Nỗi lo suy thoái bao trùm Phố Wall

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nền kinh tế Mỹ đã có thêm gần nửa triệu việc làm trong tháng Ba. Chỉ số Dow Jones vận động quanh vùng đỉnh. Bất chấp loạt thông tin tích cực, những dự đoán về một cuộc suy thoái vẫn đang bao trùm Phố Wall.
Vì sao nỗi lo suy thoái bao trùm Phố Wall? (Ảnh: Reuters)

Vì sao nỗi lo suy thoái bao trùm Phố Wall? (Ảnh: Reuters)

Các tỷ phú đầu tư, cựu quan chức Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) và cả các ngân hàng đầu tư nhiều lần lên tiếng cảnh báo khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ gặp suy thoái vào năm 2023.

Điều gì đang thúc đẩy những dự báo suy thoái kinh tế gần đây (?!).

Trong một bài viết gần đây trên Washington Post, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nhấn mạnh rằng điều kiện kinh tế hiện tại phần nào gợi nhớ đến các giai đoạn tiền suy thoái kinh tế trước đây trong lịch sử.

“Trong 75 năm qua, mỗi khi lạm phát vượt 4% và tỉ lệ thất nghiệp dưới 5%, nền kinh tế Mỹ đều sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 2 năm”, Summers viết.

Ngày nay, tỉ lệ lạm phát của Mỹ là gần 8% và tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 3,6% vào tháng Ba. Do đó, Summers cho rằng có tới 80% khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.

Gary Pzegeo – người đứng đầu bộ phận Fixed income của CIBC’s US Private Wealth, nói với tạp chí Fortune rằng, ông tin rằng phần lớn các dự báo suy thoái hiện nay đều đến từ “tín hiệu thị trường”, mà cụ thể là sự nghịch đảo của đường cong lợi tức gần đây.

Theo Pzegeo, sự ‘bùng nổ’ giá cả hàng hoá, quyết định tăng lãi suất của Fed và xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, từ đó làm phẳng đường cong lợi suất. Và khi đường cong lợi suất đảo ngược, nó làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc suy thoái.

Việc lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn (2 năm) cao hơn lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn (10 năm) đã nhiều lần dự báo đúng về suy thoái kinh tế kể từ năm 1955, với chỉ một lần chỉ báo sai trong khoảng thời gian này. Khung thời gian trung bình cho một cuộc suy thoái khi đường cong lợi suất đảo ngược là từ 6-24 tháng, do đó, nhiều dự báo cho rằng sẽ có suy thoái kinh tế vào năm 2023.

Dù vậy, Pzegeo vẫn cho biết CIBC vẫn không đưa việc dự báo suy thoái vào “trường hợp cơ sở”.

Các ngân hàng không có được sự lạc quan như vậy. Các nhà kinh tế học của Deutsche Bank đưa ra dự báo suy thoái kinh tế sẽ diễn ra vào nửa sau năm 2023 khi lạm phát lan rộng ra toàn cầu.

“Hai cú sốc trong những tháng gần đây, bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine và lạm phát tăng nóng ở Mỹ và Châu Âu đã khiến chúng tôi phải điều chỉnh lại đáng kể các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, nhóm nghiên cứu của Deutsche Bank do nhà kinh tế David Folkerts-Landau dẫn đầu cho biết. “Chúng tôi hiện đang dự báo một cuộc suy thoái ở Mỹ trong vòng hai năm tới”.

Fed có thể làm gì?

Đối với các nhà kinh tế, Fed có thể là ‘chìa khoá’ cho các dự đoán về một cuộc suy thoái.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, ngân hàng trung ương đã hỗ trợ nền kinh tế Mỹ bằng cách duy trì lãi suất gần bằng 0, đồng thời tung ra các gói nới lỏng định lượng (QE) để bơm tiền vào nền kinh tế.

Giờ đây, khi những thách thức của đại dịch đang giảm dần và lạm phát tăng cao chưa từng thấy trong 4 thập kỷ, Fed đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khác: đảm bảo việc ‘hạ cánh mềm’ cho nền kinh tế Mỹ. Mục tiêu của Fed là tăng lãi suất và chấm dứt gói QE để hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát, sao cho không gây suy thoái.

Tuy nhiên, theo Carl Icahn – huyền thoại đầu tư, nhà sáng lập của quỹ Icahn Enterprises – bày tỏ mối nghi ngờ về việc Fed có thể dẫn nền kinh tế Mỹ đi đúng hướng.

“Tôi thực sự không biết liệu Fed có thể ‘hạ cánh mềm’ cho nền kinh tế Mỹ hay không”, Icahn nói. Vị tỉ phú này tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái ‘hoặc thậm chí tồi tệ hơn’ vào cuối năm tới./.

Tham khảo Fortune