|
Sau cuộc điện thoại tối 5/7, hai nước đã đạt được đồng thuận lui quân tại một số điểm đối đầu (Ảnh: RFI) |
Ngoại trưởng hai nước đạt được đồng thuận qua điện thoại
Theo Tân Hoa xã tối 6/7, vào tối 5/7, đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới Trung - Ấn của Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã có một cuộc trao đổi qua điện thoại với đại diện đặc biệt Ấn Độ, Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval.
Vương Nghị nói năm nay là năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ đã trải qua thử thách thăng trầm và không dễ mới đạt được sự phát triển ngày nay. Cách đây không lâu, những gì xảy ra ở Thung lũng Galewan khu vực phía tây biên giới Trung - Ấn ở là rất rõ ràng. Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ hiệu quả chủ quyền lãnh thổ của mình và hòa bình yên ổn ở khu vực biên giới.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng việc thực hiện chấn hưng phát triển là ưu tiên hàng đầu của cả Trung Quốc và Ấn Độ; Trung Quốc và Ấn Độ có lợi ích chiến lược chung lâu dài theo hướng này. Hai bên cần kiên trì phán đoán chiến lược, không gây ra mối đe dọa cho nhau và tạo cơ hội cho nhau phát triển; coi trọng tình hình phức tạp phải đối mặt hiện nay trong quan hệ hai nước, cùng nhau khắc phục và xoay chuyển càng sớm càng tốt.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng hai nước sẽ cùng hành động, dẫn dắt đúng đắn dư luận và dân ý, giữ gìn và thúc đẩy giao lưu và hợp tác bình thường, tránh áp dụng các biện pháp mở rộng và làm phức tạp các tranh chấp, cùng nhau bảo vệ đại cục của quan hệ Trung - Ấn.
|
Hai đại diện đặc biệt là Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc (phải) và Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval của Ấn Độ đã đạt được đồng thuận để làm dịu tình hình biên giới (Ảnh: ucpnz.co.nz).
|
Hai bên đã trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc về việc làm dịu tình trạng hiện tại ở biên giới hai nước và đạt được sự đồng thuận tích cực.
1. Hai bên nhất trí tuân theo sự đồng thuận quan trọng của lãnh đạo hai nước, cho rằng duy trì hòa bình và yên bình ở khu vực biên giới là rất quan trọng cho sự phát triển lâu dài quan hệ song phương. Cần đặt vấn đề biên giới ở vị trí thích hợp trong quan hệ song phương để tránh đưa bất đồng trở thành tranh chấp.
2. Hai bên tái khẳng định việc tuân thủ một loạt hiệp nghị đã được hai nước ký kết về vấn đề biên giới và cùng nỗ lực để làm dịu tình hình ở khu vực biên giới.
3. Hai bên đồng ý tăng cường liên lạc thông qua cơ chế gặp gỡ đại diện đặc biệt, liên tục tổ chức các cuộc tham vấn và hội nghị công tác phối hợp về tình hình biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, không ngừng hoàn thiện và tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin ở khu vực biên giới để tránh tái diễn các sự cố ảnh hưởng đến hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới.
4. Hai bên hoan nghênh tiến triển đạt được trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao và quân sự gần đây giữa hai nước, đồng ý tiếp tục đối thoại và tham vấn, đồng thời nhấn mạnh rằng cần đạt được sự đồng thuận ở cấp độ chỉ huy quân đoàn của hai lực lượng phòng thủ biên giới, sớm hoàn thành tiến trình thoát ly tiếp xúc (quân đội hai bên rút lui, không áp sát nhau nữa - PV) giữa các đơn vị ở tuyến một.
|
Các chỉ huy cấp quân đoàn của hai bên ở biên giới gặp nhau (Ảnh: Đa Chiều).
|
Tuyên bố của phía Ấn Độ
Theo trang tin Đa Chiều tối 6/7, cùng ngày, phía Ấn Độ cũng đưa ra tuyên bố về cuộc điện thoại này. Tuyên bố nói rằng hai đại diện đặc biệt đã trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc về những động thái gần đây ở đoạn phía tây của biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.
Hai đại diện đặc biệt đồng ý rằng hai bên cần tuân thủ sự đồng thuận của lãnh đạo hai nước; việc duy trì hòa bình và yên tĩnh ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc là rất quan trọng đối với sự phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Do đó, hai bên nhất trí cho rằng cần phải sớm đảm bảo rằng quân đội hai bên sớm được thoát ly tiếp xúc hoàn toàn dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC) càng sớm càng tốt, làm giảm dần tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc để khôi phục hoàn toàn hòa bình và yên bình.
Tuyên bố chỉ ra rằng hai bên tái khẳng định cần tuyệt đối tôn trọng và tuân thủ đường kiểm soát thực tế, không nên thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào để thay đổi hiện trạng và cùng nỗ lực để tránh mọi sự cố có thể phá vỡ hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới trong tương lai.
|
Thủ tướng Ấn Độ Modi thị sát Ladakh hôm 3/7, nghe báo cáo về tình hình đối đầu ở biên giới với Trung Quốc (Ảnh:AP).
|
Tuyên bố nói, hai đại diện đặc biệt đồng ý rằng các quan chức ngoại giao và quân sự của hai bên cần tiếp tục thảo luận, thực hiện kịp thời sự hiểu biết mà hai bên đạt được, thực hiện những thành quả trên. Hai bên cũng đồng ý hai đại diện đặc biệt sẽ tiếp tục đối thoại theo các hiệp định và nghị định thư song phương để đảm bảo khôi phục hòa bình và yên bình đầy đủ và lâu dài ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Tình hình biên giới đã dịu bớt, nhưng ở hồ Pangong vẫn căng thẳng
Theo Đa Chiều, tình hình đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở tiền tuyến đã giảm bớt. Trang web Ấn Độ News18 cho biết các nguồn tin ngày 6/7 cho biết, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã rút khỏi ba điểm đụng độ trên đường kiểm soát thực tế, trong đó địa điểm nơi xảy ra cuộc xung đột bạo lực đẫm máu tối ngày 15/6.
Được biết, sau ba vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn được tổ chức trong tháng 6 của hai quân đội, nay việc thoát ly tiếp xúc giữa hai đội quân tuần tra ở các điểm Thung lũng Galwan, Hot Springs và Gogra đã thực hiện được.
|
Tình trạng đối đầu căng thẳng ở khu vực hồ Pangong vẫn chưa hề thay đổi (Ảnh: Đa Chiều).
|
Tin tức cũng cũng cho biết, một vùng đệm được thiết lập giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc.
Một quan chức mô tả việc rút quân lần này là "một bước nhỏ trong quá trình thoát ly tiếp xúc" và nói "liệu đây có phải là một sự thoát ly tiếp xúc thực sự và lâu dài" hay không thì còn phải chờ xem.
Tuy nhiên, theo Đa Chiều, các cơ quan truyền thông The Times of India và The Print ngày 6/7 đã chỉ ra rằng: tình hình đối đầu ở hồ Pangong Tso vẫn chưa có sự đột phá, nghĩa là vẫn đối đầu căng thẳng. Bởi vậy, thỏa thuận giữa hai đại diện đặc biệt có được thực hiện trong thực tế nay không, còn phải chờ xem!