Ông Mahathir Mohamad yêu cầu ngừng nhiều dự án lớn liên quan đến Trung Quốc

VietTimes-- Ngày 28/5 vừa qua, ông Mahathir Mohamad, Thủ tướng vừa đắc cử của Malaysia đã tuyên bố: chính phủ sẽ xem xét hủy bỏ dự án tuyến đường sắt cao tốc Tân Long nối Kuala Lumpur với Singapore để giảm bớt gắng nặng nợ nần cho đất nước và sẵn sàng đối thoại với phía Singapore về việc bồi thường. Trước đây, trong quá trình gọi thầu, công ty Trung Quốc đã được “nội định” trúng thầu.
Hình họa phác cảnh Tuyến đường sắt cao tốc Tân Long

Năm nay 92 tuổi, ông Mahathir Mohamad đã bất ngờ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hôm 9/5, chấm dứt mấy chục năm cầm quyền của Liên minh Barisan Nasional. Một trọng điểm trong chính sách cầm quyền của ông là giảm bớt nợ nần cho đất nước, cam kết sẽ xem xét lại một loạt dự án lớn của chính phủ tiền nhiệm vì cho rằng những dự án này giá thành quá đắt đỏ mà không mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.

Dự án đường sắt cao tốc Tân Long dài 350km được thiết kế chạy với tốc độ 300km/h, tổng đầu tư 17 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026 là hạng mục xây dựng hạ tầng có mức đầu tư lớn nhất Đông Nam Á. Hiện đang trong giai đoạn đấu thầu, có tin Singapore muốn sử dụng kỹ thuật tàu Shinkansen của Nhật, nhưng Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của họ tại Malaysia để ép dự án này trao cho nhà thầu Trung Quốc. Có tin đến nay phía Trung Quốc đã bỏ vào dự án này ít nhất 10 triệu USD; nếu dự án bị hủy bỏ thì họ sẽ mất đứt số tiền này.

Ngày 24.5.2018, Đại sứ Trung Quốc đến chào ông Mahathir Mohamad 

“Đây là quyết định cuối cùng, nhưng cần phải có một số thời gian để thực hiện vì giữa chúng ta và Singapore có một bản hợp đồng – Ông Mahathir Mohamad đã tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 28/5. Ông nói thêm, để thoát khỏi dự án này, Malaysia có thể phải bồi thường cho Singapore 125 triệu USD vì vi phạm hợp đồng. Khi được hỏi về vấn đề này, Bộ Thương mại Singapore cho biết họ chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Malaysia.

Theo quy hoạch, có tới 90% tuyến đường sắt này nằm trong lãnh thổ Malaysia, trong đó có việc xây dựng nhà ga mang tên “Bandar Malaysia” (Thành phố Malaysia). Đây là một hạng mục công trình lớn của Quỹ đầu tư Công ty đầu tư phát triển nhà đất quốc doanh Malaysia (1MDB). Quỹ này dự định bán phần lớn cổ phần của Bandar Malaysia cho một tập đoàn liên doanh Trung Quốc – Malaysia, nhưng tháng 5/2017, vụ giao dịch này bị thất bại, cho đến nay họ vẫn chưa tìm được đối tác mới.

Ông Mahathir Mohamad còn cho biết, chính phủ của ông đang liên hệ với phía Trung Quốc để đàm phán lại về dự án đường sắt Bờ biển phía Đông Malaysia. Tuyến đường sắt này sẽ nối biên giới Malaysia – Thái Lan ở phía Đông với khu vực eo biển Malacca ở phía Tây, theo kế hoạch sẽ do Trung Quốc bỏ vốn đầu tư 14 tỷ USD để xây dựng. Tuyến đường sắt này dài tổng cộng 688km, đã khởi công hôm 9/8/2017. Đây là hạng mục đang xây dựng lớn nhất của Malaysia và cũng là một công trình quan trọng trong Kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình.

Được biết tuyến đường sắt này do Trung Quốc cho vay vốn và nhà thầu Trung Quốc thi công. Trước đây, ông Mahathir Mohamad từng gọi hợp đồng của dự án này “rất kỳ quặc”, “không phải là cách thức bình thường”.

Ngoài các dự án lớn của nhà nước, một số dự án đầu tư kiểu dân gian, không chính thức của Trung Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng, trong đó có dự án Công viên rừng “Bích Quế Viên” của ông chủ Trung Quốc Dương Quốc Cường. Ông Mahathir Mohamad đã phê phán mạnh mẽ dự án này, cho rằng “Bích Quế Viên” giá quá cao, chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài mới mua được.

Có tin cho biết, nợ nước ngoài của Malaysia hiện tới 1000 tỷ Ringgit (RM), chiếm 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Để giảm bớt nợ nần, ông Mahathir Mohamad đã tuyên bố: “Sẽ thông qua hủy bỏ các dự án lớn để giảm thiểu ít nhất 200 tỷ RM nợ nần”.

Bản đồ Dự án Đường sắt bờ biển phía Đông đang bị ông Mahathir Mohamad xem xét lại 

Trước những động thái gần đây của tân Thủ tướng Mahathir Mohamad, dư luận Trung Quốc tỏ ý lo ngại những chính sách của ông sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc ở Malaysia cũng như mối quan hệ gắn bó giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur dưới thời chính phủ Najib Razak trước đây. Tại một cuộc họp báo mới đây, khi được hỏi về vấn đề này, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc đã trả lời: “Trung Quốc và Malaysia là láng giềng hữu hảo. Trung Quốc coi trọng quan hệ hữu nghị với Malaysia. Hiện nay mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Mã đang rất tốt đẹp, thành quả hợp tác cùng có lợi rất lớn, mang lại lợi ích và nhiều điều tốt đẹp cho hai quốc gia và nhân dân hai nước. Điều này đáng được hai bên coi trọng và bảo vệ. Trung Quốc tin rằng Malaysia sẽ tiếp tục giữ ổn định và phát triển quan hệ với Trung Quốc…”.