Ông Biden bác tin Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phóng rocket có thể tấn công đất Nga

VietTimes – Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cung cấp hệ thống phóng hỏa tiễn tầm xa. Ngày 30/5 giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Biden đã bác bỏ, nói: "Chúng tôi sẽ không gửi các hệ thống pháo phản lực có thể tấn công Nga tới Ukraine".
Ngày 30/5, Tổng thống Biden trả lời các phóng viên, bác bỏ tin Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phóng rocket nhiều nòng có thể tấn công vào đất Nga (Ảnh: Thepaper).

Hiện quân đội Nga đã tấn công thành phố Severodonetsk, một thành phố quan trọng của vùng Donbass từ nhiều hướng. Ông Serhiy Gaidai, quan chức phụ trách quân sự vùng Luhansk của Ukraine đêm 30/5 thừa nhận: "Quân đội Nga đã tiến vào thành phố từ vùng ngoại ô, sau đó tiến sâu hơn vào nội thành".

Trước đây, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cung cấp hệ thống phóng tên lửa tầm xa gọi là hệ thống phóng rocket nhiều nòng (MLRS) và phiên bản nhẹ hơn của nó là hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS), có tầm bắn lên tới 300 km tùy thuộc vào loại đạn, vượt xa tầm bắn của các hệ thống vũ khí phương Tây đã cung cấp cho Ukraine tính đến nay.

Tờ The Guardian của Anh phân tích cho rằng, hỏa lực của Nga đang ngăn cản quân đội Ukraine tập kết để phản công và hệ thống phóng rocket nhiều nòng (MLRS) có thể giúp lật ngược tình thế chiến tranh bằng cách "phá hoại các hoạt động khác nhau ở hậu phương của kẻ thù".

CNN đưa tin về phát biểu của ông Biden.

Đài CNN ngày 26/5 đưa tin rằng chính quyền Biden đang chuẩn bị cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa tầm xa như một phần của kế hoạch hỗ trợ quân sự và an ninh lớn hơn cho Ukraine, kế hoạch này có thể được công bố sớm nhất là vào tuần tới, nhưng vẫn chưa được chính thức quyết định. Một số cơ quan truyền thông Mỹ và nước ngoài cũng đã loan truyền tin này.

Theo các quan chức Mỹ, chính quyền Biden hiện đang do dự trong việc chuyển giao cho Ukraine các hệ thống này trong bối cảnh Hội đồng An ninh Quốc gia lo ngại Ukraine có thể sử dụng các vũ khí mới để tiến hành các cuộc tấn công vào bên trong nước Nga, dẫn đến sự leo thang nghiêm trọng cục diện chiến tranh.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby hôm 27/5 cho biết hiện chưa có quyết định cuối cùng về việc chuyển giao hệ thống MLRS. "Tất nhiên, chúng tôi chú ý và ý thức được các yêu cầu riêng tư và công khai của Ukraine về hệ thống phóng rocket nhiều nòng. Tôi không thể công bố các quyết định chưa được đưa ra".

Tổng thống Mỹ Biden ngày 30/5 đã chính thức tuyên bố rằng ông sẽ không cung cấp cho Ukraine các hệ thống phóng tên lửa có thể tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, đồng nghĩa với việc bác bỏ khả năng này. Tuy nhiên, tờ The Guardian của Anh cho rằng hàm nghĩa chính xác của phát biểu của Biden vào ngày 30/5 là không rõ ràng, nhưng miễn là các tên lửa có tầm xa nhất được giữ lại, Nhà Trắng vẫn có thể cung cấp hệ thống phóng rocket nhiều nòng (MLRS) cho Kiev.

Hệ thống phóng rocket nhiều nòng (MLRS) của Mỹ.

Tờ The Guardian dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết, "Hệ thống MLRS đang được xem xét (viện trợ cho Ukraine), nhưng sẽ không xem xét bất kỳ khả năng tấn công tầm xa nào".

Ông Alexei Arestovich, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 30/5 nói với CNN rằng một chiến thắng quân sự trước Nga là "khó có thể xảy ra" nếu Mỹ ngăn chặn việc cung cấp các loại hỏa lực tầm xa. Các vũ khí này "rất quan trọng đối với số phận và nền độc lập của của Ukraine".

Ông Arestovich nói: "Nếu không có hệ thống phóng rocket nhiều nòng (MLRS), chúng tôi cũng có thể ổn định mặt trận, nhưng chúng tôi sẽ mất một số vùng như Kherson, Luhansk, Donetsk và Zaporozhye".

Sau khi Ukraine kêu gọi được cung cấp các hệ thống phóng rocket tầm xa, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/5 đã tuyên bố: việc cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Nga sẽ là một "bước đi nghiêm trọng theo hướng leo thang không thể chấp nhận được."

Hệ thống phóng tên lửa cơ động cao (HIMARS) của Mỹ.

Sau phát biểu của ông Biden, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ngày 30/5 cho biết quyết định của Washington không gửi cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công lãnh thổ Nga là "hợp lý" và cảnh báo rằng nếu các thành phố của Nga bị tấn công thì quân đội Nga sẽ "tấn công trung tâm, nơi đưa ra các quyết định phạm tội".

Hiện tại, chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt ở miền đông Ukraine và Nga đang bao vây khu vực Donbas từ phía nam, phía đông và phía bắc. Sau khi giành toàn quyền kiểm soát thành phố Lyman có tầm quan trọng chiến lược ở vùng Donetsk, quân đội Nga bắt đầu tiến công một thành phố trọng yếu khác ở Donbass là Severodonetsk. Ông Araoudinov, trợ lý của nhà lãnh đạo Chechnya Kadyrov hôm 30/5 cho biết: "Trong vòng một giờ ngày hôm nay, tình hình ở Severodonetsk đã được kiểm soát, chúng tôi vẫn cần dọn sạch khoảng 15% -17% khu dân cư, các khu vực khác đều đã được thanh lọc".

CNN dẫn lời một sĩ quan chỉ huy lực lượng người Chechnya cho biết ngôi làng Komyshuvakha, phía tây nam thành phố Severodonetsk, đã thuộc quyền kiểm soát của Nga. Ông này nói: “Nơi này hiện đã nằm dưới quyền kiểm soát của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiến công mãnh liệt trên toàn mặt trận. Chúng tôi có thể tuyên bố đã hoàn toàn kiểm soát Komyshuvakha”.

Tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine ngày 30/5 (nguồn: CNN).

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Oleksandr Motuzianik, ngày 30/5 cho biết: "Chiến sự hiện đã đạt đến cường độ tối đa. Quân chiếm đóng Nga đang giao chiến trên toàn mặt trận và định sử dụng pháo lớn pháo kích các trận địa phía sau chúng tôi”.

Ông Serhiy Gaidai, người phụ trách quân sự của khu vực Luhansk, tối ngày 30/5 thừa nhận tất cả các khu vực trong khu vực Luhansk thuộc quyền kiểm soát của Ukraine đang bị tấn công, nhưng "tình hình ở Severodonetsk thực sự là tồi tệ nhất".