Sau buổi tập sáng nay (24/8) với Dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM để chuẩn bị cho đêm diễn tối mai trong chương trình "Giai điệu Mùa thu 2019", NSND Đặng Thái Sơn đã dành thời gian ghi hình trả lời phỏng vấn của VietTimes, nói về hiện tượng "thừa vật chất, thiếu nhân tài" của âm nhạc - nghệ thuật Việt ngày nay. Ông cảnh báo mạnh mẽ về việc cần thay đổi từ giáo dục mới có thể tạo nên một nền tảng cho nghệ thuật Việt.
Trước cuộc thi lớn, thần kinh phải vững
“Mọi người cứ nhầm tưởng là chơi piano phải có tay đẹp, nhưng tay tôi là tay nông dân đấy chứ. Ngoài tay đẹp, thực ra cần phải có tai tinh mới đúng là tài năng âm nhạc. Người có đôi tai tinh sẽ nghe được những âm thanh mà người khác không nghe được” - NSND Đặng Thái Sơn cười vui.
Hồi ức về những khó khăn trong cuộc thi Chopin năm 1980, khi đang là sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) sang Ba Lan dự thi, NSND Đặng Thái Sơn kể: “Hồi đó, tôi một mình tới Ba Lan, người ta đi máy bay còn mình thức đêm đi tàu hỏa, không thầy, không bạn, quần áo đẹp để biểu diễn cũng không có. Chẳng có profile nào “trắng” như hồ sơ của tôi: Chưa từng tham gia bất cứ cuộc thi quốc tế nào. Nhưng họ vẫn chọn, vì tôi đang là sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). BTC nghĩ chắc tôi không phải nghiệp dư và tôi là đại diện duy nhất của một quốc gia. Đó là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham dự. Hồi đó, chưa từng có bất cứ nghệ sĩ piano Việt Nam hoặc nghệ sĩ âm nhạc cổ điển nào tham gia và đoạt giải ở các cuộc thi quốc tế”.
“Để chuẩn bị cho cuộc thi, tôi có tham gia thi thử với các bạn Nga. Và thật bất ngờ là tôi lại đứng đầu phần thi thử, nên cũng tự tin đi Ba Lan. Tham gia cuộc thi lớn, quan trọng nhất là thần kinh phải vững. Có lẽ yếu tố tươi mới của tôi khi lần đầu đứng trong một khán phòng lộng lẫy của cuộc thi tầm cỡ thế giới đã chinh phục được BGK” - NSND Đặng Thái Sơn nhớ lại.
"Thừa vật chất, thiếu nhân tài"
NSND Đặng Thái Sơn hồi ức: “Hồi đó xã hội nghèo thật, ai cũng nghèo. Nhưng chắc là tôi có duyên với Chopin. Một lần, mẹ tôi được mời đi tham dự một cuộc thi âm nhạc Chopin với tư cách là khách mời. Trở về, bà mang theo toàn bộ sách vở, bản nhạc, băng đĩa,... về Chopin. Tôi không có Mozart, không có Bach hay Beethoven, nhưng lại có tất cả mọi thứ của Chopin. Cứ luyện đàn bài của Chopin nhiều, tình yêu ngấm vào trong mình từ khi nào không biết”.
Người được Chopin chọn nói về hiện trạng của âm nhạc Việt trên trường thế giới: “Bây giờ điều kiện quá thuận lợi, nhưng Việt Nam lại thiếu vắng nhân tài. Đi chấm thi ở các cuộc thi âm nhạc lớn trên thế giới, tôi thấy Việt Nam không có người đoạt giải đã đành, nhưng đến đại diện tham dự cũng rất ít. Nhạc cổ điển vào Việt Nam từ rất sớm, nhưng đến giờ chúng ta lại vắng mặt, còn các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,... thì lại vươn lên, xuất hiện nhiều trên trường quốc tế. Đó chính là hiện trạng mà tôi luôn cảnh báo, rằng nếu không sớm thay đổi thì Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước Đông Nam Á” - ông chia sẻ.
NSND Đặng Thái Sơn trò chuyện về hiện trạng âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế
|
Thời nay, xã hội thừa vật chất nhưng thiếu những điều kiện khác cho tài năng? Học sinh tài năng bây giờ có rất nhiều điều kiện để mua đàn, cập nhật giáo trình, tham gia thử sức ở nhiều cuộc thi lớn ở các nước trong khu vực. Vậy tại sao nhân tài Việt Nam mãi chưa có gương mặt nào tỏa sáng ở những cuộc thi khẳng định đẳng cấp thế giới như Chopin? Tại sao nhân tài Việt chỉ lóe lên ở lứa tuổi rất trẻ rồi lại tắt?
NSND Đặng Thái Sơn lý giải: “Ngày xưa thiếu thốn, không đủ phương tiện, muốn tập đàn phải xếp hàng, chứ không phải như bây giờ. Nhưng chính sự thừa thãi mỗi em một cây đàn như bây giờ lại khiến nó không còn quý nữa”.
“Thêm một lý do nữa là học sinh tài năng Việt Nam lúc nhỏ có thể lóe sáng, nhưng đợi đến lúc lớn lên để đi thi quốc tế được thì quá lâu. Đây là cả một chặng đầu tư rất dài. Bây giờ để có thể ra nước ngoài học đào tạo tài năng quá tốn kém. Chẳng hạn như các trường ở Mỹ, sinh viên phải đóng khoảng hơn 70.000 USD mỗi năm học. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học. Tôi hy vọng khoảng 5-7 năm nữa tình hình sẽ khác” - NSND Đặng Thái Sơn dự báo.
Ông cho rằng chương trình giáo dục âm nhạc tại các trường chuyên nghiệp và cả trường phổ thông của chúng ta còn quá nhiều vấn đề. Học sinh phổ thông học được quá ít về âm nhạc, tài năng trong các trường nghệ thuật cũng chưa có được những cơ chế tốt để có thể phát huy. Ngược lại, bài toán giằng xé giữa nghệ thuật và thị trường luôn làm cho các nghệ sĩ và những mầm non nghệ thuật phải đau đầu.
Trả lời trực diện câu hỏi đánh giá gì về vai trò của giáo dục để tạo nền tảng cho quốc gia, NSND Đặng Thái Sơn cho rằng "nếu không sớm thay đổi, chắc chắn Việt Nam sẽ tụt hậu. Cần thay đổi từ giáo dục, nhưng phải đồng bộ” - NSND Đặng Thái Sơn khẳng định mạnh mẽ.