|
Tổng thống Putin vẫn là sự lựa chọn của nước Nga |
GDP Nga lên 1,5 lần: được không?
Diễn đàn này đã tồn tại từ năm 2013, hiện nay là sân chơi độc lập lớn nhất nước Nga, nơi hình thành các đề xuất và quyết sách phát triển những cơ hội kinh tế mà nước Nga có. Dưới đây là một vài ý kiến tiêu biểu, đáng chú ý nhất.
Viện sỹ Ruslan Greenberg, đồng sáng lập của Diễn đàn Kinh tế Moskva, khi khai mạc Hội thảo đã giải thích tại sao Diễn đàn lại chọn chủ đề “Nga và thế giới: hình bóng của tương lai”. Đơn giản là vì, hình bóng của tương lai nước Nga rất mơ hồ. Có lẽ ngay cả đối với các nhà lãnh đạo Nga cũng vậy. Vì không ai rõ chính quyền mới sẽ chọn chiến lược kinh tế kiểu nào, người Nga phải tiếp tục sống ra sao?
Đầu tháng 3 năm 2018, Tổng thống Putin trong Thông điệp Liên bang, mà thực chất là Cương lĩnh tranh cử tổng thống, đã trình bày một kế hoạch phát triển nước Nga giai đoạn 2018-2024 đầy tham vọng. Trong đó, mục tiêu chính là tăng GDP Nga lên 1,5 lần. Tức là tỷ lệ tăng trưởng dự kiến hàng năm, ít ra phải vào khoảng 8-9%. Trong khi, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Nga năm 2017 chỉ vỏn vẹn là 1,5%. Vì vậy, kế hoạch này không truyền được cảm hứng thực sự cho dân Nga và bị các nhà kinh tế hàng đầu nước Nga, trước hết là những người gần gũi Điện Kremlin như Alexey Kudrin (cựu Bộ trưởng Tài chính), đánh giá là hoàn toàn không khả thi.
|
Tổng thống Putin đã đưa ra một kế hoạch phát triển nước Nga đầy tham vọng là tăng GDP Nga lên 1,5 lần.
|
Vấn đề “chảy máu chất xám”
Về khoa học, theo ông Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexander Sergeev, để phát triển một nền kinh tế hiện đại trong tương lai gần, vấn đề nghiêm trọng nhất của nước Nga, là “chảy máu chất xám”. Và nếu không có tầng lớp tinh hoa trí thức, nước Nga sẽ không thể có tương lai bình thường.
Vì vậy, ông kêu gọi từ bỏ hệ thống đánh giá kiến thức hiện hành (thi trắc nghiệm quốc gia) và định hướng Bộ Giáo dục và Khoa học khuyến khích các cá nhân sáng tạo. Ông cho rằng, “cần có sự phối hợp và thỏa thuận giữa chính quyền với giới kinh doanh và quay lại việc qui hoạch chiến lược khoa học". Bởi vì, để đảm nhiệm vai trò hoạch định chiến lược cho nước Nga, kinh phí dành cho khoa học hiện nay là quá nhỏ.
Kinh phí dành cho toàn bộ nền khoa học Nga hiện nay là 336 tỷ rúp ($5.4 tỷ) xấp xỉ Đài Loan. Trong đó, riêng khoa học cơ bản chỉ được đầu tư tổng cộng 105 tỷ rúp ($1.6 tỷ), nghĩa là 1.1% GDP, đứng hàng thứ 35 trên thế giới về tỷ lệ này, và còn có xu hương giảm trong những năm gần đây. Để so sánh, ngân quĩ hàng năm của riêng Harvard University là khoảng $4.8 tỷ.
Hơn nữa, gần 65% của số kinh phí $5.4 tỷ này, là dành để trả lương các nhà khoa học ở một mức rất khiêm tốn. Chẳng hạn, lương hiện nay của GS Đại học Tổng hợp Moskva chỉ là gần 50 ngàn rúp hay khoảng $800 (so với lương trung bình ở Nga là 32 ngàn rúp hay là khoảng $500). Lương nghiên cứu viên cao cấp, GS ở các viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga còn thấp hơn.
|
Mối lo ngại của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexander Sergeev là "nạn chảy máu chất xám"
|
Người Nga đã thua trong cạnh tranh kinh tế xã hội
Nhà kinh doanh Boris Titov đồng ý với ý kiến chung của Diễn đàn, rằng Điện Kremlin chẳng có chiến lược kinh tế thực sự nào cả. Và ngay cả sau khi cuộc bầu cử tổng thống vừa qua kết thúc, việc dự kiến một hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, thậm chí cũng không được đặt ra. Boris Titov cũng nhắc lại rằng, câu lạc bộ Stolypin chuyên nghiên cứu Cải cách kinh tế do ông đứng đầu, đã soạn thảo và đệ trình TT Putin một chiến lược tăng trưởng dài hạn: trong 5, 15 và 30 năm. Nhưng chẳng được ai quan tâm. Ông cho rằng, Điện Kremlin có lẽ sẽ giới hạn “chiến lược kinh tế”, bằng một vài nghị định và dự án quốc gia. Thay vì chấp thuận một chiến lược dài hạn, họ sẽ xây dựng những văn phòng quản lý các dự án ưu tiên này và cứ yên chí như vậy “tiến lên” phía trước.
Sau đó ông Titov đã trình diễn một biểu đồ, chỉ ra những quốc gia có hoạch định chiến lược phát triển kinh tế toàn diện và dài hạn, và những quốc gia chưa có chiến lược như vậy được đánh dấu đỏ. Trong vùng đỏ này, có nước Nga và một số rất nhỏ các quốc gia khác, những quốc gia mà chắc chắn, nước Nga không muốn lấy làm gương.
Ông Titov cũng đề cập đến "Kế hoạch phát triển dân tộc" của Kazakhstan bao gồm 100 bước cụ thể, được hoạch định dưới sự chỉ đạo của TT Nursultan Nazarbayev, và được khởi động từ 05/2015. Theo kế hoạch này đến năm 2025, GDP của Kazakhstan dự kiến sẽ tăng gấp đôi, điều này cho phép Kazakhstan bước vào hàng ngũ 30 nền kinh tế phát triển hàng đầu trên thế giới. Đồng thời, thu nhập trung bình của người Kazakhstan, dự kiến sẽ đạt mức trung bình của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Một kế hoạch khả thi, hiện đã hoàn thành được một số bước.
Pavel Grudinin, triệu phú dâu tây, cựu ứng viên tổng thống của Đảng Cộng sản Nga, cho rằng Nga đã thua trong cạnh tranh kinh tế xã hội, không chỉ so với Kazakhstan, mà còn so với cả Belarus nữa.
Rất nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề lương tối thiểu ở Nga, mà hiện nay là 7800 rúp ($125) và dự kiến sẽ tăng lên 9489 rúp ($150) từ 01/05/2018. Trong những cuộc đối thoại và trả lời online trước người Nga của mình, TT Putin thường cố gắng lảng tránh câu hỏi: “Làm sao có thể sống nổi với mức lương này?”. Mà lảng tránh là dễ hiểu. Bởi vì, từ tháng 09/2017, trong thông báo được công bố trên trang web của Chính phủ Nga, mức tối thiểu sinh hoạt (giỏ hàng hóa và dịch vụ) đối với người dân nói chung là 11.163 rúp, người về hưu là 8.506 rúp, và trẻ em là 10.160 rúp tương ứng. Để so sánh, ở EU hiện nay nước có lương tối thiểu thấp nhất là Bulgary với $282 và cao nhất là Lucxemburrg với $2400 tương ứng.
Cảm tưởng chung của các thành viên Diễn đàn Kinh tế Moskva, là ý kiến của họ bị chính quyền xem nhẹ. Đơn giản là vì không có đại diện nào thay mặt chính quyền, phát biểu tại Diễn đàn này, ít nhất là để bảo vệ chính sách kinh tế và tài chính hiện hành.
Kremlin chọn “chiến lược kinh tế” nào?
Chẳng hiểu Điện Kremlin sẽ chọn phương án nào, “Chiến lược tăng trưởng” của Boris Titov hay phương án do Alexei Kudrin cựu Bộ trưởng Tài chính và nhóm của ông soạn thảo. Cũng có thể là Điện Kremlin sẽ chọn phương án khác, chỉ bao gồm một vài dự án kinh tế xã hội trọng điểm “đình đám”. Như ông Boris Titov đã bày tỏ sự nghi ngại của mình ở trên.
Trong nhiệm kỳ TT 2018-2024, ngoài kế hoạch tăng trưỏng GDP lên 1,5 lần, ông Putin còn dự kiến giảm một nửa số người nghèo ở Nga (hiện nay là hơn 22 triệu, chiếm 13.5% dân số; chưa kể khoảng 5 triệu người vẫn đi làm và nhận lương, nhưng thu nhập không đủ sống, nghĩa là chưa đạt mức tối thiểu sinh hoạt trung bình ở Nga 11.163 rúp) và đưa nước Nga vào hàng ngũ 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. TT Putin đã giao cho Bộ Tài chính, Bộ Phát triển kinh tế, Cục Kiểm toán quốc gia và các cơ quan liên quan tính toán dự chi cho kế hoạch này. Con số tạm tính là 8.000 tỷ rúp (gần $130 tỷ) cho 6 năm.
Theo ông Andrei Belousov, phụ tá tổng thống phụ trách các chương trình kinh tế của chính phủ, nguồn tài chính cho những chi phí này, nhiều khả năng hơn cả, là sẽ huy động từ dân chúng. Có 2 ý tưởng đang được xem xét. Một là tăng thuế và hai là thu hút vốn từ người dân, thông qua việc mở rộng các công cụ tài chính, chẳng hạn như vốn hưu trí cá nhân và bảo hiểm nhân thọ.
Như đã trình bày trong bài “Cương lĩnh tranh cử tổng thống của Putin” ngày 06/03/2018. Ngay từ năm 2017, Cục Thuế Liên bang Nga, dưới hình thức kiểm toán và các khoản thu phí bổ sung, đã thực hiện những biện pháp chưa từng có. Kết quả là những nỗ lực này, đã mang lại "thêm" cho Ngân sách nhà nước 1.000 tỷ rúp (gần $18 tỷ). Năm 2018, một kế hoạch tận thu thuế phí mới đã được duyệt, dự kiến bằng cách này, có thể tăng thu ngân sách thêm 500 tỷ rúp (gần $9 tỷ) nữa. Một điều hoàn toàn trái ngược với ý tưởng tăng tốc phát triển kinh tế.
|
Người gần gũi với Điện Kremlin như Alexey Kudrin (cựu Bộ trưởng Tài chính) lại không mấy tin tưởng vào kế hoạch tăng GDP của nước Nga lên 1,5 lần
|
Người Nga sẽ tiếp tục sống ra sao?
Tổng kết cuộc Hội thảo, Viện sỹ Ruslan Greenberg, đồng sáng lập của Diễn đàn Kinh tế Moskva đã khẳng định, là “tất cả đều háo hức chờ đợi chiến lược chính phủ mới”. Bởi vì, điều này sẽ cho thấy, chính quyền mới sẽ chọn chiến lược kinh tế nào, và người Nga phải tiếp tục sống ra sao?
Tuy nhiên, theo rất nhiều nhà phân tích kinh tế và bình luận chính trị Nga, vấn đề là dù ai được bổ nhiệm làm thủ tướng, thì người đó cũng chỉ là một loại thủ tướng “kỹ thuật”, “trụ được” lâu nhất là đến 2021. Thủ tướng “kỹ thuật” này, có trách nhiệm ban bố và thi hành một loạt các biện pháp không làm người Nga dễ chịu và ưa thích, những biện pháp từ lâu đã “chín muồi”. Những biện pháp này gồm có:
Thứ nhất, nâng tuổi hưu trí lên 63 đối với nam (hiện nay là 60) và 60 đối vói nữ (hiện nay là 55). Một biện pháp “chín muồi” từ lâu. Lý do là vì chính sách kích thích sinh đẻ để tăng dân số của chính quyền đã thất bại, năng suất lao động chững lại và quĩ tích lũy lương hưu đã bị chính quyền “huy động”.
Thứ hai, xóa bỏ “Lệnh cấm” tăng thuế. Vì vậy, sắp tới rất nhiều loại thuế tạm thi hành sẽ trở thành vĩnh viễn. Ngay cả đối với thu nhập cá nhân, thang thuế lũy tiến cũng sẽ được áp dụng. Ngoài ra, còn rất nhiều quyết định liên quan đến các khoản phí bổ sung sẽ được thực hiện.
Thứ ba, công bố những biện pháp thắt chặt đáng kể những quy định về “an ninh truyền thông và thông tin”, những thay đổi trong nguyên tắc quản lý các vùng lãnh thổ. Phần lớn các biện pháp không dễ chịu này, sẽ dẫn đến việc hạn chế các quyền công dân, mà xã hội sẽ tiếp nhận một cách tiêu cực.
Cuối cùng, rất có thể, chính phủ mới có nhiệm vụ đề xuất thay đổi luật bầu cử, sửa đổi Hiến pháp, để dọn sẵn đường cho trường hợp Tổng thống Putin muốn “ở lại thêm” sau 2024.
|
Tương lai của nước Nga thế nào là điều rất quan trọng với cả châu Âu.
|
Rõ ràng, những năm sắp tới có thể là không dễ chịu với người Nga, kể cả khi phương Tây không tăng cường trừng phạt, đáp trả những hành động của Nga ở Crimea, Ukraina và Syria . Về mặt kinh tế, nước Nga sẽ khó có tăng trưởng thực sự. Còn nếu phương Tây gia tăng trừng phạt, hoặc giá dầu khí sụt giảm mạnh, kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và đời sống dân Nga sẽ khó khăn hơn rất nhiều.