Mới đây, thông tin ngân hàng BIDV sắp sửa bán 25% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay đã gây chú ý trong giới đầu tư tài chính. Tỷ lệ sở hữu này có thể tăng thêm nữa hay không, và đã có bao nhiêu ngân hàng Việt Nam đã bán bớt cổ phần cho đối tác ngoại đang là mối quan tâm của nhiều người.
Số lượng ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam là bao nhiêu?
Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện có 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 công ty liên doanh ngân hàng, 17 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính và gần 1.100 quỹ tín dụng.
Ngoài ra, còn có gần 50 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài được đặt tại Việt Nam.
Khi đầu tư vào NH Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến điều gì?
Trước khi đầu tư vào ngân hàng nào, các nhà đầu tư sẽ kiểm tra sổ sách, tình hình "sức khoẻ" của ngân hàng đó. Cái người ta quan tâm là nợ xấu của ngân hàng ở mức nào.
Nếu một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 - 5.000 tỷ đồng mà nợ xấu lên tới 10.000 - 15.000 tỷ thì rất khó để kêu gọi đầu tư, bởi khi nhà đầu tư mua cổ phần ngân hàng họ sẽ nảy sinh trách nhiệm đối với nợ xấu.
Nợ xấu bắt nguồn từ việc ngân hàng dùng tiền của người gửi vào tài khoản, tức dùng nợ của ngân hàng đối với chủ tài khoản để cho doanh nghiệp, cá nhân vay. Giả sử vốn tự có của ngân hàng chỉ là 5.000 tỷ đồng trong khi nợ của ngân hàng đối với chủ tài khoản là 15.000 - 20.000 tỷ đồng thì lúc đó khó có nhà đầu tư nước ngoài nào chấp nhận.
Việt Nam được lợi gì khi có sự góp mặt của nhà đầu tư ngoại?
Theo các chuyên gia, khi nhà đầu tư ngoại mua cổ phần của các ngân hàng Việt Nam, họ sẽ mang vốn, khả năng tài chính, mang cả kỹ thuật ngân hàng, cách quản trị của các nước tiên tiến vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, giúp ngân hàng Việt Nam cải thiện.
Đồng thời, họ mang theo những kinh nghiệm về điều hành ngân hàng giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam dần tiến đến đáp ứng tiêu chuẩn của Basel II, là những tiêu chuẩn quốc tế về hoạt động an toàn của ngân hàng.
Đã có bao nhiêu NH Nước ngoài đang là cổ đông lớn tại các NH trong nước?
Tỷ lệ sở hữu này có khả năng lên đến 100% không?
Cho đến nay, Việt Nam hiện đang giới hạn sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng nội địa ở mức 30%, trong đó nhà đầu tư không chiến lược bị giới hạn ở mức tối đa 15%.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài cũng không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Ngoài ra, có thể có ngoại lệ đối với các ngân hàng yếu kém nếu Thủ tướng Chính phủ cho phép tỷ lệ đó cao hơn mức quy định.
Hiện nay trên thế giới, cá nhân hay doanh nghiệp bất kỳ đều có thể mua 100% vốn của ngân hàng thuộc các nước là thành viên của WTO.
Với trường hợp của Việt Nam, WTO quy định đến năm 2020 chúng ta phải gỡ bỏ mức trần tỉ lệ cổ phần của NĐT nước ngoài nắm giữ ở ngân hàng.
Nếu để NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn tại một ngân hàng thì có thể dẫn đến rủi ro hay không?
Về lý thuyết, một ngân hàng lớn của thế giới nếu có ý đồ không tốt thì họ có thể dùng chính ngân hàng mà họ mua lại để lũng đoạn thị trường tài chính.
Các chuyên gia trong nước cho rằng lo ngại này không có cơ sở. Các cổ đông chiến lược nước ngoài phải là những ngân hàng đạt được một số quy định nhất định về vốn chủ sở hữu, tổng tài sản... và phải là những ngân hàng uy tín trên thế giới.
Với những tiêu chí sàng lọc như vậy, chắc chắn ngân hàng ngoại vào Việt Nam đều là ngân hàng có uy tín, do đó vấn đề kiểm soát họ rất dễ dàng. Do đó, các chuyên gia cho rằng khó có thẻ xảy ra các hành động gian lận hoặc dùng sân trước sân sau, lợi ích nhóm, sở hữu chéo như đã xảy ra trong các ngân hàng trong nước.
Thêm nữa, các ngân hàng nước ngoài trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ chịu sự kiểm soát của Ngân hàng nhà nước hoặc Chính phủ.
Theo: BizLive