|
Ông Donald Trump đã gây ra một cơn động đất chính trị và cả thế giới đang chờ đợi những bước đi sắp tới của tân tổng thống Mỹ |
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Trump không hề nói rõ về các chính sách mà ông sẽ thi hành, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao. Tỷ phú New York quả là đã hứa sẽ tái lập sự hùng mạnh cho Mỹ, nhưng điều này có nghĩa là phục hồi thịnh vượng cho dân Mỹ, chứ không phải theo hướng để cho cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này can dự ra bên ngoài. Nói cách khác, dưới triều đại ông Trump làm tổng thống nước Mỹ có thể sẽ thu mình lại, đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập.
Trong thời gian tranh cử, một người chưa hề có kinh nghiệm về ngoại giao hay quân sự như ông Trump, đã đưa ra một số ý tưởng chủ đạo giúp người ta có thể hình dung phần nào về chính sách đối ngoại của tân tổng thống Mỹ.
Đối với châu Âu, ông Donald Trump, vốn ủng hộ Brexit, vẫn cho rằng Liên hiệp châu Âu nên tự lo lấy thân và nhất là tự tài trợ cho phòng thủ của họ, hơn là cứ núp mãi dưới cây dù Mỹ. Nói cách khác, theo ông, khối NATO chỉ có thể vận hành được và Mỹ có thể ứng cứu một đồng minh bị tấn công, nếu các quốc gia châu Âu tăng ngân sách quốc phòng.
Mặt khác, ông Trump vẫn chỉ trích chính sách can thiệp ra bên ngoài của Mỹ, cũng như không chấp nhận các chiến dịch quân sự do chính quyền George W. Bush tung ra. Nhưng ông cũng đã tỏ ý muốn gia tăng lực lượng quân đội Mỹ và thề sẽ «hạ nốc ao» quân thánh chiến Hồi giáo. Có điều tân tổng thốngMỹ không nói rõ ông sẽ làm bằng cách nào.
Ông Trump cũng đã nhiều lần ca ngợi tổng thống Putin là «một lãnh đạo xuất sắc hơn ông Obama», nhưng chưa ai rõ là nước Mỹ với tân tổng thống Donald Trump sẽ có quan hệ ra sao với nước Nga. Nhưng có lẽ là ông sẽ không dễ dàng bán rẻ các lợi ích của Mỹ ở châu Âu, cho dù sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Matxcơva.
Đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, ông Trump cũng đã từng yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc hãy tự bảo vệ lấy mình, nếu cần sẽ cho các nước này được trang bị vũ khí hạt nhân hơn là dựa vào sự che chở của Mỹ. Nhưng ông cũng không cho biết sẽ có chính sách như thế nào để ngăn chận tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố muốn rút ra khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Chưa biết là tân tổng thống Mỹ có thực hiện tuyên bố này hay không.
Ông Trump cũng tuyên bố chủ trương bác bỏ toàn cầu hóa và các hiệp định thương mại quốc tế, mà ông cho là đã góp phần làm mất việc làm của dân Mỹ. Ông Trump cũng đã tỏ ý muốn tái lập các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng đồng thời ông cũng bác bỏ Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với các nước châu Á. Triển vọng của TPP mà ông Obama rất tâm huyết giờ đây chưa rõ sẽ ra sao.
Đối với tranh chấp Biển Đông, ông Trump cũng chưa nói rõ lập trường của mình, trong khi đây là một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Mỹ-Trung.
Thể chế chính trị Mỹ trao cho tổng thống nhiều quyền hành động trong chính sách ngoại giao, ông Trump sẽ rảnh tay thực hiện đường lối ngoại giao của ông theo hướng chủ nghĩa biệt lập. Người ta có thể hy vọng rằng giống như trường hợp của Ronald Reagan trước đây, tổng thống Trump một khi bước vào Nhà trắng ngày 20/1/2017, đối diện với những thực tế và trên cương vị nguyên thủ siêu cường số một thế giới, ông sẽ có quan điểm thực tế hơn. Điều này còn tùy thuộc còn thành phần êkíp làm việc mà tân tổng thống Donald Trump sẽ lựa chọn.