NSƯT Thanh Thúy mong muốn đưa Giai điệu Mùa thu lên tầm cao mới

VietTimes –  NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy  -  Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - khẳng định Sở sẽ có những kế hoạch, chiến lược đưa Giai điệu Mùa thu trở thành một Liên hoan nghệ thuật đặc sắc của TP.HCM.
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, PGĐ Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phát biểu khai mạc và tặng hoa NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO)

Giai điệu Mùa thu 2019 đã khai màn tối qua, 17/8, bằng vở nhạc kịch “Yesterday’s Memory”. Nhân dịp này, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM về tầm nhìn hướng tới một Liên hoan nghệ thuật tầm cỡ của TP.HCM trong tương lai. 

Mỗi mùa Giai điệu Mùa thu với hàng chục chương trình nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực: âm nhạc giao hưởng, thính phòng, múa… là một bữa “đại tiệc” tinh thần cho công chúng. Nhưng hẳn, với người “nấu cỗ” thì không phải đơn giản để có thể trình làng bất cứ “thực đơn” nào, thưa bà?

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy:  Liên hoan nghệ thuật Giai điệu Mùa thu là một sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn của TP.HCM được tổ chức 2 năm/lần.

Đây là nơi quy tụ các nghệ sĩ của lĩnh vực âm nhạc hàn lâm trong và ngoài nước tham gia biểu diễn. Từ năm 2005 đến nay, trải qua 11 Liên hoan tổ chức thành công, Giai điệu Mùa thu đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ và khán giả yêu âm nhạc cổ điển.

Liên hoan năm nay đã có những thay đổi về mặt nội dung, mong muốn mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước những chương trình, tác phẩm chất lượng và nhiều dấu ấn.

Một trong những nỗ lực lớn của BTC Liên hoan chính là lần đầu tiên có sự tham gia của nghệ sĩ piano lừng danh thế giới - NSND Đặng Thái Sơn, người châu Á đầu tiên giành Giải Nhất và Huy chương Vàng trong cuộc thi Piano Quốc tế Chopin. Sự góp mặt của ông là niềm vinh dự lớn cho Liên hoan Giai điệu Mùa thu 2019.

Cảnh trong vở nhạc kịch "Yesterday's Memory" trình diễn tối 17/8 
 
Nghệ sĩ Phan Hữu Trung Kiệt (bên trái) trong vai thám tử M và Trần Thanh Nam vai Giám đốc Nhà hát trong vở diễn "Yesterday's Memory" 

- Mỗi chương trình nghệ thuật Giai điệu Mùa thu đều đón tiếp một số lượng lớn các nghệ sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới và các tài năng Việt quay trở lại quê hương. Thưa bà, đây có phải trách nhiệm của một TP năng động với công chúng “toàn cầu” trong thế giới phẳng như ngày nay?

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy: Sự có mặt của đông đảo nghệ sĩ quốc tế, nghệ sĩ người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nghệ sĩ tên tuổi trong nước sẽ góp phần tạo nên một Liên hoan với màu sắc sinh động, phong phú, mang đến cơ hội thưởng thức nghệ thuật chất lượng cho khán giả.

Đặc biệt, sự tham gia biểu diễn của các tài năng trẻ Việt Nam ở độ tuổi từ 12 đến 17 đã cho thấy những tín hiệu tích cực về nguồn lực kế thừa trên lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm - dòng nghệ thuật đang định hình ngày càng rõ nét và khẳng định vị trí vững chắc trong nền văn học nghệ thuật nói chung tại TP.HCM.

- Bà có cho rằng nếu TP HCM tạo ra và tổ chức tốt những loạt chương trình biểu diễn giao hòa được nhiều phương diện và ý nghĩa: Đông - Tây, đương đại - cổ điển… như Giai điệu Mùa thu, thì cũng là góp phần chữa "căn bệnh” chảy máu tài năng nghệ thuật ra nước ngoài?

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy: TP. HCM đã có nhiều chính sách đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực nghệ thuật, chính sách thu hút và giữ chân tài năng.

BTC tặng hoa ông Mpangi Otte - Viện trưởng Viện Goethe TP.HCM và các đạo diễn David Hermann, Anna Weber và các nghệ sĩ tham gia Liên hoan

Ngoài ra, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng môi trường biểu diễn với dòng nghệ thuật cách mạng, chính thống là chủ đạo, hài hòa với các loại hình nghệ thuật giải trí. Bên cạnh đó luôn phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ, có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian, truyền thống.

Tất cả nhằm tạo nên những cơ hội, thu hút các tài năng cùng góp sức xây dựng môi trường văn hóa nghệ thuật ngày càng lành mạnh và phát triển.

- Chỉ trong hơn một tuần lễ, nhưng Giai điệu Mùa thu đã cống hiến cho khán giả hàng chục chương trình đa dạng, phong phú, chất lượng cao. Với sự phát triển không ngừng qua từng mùa Liên hoan, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM có định hướng đưa Giai điệu Mùa thu trở thành một Liên hoan nghệ thuật tầm cỡ quốc tế trong tương lai?

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy: Sở Văn hóa và Thể thao mong muốn Liên hoan Giai điệu Mùa thu sẽ trở thành một thương hiệu nghệ thuật mang tầm quốc tế của khu vực. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu phối hợp với các tổ chức nghệ thuật tên tuổi của thế giới, đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng và đưa Liên hoan Giai điệu Mùa thu lên một tầm cao mới.

Phạm Khánh Ngọc tỏa sáng với vai chính trong vở nhạc kịch "Yesterday's Memory" 
Phạm Khánh Ngọc và Phạm Duyên Huyền trong màn xung đột khiến kịch tính đẩy lên cao trào trong vở diễn 

- Điểm đặc biệt nhất mà Liên hoan Giai điệu Mùa thu đã mang tới cho khán thính giả chính là vừa góp phần phổ cập được kiến thức nghệ thuật trong công chúng số đông, đồng thời, lại luôn giữ được nét sang trọng với từng “món ăn” tinh thần đều rất cao cấp. Bà có cho rằng điều này góp phần xây dựng hình ảnh TP.HCM?

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy: Sở Văn hóa và Thể thao sẽ xây dựng một kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan trong xây dựng và quảng bá những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của TP thông qua hoạt động du lịch văn hóa, đề xuất những giải pháp đầu tư trọng điểm cho những công trình, sản phẩm văn hóa nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng của TP.HCM trong thời gian tới.