Trong ngày 27/11, một phát ngôn viên của Bộ Y tế CH Séc cho hay một người phụ nữ mới trở về từ kỳ nghỉ ở Ai Cập đã dương tính với SARS-CoV-2. Phát ngôn viên này nói rằng mẫu vật đang được đem đi nghiên cứu sâu hơn và sẽ sớm được công bố trong sáng 28/11.
Trùng thời điểm với thông tin ca nhiễm ở CH Séc, Kai Klose, Bộ trưởng Xã hội bang Hesse của Đức, viết trên Twitter rằng “có khả năng rất cao là biến chủng Omicron đã lan tới Đức.” Ông tiết lộ rằng “biến chủng có nhiều đột biến Omicron được phát hiện ở một người đến từ Nam Phi” trong đêm 26/11. Bệnh nhân này đã được cách ly và chờ để được kiểm tra sâu hơn mẫu bệnh phẩm.
Chính quyền ở Hà Lan cũng đang phải đối mặt với một số lượng lớn các ca nghi nhiễm biến chủng Omicron trong hôm 26/11, khi 61 người từ Nam Phi tới Amsterdam có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Những người này đã được chuyển tới một khách sạn gần với sân bay để cách ly. Bộ Y tế Hà Lan nói rằng các mẫu bệnh phẩm đang được nghiên cứu “nhanh nhất có thể để xem chúng có phải biến chủng mới Omicron hay không.”
Trước đó, chính phủ Hà Lan đã chỉ thị cấm mọi chuyến bay đến từ Nam Phi, nơi mà biến chủng mới lần đầu tiên được phát hiện. Hành khách trên 2 chuyến bay từ Nam Phi gần nhất phải chờ đợi nhiều giờ tại sân bay để chờ được xét nghiệm.
Tại Bỉ, chính phủ nước này cho hay rất có khả năng họ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu có trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Bộ trưởng Y tế nước này, Frank Vandenbroucke, tuyên bố trong hôm thứ Năm rằng bệnh nhân là người chưa được tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 từ ngày 22/11. Theo chuyên gia virus hàng đầu của Bỉ, Mark Van Ranst, người này trước đó đã tới Ai Cập.
Trong hôm 26/11, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã cảnh báo rằng vẫn có “sự bất trắc nhất định liên quan tới khả năng truyền nhiễm, kháng vaccine và tái nhiễm cùng nhiều đặc tính khác của biến chủng Omicron.” Cơ quan Y tế của EU đánh giá nguy cơ của biến chủng mới là “từ cao đến rất cao”.