Nội bộ EU dần bộc lộ bất đồng về giải quyết xung đột Nga-Ukraine

VietTimes – Ngày 6/6, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã tuyên bố trong chuyến thăm tới Anh rằng việc một số nhà lãnh đạo EU kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn là quá sớm. Bà kêu gọi EU "cần chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài".
Thủ tướng Estonia Kajja Kallas chỉ trích một số nước EU kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn (Ảnh: FT).

Theo báo Anh Financial Times ngày 6/6, Thủ tướng Estonia bà Kaja Kallas đã hội đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào cùng ngày, sau đó đã đưa ra tuyên bố này khi được giới truyền thông hỏi về vấn đề liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Bà Kaja Kallas nói, các nước phương Tây “đã ba lần dung túng cho Nga tranh cướp lãnh thổ". Đó là đối với Gruzia năm 2008, sáp nhập Crimea và vùng Donbass của Ukraine vào năm 2014. Bà nói rằng: “Nếu hiện nay lại thúc đẩy Ukraine tiến hành đàm phán hòa bình với Nga thì sẽ lặp lại những sai lầm tương tự”. Tuy nhiên, bà không đề cập đến bất cứ điều gì về sự mở rộng về phía đông của NATO.

Bà nói: "Chúng ta không thể lại phạm sai lầm đó một lần nữa. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài".

Financial Times viết về vụ việc.

Các thông tin chỉ ra rằng, gần đây các nhà lãnh đạo của Italy, Pháp và Đức đã công khai kêu gọi tiến hành cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Thủ tướng Kaja Kallas nói: "Tôi rất lo ngại về những lời kêu gọi ngừng bắn (đàm phán hòa bình) còn quá sớm (premature) đó. Bởi vì hòa bình không thể chấm dứt được những hành động tàn bạo của Nga tại các vùng đất bị họ chiếm đóng".

Theo Financial Times, bà thủ tướng quốc gia vùng Baltic Estonia Kaja Kallas đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo EU có lập trường cứng rắn nhất đối với Nga. Có lập trường giống như bà còn có các nhà lãnh đạo của các quốc gia Baltic khác như Lithuania và Ba Lan. Họ kêu gọi Liên minh châu Âu và Mỹ áp dụng thêm nhiều biện pháp hơn để kiềm chế Nga, bao gồm viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nhiều hơn nữa đối với Nga.

Financial Times cũng cho biết Estonia đã trở thành quốc gia có số lượng vũ khí viện trợ cho Ukraine nhiều nhất tính theo bình quân đầu người. Tuy nhiên, điều này có thể là do dân số của nước này quá ít, theo trang web của Bộ Ngoại giao Estonia, tính đến tháng 1 năm 2021, Estonia có tổng dân số vào khoảng 1,33 triệu người.

Bà Kajja Kallas và Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 6/6.

Gần đây, nhiều nhà lãnh đạo EU đã công khai kêu gọi ngừng bắn và hòa giải. Theo Reuters, ngay từ cuộc họp của các phái viên EU vào ngày 20/5, đặc phái viên Italy đã đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình và ngừng bắn ngay lập tức là một trong những mục tiêu hàng đầu của EU. Đề xuất này được các nước Hungary và Síp ủng hộ. Sau đó, phía Italy đã tổng hợp thành một Kế hoạch hòa bình 4 điểm và được trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres.

Theo giới truyền thông tiết lộ, kế hoạch hòa bình do Italy đề xuất bao gồm bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, thực hiện ngừng bắn và phi quân sự hóa mặt trận miền Đông Ukraine; Giai đoạn thứ hai, các bên tiến hành đàm phán đa phương về địa vị quốc tế của Ukraine trong tương lai, tức Ukraine có được gia nhập EU hay không và giữ trung lập với hình thức nào; Giai đoạn thứ ba, Nga và Ukraine sẽ đàm phán về quy chế của Crimea, Donetsk và Luhansk; Giai đoạn thứ tư, kế hoạch kêu gọi kí một hiệp nghị đa phương về hòa bình và an ninh ở châu Âu, trọng điểm là giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí (của Ukraine) và Nga rút quân. Giám sát công tác này sẽ là một nhóm xúc tiến quốc tế có sự tham gia của các nước EU và Liên Hợp Quốc.

Ngày 28/5, theo thông cáo của Điện Elysee Pháp, theo sáng kiến ​​chung của Pháp và Đức, ba nước Nga, Pháp và Đức cùng ngày đã tổ chức một cuộc họp qua điện thoại, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Scholz đã trực tiếp nêu yêu cầu ngừng bắn với Tổng thống Nga Putin và hy vọng ông Putin sẽ tiến hành hội đàm trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Vào ngày 3/6, kênh truyền hình Mỹ CNN cho biết nhiều người quen thuộc với vấn đề tiết lộ rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu trong các cuộc họp thường kỳ gần đây đã thảo luận về khả năng giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua các cuộc đàm phán ngừng bắn và một trong những chủ đề là Kế hoạch hòa bình bốn điểm được Italy đề xuất. CNN cho biết, bản thân Ukraine lại không trực tiếp tham gia vào các cuộc thảo luận này.

Thủ tướng Italy Mario Draghi đề xuất Kế hoạch hòa bình 4 điểm khiến bất đồng trong nội bộ EU bộc lộ,

Điều đáng chú ý là Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov mới đây đã chỉ trích các nước phương Tây không có thành ý đàm phán.

Vào ngày 4/6 theo giờ địa phương, Ngoại trưởng Lavrov khi trả lời phỏng vấn đã nói các nước phương Tây không cho phép Ukraine đàm phán với Nga. Ông nói, mức sống ở châu Âu đang giảm xuống, lạm phát đang leo thang và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Những người bình thường phải khốn khổ chịu đựng vì những vấn đề như giá cả tăng cao. Nhiều người có nguy cơ lâm vào tình trạng đói nghèo. Mặc dù vậy, hàng chục tỷ đô la và euro vẫn đang được cung cấp cho Ukraine.

Ngoại trưởng Lavrov cũng nói, ngân sách nhà nước của Nga sẽ không bị thiệt hại gì do việc nguồn cung dầu cho EU bị hạn chế. Nga đã tăng cường bán dầu sang các thị trường khác. Năm 2022, lợi nhuận xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ vẫn gia tăng đáng kể.