Ông đồ già lặng lẽ nơi phố thị

VietTimes -- Với ông Dần, nghiệp vẽ không phải để kiếm tiền mà đó là một niềm đam mê, một mối duyên ngầm sẵn có trong máu ông để rồi khi được thỏa sức vẫy vùng nó đã tạo nên những bức tranh sống động trên nền giấy dó.
Ông đồ già Nguyễn Bá Dần năm nay đã 80 tuổi. Ảnh: Tú Uyên.
Ông đồ già Nguyễn Bá Dần năm nay đã 80 tuổi. Ảnh: Tú Uyên.

Từ anh thợ nề tới… ông đồ

Đã bao năm nay, hầu như ngày nào trong ngôi nhà di sản ở phố Mã Mây, Hà Nội người ta cũng thấy hình ảnh một ông đồ già, râu tóc đã bạc phơ bày khiên mực, giấy dó để vẽ những bức tranh thủy mặc và viết thư pháp.

Ông lão lặng lẽ đó là Nguyễn Bá Dần (1940), mọi người vẫn thường gọi ông là ông đồ Dần. Vừa thoăn thoắt lướt ngọn bút lông trên nền giấy ông Dần vừa kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đã đưa ông đến với cái nghiệp “muôn năm cũ”.

Vốn là người gốc Hà Nội, sinh ra ở Phúc Xá, sau đó chuyển về sinh sống ở Hàng Chiếu và cách đây vài chục năm ông Dần lại cùng gia đình về sống ở ngõ chợ Phố Khâm Thiên. Sau khi học hết phổ thông, ông Dần theo mấy người hàng xóm đi làm thợ nề để kiếm sống.

Làm được 3 năm, ông Dần bị mắc bệnh nan y, chạy chữa ở nhiều chỗ nhưng không khỏi. May mắn nhờ có người mách bảo tới nhà ông thầy lang tên Trần Hữu Quảng nổi tiếng về đông y. Ông Dần theo sự mách bảo tìm tới và chỉ sau 3 thang thuốc, bệnh đã dứt hẳn.

Điều đặc biệt là thầy thuốc Quảng rất quý mến ông Dần và đã nhận ông làm “đệ tử” chân truyền cho tất thảy những tuyệt học về nghề thuốc của ông. Để học được về thuốc đông y, ông Dần bắt buộc phải học chữ Hán để đọc được các vị thuốc cũng như các sách vở, tư liệu chuyên biệt.

Sau hơn 3 năm cần mẫn, ông Dần cũng đã đủ vững và tự mở cho mình một cửa hiệu lá xông bán kèm theo các bài thuốc chữa bệnh. Trong quãng thời gian này, ông Dần bắt đầu nghiên cứu tìm tòi về chữ Hán, sau khi nhờ một vài người bạn dạy thêm chữ nghĩa cho mình, ông tự mua từ điển về học và bắt đầu học sang nghệ thuật của chữ mà đặc biệt là nghệ thuật thư pháp và vẽ tranh.

Kể từ đó, hằng ngày ông đều say mê viết chữ thư pháp trên nền giấy dó, lại sẵn có chất họa sĩ, những bức tranh thủy mặc do ông vẽ ra ai nấy cũng đều hết lời khen ngợi. Đến khoảng năm 1988, ông Dần bỏ hẳn nghề thuốc và quay ra chuyên viết thư pháp và sớ cho mọi người vào những dịp lễ tết.

“Thời đó, viết sớ hầu hết những ông thầy đồ đều viết bằng bút bi, riêng tôi sử dụng bút lông nên người ta thích hơn. Bởi vậy mà cả ngày viết không kịp, có hôm mỏi tay quá phải đóng cửa nghỉ”, ông Dần thật thà tâm sự.

Những người đến viết sớ thấy căn phòng của ông Dần treo đầy chữ thư pháp và tranh thủy mặc, tranh làng quê có hồn nên đã truyền tai nhau. Dần dà nhiều người tìm đến nhà ông để mua tranh, xin chữ. Chẳng biết từ bao giờ, cái tên ông đồ Dần cứ thế vang xa như một nghệ danh gắn liền với ông lão.

Ông đồ già trong căn nhà di sản

Trong một lần cùng đoàn du khách nước ngoài tới xin chữ, thấy ông Dần viết chữ, vẽ tranh đẹp quá, người trưởng đoàn đã ngỏ ý mời ông về làm việc tại căn nhà di sản ở số 87 phố Mã Mây (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Cứ thế, đã bao năm, ngày nào ông cũng miệt mài trên chiếc phản gỗ cặm cụi múa bút tạo giữ lại thứ hồn dân tộc để giới thiệu cho bạn bè năm châu bốn biển tới thăm Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Ảnh: Tú Uyên.
Ông đồ Dần gắn bó và trở thành một phần của ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Ảnh: Tú Uyên.
Không qua một trường lớp nào nhưng những bức thư pháp hay những bức tranh do ông Dần vẽ ra đều đẹp một cách kỳ lạ và mang đậm chất hồn Việt.

Những bức tranh cô gái gội đầu ông Dần bảo đó là hình ảnh về người mẹ của mình. Những bức tranh đi lội đồng bắt cá ông bảo đó là hình ảnh thân thuộc của những người nông dân Việt Nam thuở xưa.

Rồi đến những bức sơn thủy, ông vẽ dòng sông con suối cũng đều là những hình ảnh về quê hương đất nước.

Với ông Dần, nghiệp vẽ không phải để kiếm tiền mà đó là một niềm đam mê, một mối duyên ngầm đã sẵn có trong máu ông để rồi khi được thỏa sức vẫy vùng đã tạo nên những bức tranh sống động trên nền giấy dó.

Khẽ chấm đầu bút vào khiên mực, ông Dần tâm sự: “Nghệ thuật thư pháp chẳng cần lòe loẹt, chỉ có hai màu đen trắng đơn sơ nhưng vẽ nên màu sương, màu khói, vẽ lên vạn vật trong nhân gian…”.

Đối với mỗi vị khách đến thăm căn nhà di sản, ông Dần đều quý mến và ngồi giảng giải về nét đẹp thư pháp và tranh thủy mặc cũng như những giá trị của văn hóa Việt được lưu giữ lại.

Những ngày tết đến xuân về, những người biết về thư pháp đều đổ dồn ra con phố ông đồ cạnh Văn Miếu để thể hiện tài năng nhưng riêng ông Dần vẫn lặng lẽ viết chữ trong căn nhà cổ giữa phố thị.

Tạm biệt ông Dần với  căn phòng và bao bức tranh sơn thủy hữu tình và những ức thư pháp  khi “Năm nay đào lại nở/ Khắp phố thị hàng hoa/ Từ đáy sâu quá khứ/ Ông Đồ lại hiện ra”…để hòa mình vào dòng người ngược xuôi cùng hoa đào, hoa mai,… khoe sắc nơi phố thị, làm tôi càng thêm thấu cái hồn sâu lắng ở cách phối màu, nét vẽ,… của người nghệ sỹ đã giúp bảo tồn, gìn giữ và ngân vang văn hóa dân tộc.