|
Việc cho phép người Trung Quốc sang chặt phá rừng và xuất khẩu số lượng lớn gỗ sang Trung Quốc đã gây nên bất đồng trong chính phủ Nga |
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, ngày 19 tháng 8, Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov đã nói trong một cuộc phỏng vấn: ông hiểu đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Sinh thái Nga Dmitry Kobylkin và cũng quan tâm không kém về việc sử dụng hợp lý tài nguyên rừng của Nga; song lại cho rằng “nhưng tôi không nghĩ cần phải ngay lập tức quyết định cấm xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc”.
Ông Bộ trưởng Công Thương Nga cho rằng chuyện khai thác gỗ bất hợp pháp là một vấn đề trong nước của Nga, đòi hỏi chính quyền địa phương và các cơ quan thực thi pháp luật phải cùng nhau quan tâm giải quyết.
Manturov nói thêm: “Căn cứ theo các quy tắc quốc tế, Nga không thể chỉ cấm xuất khẩu sang một quốc gia cụ thể. Nếu chúng ta áp đặt các hạn chế đối với một quốc gia, quốc gia này cũng có thể thực hiện các biện pháp chống trừng phạt theo quy định của WTO”.
|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Sinh thái Nga Dmitry Kobylkin: nếu Bắc Kinh không tham gia vào việc giải quyết nạn khai thác gỗ bất hợp pháp ở Nga, Nga có thể cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc
|
Ông Manturov nhấn mạnh, “Trung Quốc hiện đang là đối tác kinh tế và thương mại chính của Nga và chúng ta có kế hoạch gia tăng thêm khối lượng thương mại song phương. Vì vậy, nếu không thật cần thiết, thì không nên áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu nào, đối với gỗ cũng như vậy”.
Trước đó, ngày 15 tháng 8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Sinh thái Nga Dmitry Kobylkin khi trả lời phỏng vấn của báo “Vedomosti” đã phàn nàn về thái độ của Trung Quốc trong vấn đề khai thác rừng bừa bãi. Ông nói, thái độ của Trung Quốc khiến người ta không hài lòng. Họ (những người khai thác gỗ Trung Quốc) đã mua tất cả số gỗ bị chặt (bất hợp pháp) và để lại mớ hỗn độn bắt chúng ta dọn dẹp. Trung Quốc cần phải nhận thức rõ rằng nếu họ không tham gia giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cấm hoàn toàn việc xuất khẩu gỗ cho họ”.
Bộ trưởng Dmitry Kobelkin cũng muốn phía Trung Quốc giúp Nga trồng cây non ở phần đất phía Nga nằm ở biên giới chung hai nước để bù đắp những thiệt hại do nạn khai thác gỗ bất hợp pháp của họ gây nên.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Kobylkin nói về khả năng cấm hoàn toàn xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc. Trước đó, ngày 7 tháng 11 năm 2018, tại một cuộc họp do Hội đồng Liên bang nghị viện tổ chức, ông Kobelkin cũng đã phát biểu cảnh báo, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ chính của Nga; nếu Trung Quốc không hợp tác với Nga trong việc chỉnh đốn trật tự lĩnh vực khai thác gỗ và đáp ứng các yêu cầu của Nga, Nga có thể cấm hoàn toàn xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc.
|
Nạn chặt phá rừng bừa bãi của thương nhân Trung Quốc đang trở thành vấn nạn ở Siberia và Viễn Đông
|
Một số nhà phê bình cho rằng các công ty Trung Quốc sau khi chặt phá các khu rừng ở Siberia và Viễn Đông, chỉ biết vận chuyển gỗ về Trung Quốc. Người Trung Quốc không quan tâm đến việc trồng lại cây mới trong các khu đất trống và khôi phục thảm thực vật rừng ở đó. Một lượng lớn gỗ phế thải bị họ bỏ lại rất dễ gây nên nạn cháy rừng. Năm nay, Siberia đang phải gánh chịu một đợt cháy rừng nặng nề quanh vành đai Bắc Cực, chưa được dập tắt hoàn toàn suốt 3 tháng nay.
Vùng Siberia và Viễn Đông của Nga vốn có nguồn tài nguyên gỗ quý giá từ những cánh rừng nay đã dần bị thu hẹp lại do tình trạng khai thác gỗ ồ ạt từ các thương nhân Trung Quốc. Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây, Nga đã cung cấp 31% lượng gỗ nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2017. Còn theo số liệu thống kê thương mại của Nga, xuất khẩu gỗ từ Nga sang Trung Quốc đã tăng lên 3,5 tỷ USD vào năm 2018, so với mức 2,2 tỷ USD hồi năm 2013. Nhưng đó mới chỉ là các con số thống kê; nạn chặt phá bất hợp pháp tại các khu rừng của Siberia đã tạo ra một vấn đề lớn hơn trong suốt một thập kỷ qua.