình hình tiến độ triển khai dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn vào tháng 5/2017, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khi ấy - là ông Trương Quang Nghĩa – đánh giá, việc chấm dứt hợp đồng dự án sẽ phát sinh các vướng mắc như kéo dài tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH các địa phương nơi dự án đi qua và ảnh hưởng tới các nhà thầu thi công khi đã ứng vốn trước để thực hiện dự án…
Do đó, thay vì hủy hợp đồng để rồi tìm kiểm một nhà đầu tư hoàn toàn mới, một giải pháp khả dĩ hơn đã đươc tính đến. (Dù rằng đã có không ít nhà đầu tư từng bày tỏ ý định được thế chân vào dự án, như Geleximco chẳng hạn).
Giải pháp khả dĩ đó là tăng cường năng lực tài chính của liên danh nhà đầu tư bằng cách bổ sung cổ đông chiến lược cho Công ty CP Đầu tư UDIC - thành viên đứng đầu liên danh (và do ông Nguyễn Văn Dương chi phối 99,29%).
Hay nói một cách dễ hình dung hơn, là “thay ruột” cho UDIC Invest.
Các cổ đông chiến lược được đề xuất – hay “ruột mới” – cho UDIC Invest là: Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch, Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn, Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân.
Tuy hình thức là 4 pháp nhân riêng biệt, nhưng theo tìm hiểu của VietTimes, 4 cổ đông chiến lược được đề xuất cho UDIC Invest đều là thuộc một nhóm. Cụ thể là trong hệ sinh thái của Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn (SBRC), do ông Võ Thụy Linh (SN: 1971) làm Chủ tịch.
Thực tế, giải pháp “thay ruột” UDIC Invest đã sớm được thực thi.
Chưa rõ tỷ lệ sở hữu cụ thể của từng cổ đông chiến lược tại UDIC Invest ra sao; Cũng như chưa rõ sau sự xuất hiện của các cổ đông chiến lược, ông Nguyễn Văn Dương có còn nắm giữ phần sở hữu nào đối với UDIC Invest hay không.
Tuy nhiên, SBRC hiện đã ghi nhận UDIC Invest là một trong 6 công ty thành viên – bên cạnh: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Thạch; Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO); Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng ICV Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại Trung Hải; Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Hoàng Long.
Theo giới thiệu của SBRC thì tập đoàn này hiện đang sở hữu 51% trên tổng số vốn điều lệ 781,731 tỷ đồng của UDIC Invest.
Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 10/07/2017 của UDIC Invest ghi nhận, ông Nguyễn Hữu Dũng (SN 1975) đã chính thức thay thế ông Trần Văn Thế (SN: 1982) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện trước pháp luật của công ty. Được biết, cả ông Dũng và ông Thế đều là những nhân sự cấp cao của SBRC.
Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 05/07/2016 của Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án của dự án BOT: Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Tp.Lạng Sơn đoạn km45+100-Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Ql1 đoạn Km1+800-Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn) ghi nhận vốn điều lệ của doanh nghiệp là 1.293.836.000.000 đồng.
Trong đó, UDIC Invest và CTCP Đầu tư 468 là hai cổ đông lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu dành cho mỗi bên là 38%.
Thứ đến, CTCP Giao thông xây dựng số 1 (đăng ký tại tỉnh Hà Giang) và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà (đăng ký tại Hà Nam), mỗi bên sở hữu 9,5%.
Như vậy, thành phần liên danh đã có nhiều thay đổi so với đăng ký ban đầu. Bên cạnh sự điều chỉnh về cơ cấu sở hữu, thì sự rút lui của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng là một điểm đáng chú ý.
Chưa rõ, sau khi UDIC Invest được “thay ruột” thì cơ cấu và thành phần liên danh đầu tư BOT Bắc Giang – Lạng Sơn có tiếp tục được điều chỉnh hay không./.