Nóng: Xuất hiện bằng chứng cho thấy sự kiện HMS Defender là kế hoạch được Anh lên từ trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự kiện tàu khu trục HMS Defender của Anh bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga ở Biển Đen vào thứ Tư tuần trước (23/6) và bị các tàu tuần tra và máy bay chiến đấu của Nga cảnh cáo xua đuổi xuất hiện diễn biến mới.
Bản đồ về kế hoạch hành trình của chiếc HMS Defender đã được lên từ trước (Ảnh: BBC).
Bản đồ về kế hoạch hành trình của chiếc HMS Defender đã được lên từ trước (Ảnh: BBC).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 27/6, truyền thông Anh BBC ngày Chủ nhật (27/6) tiết lộ: vào ngày thứ Ba tuần trước (22/6), một ngày trước khi vụ việc xảy ra, một người dân ở Kent, Anh, đã tìm thấy các tài liệu mật của Bộ Quốc phòng tại một bến xe buýt, trong đó đề cập đến hành động của con tàu Anh đã tiếp cận bán đảo Crimea.

Tài liệu mật này dài khoảng 50 trang bên ngoài có logo Bộ Quốc phòng Anh và ghi rõ “Official Sensitive” (tài liệu nhạy cảm), bên trong bao gồm email và các thông tin ghi chép trong hội nghị giao ban, được cho là đến từ văn phòng của một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Anh; những người phát hiện tài liệu này đã lập tức liên hệ với Đài BBC sau khi xem được nội dung nhạy cảm. Tài liệu đề cập rằng khu trục HMS Defender sẽ tiến hành một "tuyến đường vô hại" trong lãnh hải của Ukraine, đồng thời suy đoán phía Nga sẽ phản ứng như thế nào đối với con tàu khi nó đến gần Bán đảo Crimea. Các phản ứng tiềm năng được dự kiến trong đó có phạm vi từ "an toàn và chuyên nghiệp" đến "vừa không an toàn vừa không chuyên nghiệp".

Tài lệu mật bị bỏ quên (Ảnh: BBC).

Tài lệu mật bị bỏ quên (Ảnh: BBC).

Đính kèm với tài liệu là một tấm bản đồ Biển Đen, cho thấy hai sự lựa chọn để con tàu di chuyển từ Odessa, Ukraine đến Batumi, Georgia. Một là "di chuyển an toàn và chuyên nghiệp trực tiếp từ Odessa đến Batumi", bao gồm cả việc tiếp cận "Hệ thống phân cách giao thông" (TSS) ở cực tây nam của bán đảo Crimea, thể hiện việc phía Anh công nhận rằng đó là lãnh hải của Ukraine trên danh nghĩa.

Một lựa chọn khác là tránh xa vùng biển tranh chấp. Tài liệu này nói rằng điều này có thể tránh được sự đối đầu giữa quân đội Anh và Nga, nhưng có thể chịu rủi ro rằng Nga coi phía Anh "sợ hãi hoặc chạy trốn". Nga cũng sẽ tuyên bố rằng Anh bên chấp nhận lãnh hải của mình trên Bán đảo Crimea. Ngoài ra, tài liệu cho rằng bằng cách bố trí để các phóng viên lên tàu HMS Defender, thể hiện cho hành động của con tàu được xác nhận độc lập của bên thứ ba, sẽ "có một câu chuyện mạnh mẽ và hợp pháp" giúp chống lại Nga trên phương diện đấu tranh tuyên truyền.

Cuối cùng, khu trục hạm HMS Defender đã lựa chọn tuyền đường tiếp cận bán đảo Crimea. Truyền thông Anh cho rằng tài liệu này cho thấy phía Anh đã đưa ra quyết định có chủ ý từ trước để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng đã xác nhận có một nhân viên báo cáo đã để mất tài liệu quốc phòng nhạy cảm và một cuộc điều tra đã được khởi động và lúc này không phù hợp để đưa ra bình luận thêm, chiếc HMS Defender đã đến Batumi vào ngày thứ Bảy (26/6).

BBC đưa tin về vụ tài liệu mật của Bộ Quốc phòng danh bị thất lạc

BBC đưa tin về vụ tài liệu mật của Bộ Quốc phòng danh bị thất lạc

Theo BBC, Bộ Quốc phòng Anh đặt tên cho nhiệm vụ này là "Chiến dịch Ditroite" và gọi đây là “chuyến đi vô hại qua lãnh hải Ukraine". Con tàu sẽ được bảo vệ và các trực thăng trên tàu cũng sẽ đậu trong nhà chứa máy bay, dự kiến ​​rằng Nga có thể phản ứng mạnh mẽ.

Tài liệu cho thấy, cho đến ngày 21/6, việc có cử tàu chiến tiếp cận khu vực Crimea hay không và lựa chọn con đường nào đã là chủ đề được các quan chức cấp cao của chính phủ Anh thảo luận. Các quan chức cũng suy đoán về cách Nga sẽ phản ứng vào thời điểm đó.

Tài liệu nêu rõ, hoạt động tương tác gần đây giữa quân đội Nga và nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth ở phía đông Địa Trung Hải là không đáng chú ý và "phù hợp dự kiến". Nhưng các quan chức biết rằng tình hình sẽ thay đổi và tin rằng sự tương tác với quân đội Nga "có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn và tự tin hơn".

BBC cũng chỉ ra phía Anh dự kiến ba phản ứng có thể có từ Nga: "chuyên nghiêp, an toàn", "chuyên nghiệp nhưng không an toàn lắm" và "không an toàn cũng không chuyên nghiệp".

Khu trục hạm HMS Defender của Hải quân Anh (Ảnh: Đa Chiều).

Khu trục hạm HMS Defender của Hải quân Anh (Ảnh: Đa Chiều).

Để đảm bảo tiến độ suôn sẻ của "Chiến dịch Ditroite", chính phủ Anh cũng đã chuẩn bị sẵn biện pháp "khắc phục hậu quả": chủ động cho phép các phóng viên BBC và Daily Mail lên tàu chiến, để tiến hành "xác minh độc lập", sau đó tiến hành “tuyên truyền hùng biện mạnh mẽ và hợp pháp” cho hành động này.

BBC mô tả hoạt động này là "ngoại giao pháo hạm" của Anh, có nghĩa là theo đuổi mục đích ngoại giao bằng cách thể hiện sức mạnh quân sự. Quân đội Anh đã cố gắng sử dụng điều này để bảo vệ "tự do hàng hải" và bày tỏ sự ủng hộ của Anh đối với Ukraine trong vụ Crimea.

Thực tế đã chứng minh rằng phía Anh cuối cùng đã từ bỏ con đường có thể tránh được rủi ro; Nga đã đưa ra cảnh báo nổ súng và cho máy bay thả bom chặn đường di chuyển.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Anh ra thông cáo bác bỏ điều đó và tuyên bố rằng tàu khu trục HMS Defender đang đi qua "lãnh hải Ukraine" là tuân thủ luật pháp quốc tế vào thời điểm đó, nhưng đã bị một đoạn video do phía Nga tung ra phủ nhận.

Điều đáng nói, phóng viên quân sự của BBC có mặt trên HMS Defender mô tả lúc đó có hơn 20 chiếc máy bay Nga lượn trên tàu Anh, và hai tàu Nga đang bám theo sau với khoảng cách chỉ khoảng 100 thước Anh (khoảng 91,44 mét).

Các khinh hạm cao tốc Nga truy đuổi tàu HMS Defender của Anh (Ảnh: Đông Phương).

Các khinh hạm cao tốc Nga truy đuổi tàu HMS Defender của Anh (Ảnh: Đông Phương).

Ngày 24/6, Nga một lần nữa cảnh báo Vương quốc Anh rằng, nếu hải quân của họ không tôn trọng luật pháp quốc tế và có thêm các hành động khiêu khích gần bờ biển Crimea của Nga, Nga không loại trừ việc ném bom các tàu hải quân Anh ở Biển Đen. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Anh tại Nga tới và đưa ra phản kháng ngoại giao chính thức.

BBC dẫn lời chính phủ Anh cho biết phần lớn nội dung trong tài liệu bị mất tích này được đánh dấu là "nhạy cảm chính thức" và mức độ bảo mật tương đối thấp. Nhưng một trong những tài liệu đã mô tả chi tiết kế hoạch quân sự của Anh tại Afghanistan: Sau khi NATO rút quân, Anh đã "cân nhắc để lại một số binh sĩ ở Afghanistan". Tài liệu được đánh dấu là "secret UK eyes only" (Cấm đọc đối với người không phải nhân viên tình báo Anh).

Liên quan đến vụ việc này, trang tin Đa Chiều ngày 27/6 đưa tin, ngày 26/6, Tham mưu trưởng quân đội Hoàng gia Anh Nick Carter cho biết, sau cuộc xung đột giữa Anh và Nga trên Biển Đen, ông đã thức trắng đêm vì lo sợ xảy ra chiến tranh với Nga.

Bài báo trên Daily Mail ngày 26/6 viết, cuộc xung đột ở Biển Đen đã khiến tướng Carter thức trắng đêm. Ông Carter nói: "Ai là người chiến thắng trong cuộc chiến tranh hiện vẫn chưa được chắc chắn”.

Các thủy thủ trên HMS Defender mặc đồ phòng cháy khi thao tác trên tàu trong suốt hành trình (Ảnh: Đông Phương).

Các thủy thủ trên HMS Defender mặc đồ phòng cháy khi thao tác trên tàu trong suốt hành trình (Ảnh: Đông Phương).

Ngày 26/6, sau khi Nga cho 20 máy bay chiến đấu Su-24 bay lượn trên tàu HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo: "Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể nhắc nhở kiến thức chung và yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế". "Nếu điều này không giúp ích được gì, chúng ta không chỉ ném bom theo hướng di chuyển, mà còn vào một mục tiêu cụ thể".

Ông Ryabukov còn nói: “Tôi cảnh cáo tất cả những ai vi phạm biên giới của Liên bang Nga với cớ tự do hàng hải không được thực hiện những hành động khiêu khích như vậy, vì an ninh của đất nước chúng ta là trên hết”.

Điện Kremlin ủng hộ những phát biểu của Ryabkov, nói rằng Moscow sẽ đáp trả nghiêm khắc bất kỳ hành động tương tự nào trong tương lai và cảnh báo chống lại bất kỳ "hành động khiêu khích" nào tiếp theo.

Bất chấp những lời cảnh báo của Nga, Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice vẫn tuyên bố rằng các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh "đương nhiên" sẽ tiếp tục hành trình trong vùng biển tranh chấp gần Crimea. Ông nói: "Chúng tôi chưa bao giờ chấp nhận Crimea bị sáp nhập, đây là lãnh hải của Ukraine".

Bài báo cho biết đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Moscow thừa nhận sử dụng đạn thật để răn đe tàu chiến NATO, phản ánh nguy cơ xảy ra sự cố quân sự ngày càng lớn khi quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng gia tăng.

Trước đó, ngày 23/6, tàu khu trục Type 45 HMS Defender của Anh đã đi trong phạm vi 12 km từ Mũi Florent của Biển Đen ở gần Crimea, Nga tuyên bố đây là lãnh thổ của mình nhưng các nước phương Tây cho rằng đây là vùng biển quốc tế.

Về phía Nga, theo hãng tin Sputnik ngày 27/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã tuyên bố: “Màn trình diễn của Anh trong vụ tàu khu trục HMS Defender khiến London không có cớ gì để thoát ra. Đó là một vụ khiêu khích”.

Bà Maria Zakharova nói trên kênh YouTube Solovyov Live: "(Đây) không chỉ là một hành động làm mất ổn định NATO, nó còn là một hành động khiêu khích ... Sau vụ này, nên thường xuyên sử dụng thuật ngữ 'cố tình khiêu khích' để đánh giá hành vi của họ, như thế nhiều việc mới có quy củ".

Máy bay Su-24M của Nga thả bom chặn đường di chuyển của chiếc HMS Defender (Ảnh: Đa Chiều).

Máy bay Su-24M của Nga thả bom chặn đường di chuyển của chiếc HMS Defender (Ảnh: Đa Chiều).

Bà Zakharova nói thêm: "Tình hình đã chứng minh rằng tất cả các kênh liên lạc giữa các nước đã bị NATO phong tỏa".

Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/6 cho biết tàu khu trục Anh HMS Defender đã vượt qua biên giới Nga và đi vào vùng biển gần Mũi Fiorente ở Cộng hòa Crimea khoảng 3 km. Sau đó, các khinh hạm bảo vệ biên giới Nga đã bắn cảnh cáo, máy bay Su-24M đã ném bom cảnh báo về phía trước hướng di chuyển của tàu khu trục Anh.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Thủ tướng Anh tuyên bố rằng tàu khu trục HMS Defender không bị bắn, cũng không vi phạm lãnh hải Nga. Phía Anh khẳng định chiếc tàu chiến này đi qua lãnh hải Ukraine một cách vô hại là phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh chỉ ra rằng vào thời điểm đó Nga đang tiến hành diễn tập pháo binh ở Biển Đen và đã thông báo trước cho "cộng đồng hàng hải" về các hành động của mình. Mặc dù vậy, phóng viên BBC trên tàu Anh khẳng định con tàu này đã cố tình đi vào lãnh hải của Nga. Theo Daily Telegraph của Anh trích nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này, quyết định cuối cùng liên quan đến việc đưa tàu khu trục HMS Defender qua Biển Đen đã được Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định. Bản thân ông Johnson nói rằng con tàu đi qua vùng biển này là "rất phù hợp" và đề cập rằng Anh không công nhận việc Crimea bị Nga sáp nhập.