|
Bức "Trường thành Trung Quốc dài 9km bao quanh nhà máy thép của Trung Quốc cấm mọi quan chức và dân chúng Malaysia vào trong |
Hôm 23/8, khi tiếp phóng viên báo “Malaysiakini” (Malaysia ngày nay) tại Văn phòng ở thành phố Putrajaya – thủ đô hành chính của Malaysia, ông Mahathir Mohamad cho biết: trong thời gian ở thăm Trung Quốc, ông đã đề cập với lãnh đạo Trung Quốc về Khu công nghiệp Malaysia – Trung Quốc Kuantan (Malaysia – China Kuantan Industrial Park – MCKIP), yêu cầu thể hiện rõ chủ quyền của khu vực này. Thủ tướng Mahathir Mohamad nói, ông đã giải thích cho phía Trung Quốc, yêu cầu công ty quốc doanh Trung Quốc ở Malaysia tuân thủ pháp luật nước này. “Cũng giống như chúng ta khi ở Trung Quốc sẽ hết sức tuân theo pháp luật nước họ, chúng ta cũng mong người Trung Quốc ở Malaysia cũng tuân thủ pháp luật của chúng ta, phía Trung Quốc đã không nói “không” với yêu cầu của tôi” – Mahathir Mohamad nói.
|
Ông Mahathir Mohamad phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh tuyên bố Malaysia hủy bỏ 2 dự án hợp tác với Trung Quốc thuộc kế hoạch “Vành đai, con đường”
|
Cụ thể, ông đã yêu cầu công ty Trung Quốc vào Malaysia đầu tư phải tuân thủ pháp luật nước này; đặc biệt chỉ ra việc có công ty xây dựng tường bao quanh Khu công nghiệp Kuantan, ngăn cản người Malaysia ra vào và cho rằng phía Trung Quốc cần dỡ bỏ ngay bức tường bao bị dân chúng địa phương gọi là “Trường thành Trung Quốc” này.
Theo tư liệu công khai, Khu công nghiệp Malaysia – Trung Quốc Kuantan (MCKIP) nằm ở thành phố đặc khu kinh tế Kuantan trên bờ biển phía Đông, cách Kuala Lumpur 260km. MCKIP là khu công nghiệp cấp 1 quốc gia, cũng là dự án hợp tác rất sớm của hai nước, được mở cửa vào ngày 5/2/2013 với sự có mặt của các quan chức lãnh đạo hai nước; vào MCKIP sớm nhất là 2 công ty thép có sản lượng 3,5 triệu tấn/năm. Một nguồn tin cho biết, Tập đoàn cảng quốc tế Vịnh Bắc Bộ, Quảng Tây nắm giữ 49% cổ phần, còn Công ty hữu hạn Kuantan Pahang Holding Sdn. BHD nắm 51%.
|
Các quan chức hai bên chụp ảnh chung khi mở cửa MCKIP năm 2013
|
MCKIP được chia thành 3 giai đoạn, hiện đang trong giai đoạn đầu, tức đang xây dựng. Các công ty Trung Quốc trong quá trình xây dựng đã cho xây dựng một bức tường vây dài 9km, không chỉ cấm công nhân Trung Quốc đang thi công trong này ra ngoài, mà còn cấm các quan chức, các nghị sỹ và dân chúng Malaysia vào bên trong; chỉ những công nhân người Malaysia làm thuê, có Thẻ công vụ mới được bước qua cánh cổng của nó. Vì vậy, dân chúng địa phương bức xúc gọi nó là “Trường thành Trung Quốc bên trong lãnh thổ Malaysia”, cũng có người gọi nó là “Tiểu Trung Quốc thành” (Little Chinatown). Có ý kiến cho rằng, đây chính là ý ông Mahathir Mohamad nhằm tới khi nói: “Không thể tái xuất hiện quan hệ kiểu thực dân mới” với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Mahathir Mohamad nói với phóng viên, khi ở thăm Bắc Kinh, ông đã nói rõ với phía Trung Quốc về điều này, mong phía Trung Quốc dỡ bỏ bức tường trên. Ông cũng nêu rõ: khu công nghiệp không phải là lãnh thổ của Trung Quốc ở nước ngoài, phía Trung Quốc cần tuân thủ pháp luật nước sở tại.
|
Quan chức chính phủ hai nước bên sa bàn MCKIP
|
Cũng theo Đông Phương ngày 28/8, ông Lưu Hoa Tài, Phó chủ tịch Đảng Dân chính Malaysia (Malaysian People's Movement Party) cho rằng, việc chính phủ Malaysia quyết định hủy bỏ hai dự án lớn về xây dựng Tuyến đường sắt bờ biển phía Đông và 2 tuyến đường ống dẫn khí đã khiến người Trung Quốc phật lòng. Nay những lời lẽ này của ông Mahathir Mohamad có thể khiến Trung Quốc bất bình. Ông cho rằng, phía Trung Quốc xây dựng bức tường bao khu công nghiệp là để giữ gìn trị an, cách làm này chẳng có vấn đề gì, các khu công nghiệp ở các nơi khác trên thế giới cũng đều làm như thế. Ông nói, Thủ tướng Mahathir Mohamad đưa ra yêu cầu dỡ bỏ bức tường với Bắc Kinh chỉ là thể hiện rõ chủ quyền của Malaysia đối với MCKIP mà thôi. Ông cho rằng, khu công nghiệp xây dựng một bức tường bao không có nghĩa là Malaysia mất chủ quyền với khu đất này.
Trên mạng xã hội Trung Quốc hiện xuất hiện hai luồng ý kiến. Loại thứ nhất phê phán “tật xấu nghiện xây tường bao”, đến nước khác cũng xây, tạo thành “nước trong nước”; có người bình luận: “khi một quốc gia đến lập ra một vùng đất ngoài vòng pháp luật ở quốc gia khác, nói dễ nghe thì đó là chủ nghĩa thực dân, nói khó nghe hơn thì đó là xâm lược”. Loại thứ hai cho rằng việc xây tường chỉ là để đề phòng nạn trộm cắp mà thôi.
|
Phối cảnh tổng thể MCKIP
|
Trước ý kiến gay gắt của ông Mahathir Mohamad, đại diện Công ty hữu hạn công trình Đông Di Bảo, đơn vị có liên quan đến việc xây dựng đã nói, cái gọi là “Trường thành” thực ra chỉ là tường vây nhà máy thép trong MCKIP chứ không phải bao trọn cả khu công nghiệp này.