Nặng nề chi phí dự phòng rủi ro
Theo báo cáo tài chính quý IV/2014 của Sacombank, chi phí dự phòng tăng mạnh (ở mức 121,5%), chất lượng tài sản bị ảnh hưởng khi sáp nhập với NH TMCP Phương Nam và kế hoạch phát hành cho đối tác chiến lược chưa có nhiều tiến triển là những vấn đề mà NH đang gặp phải.
Dự kiến, chi phí này sẽ còn tăng cao trong năm 2015 khi NH này tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới, dịch vụ. Con số dự kiến cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại NH này trong năm 2015 ở mức 1.228 tỷ đồng, tăng 27,5%. Về lý thuyết, chi phí vận hành và chi phí dự phòng tăng cao, nợ xấu cũng tăng cao.
Tại Sacombank, tỷ lệ nợ xấu năm 2014 là 1,19% (năm 2013 là 1,46%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 84% năm 2013 lên 90%; chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (tăng mạnh 121,5%) lên mức 962 tỷ đồng. Nếu nhìn vào cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn, có thể nhận thấy nợ trung và dài hạn đã tăng mạnh lần lượt 24,4% và 41,3% so với đầu năm 2014.
Chi phí tăng cao ăn mòn lợi nhuận cũng là vấn đề của Eximbank trong năm 2014. Báo cáo tài chính của NH này ghi rõ, trong khi kinh doanh yếu thì chi phí hoạt động lại giảm không đáng kể, mức giảm chưa đến 6% so với năm 2013. Chi phí cao cộng với dự phòng rủi ro cao khiến cho kết quả kinh doanh của Eximbank giảm khá mạnh.
Cụ thể, trong quý IV/2014, khoản dự phòng của Eximbank lên đến 589 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước đó và dự phòng cả năm cũng gấp gần 3 lần so với năm 2013, lên 869 tỷ đồng.
Kinh doanh đã không gánh nổi chi phí, cộng thêm phần dự phòng lớn khiến cho Eximbank lỗ trước thuế quý IV tới 878 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần mức lỗ cùng kỳ 2013. Theo nguồn tin từ Eximbank, mức tăng chi phí sẽ không dừng lại trong năm 2015 khi chỉ tính riêng chi phí truyền thông những năm trước do chi tiêu quá nhiều nên đã bị âm vào cả hai năm 2015 và 2016.
Cũng trong báo cáo hợp nhất quý IV/2014 của Eximbank, tổng số 87,147 tỷ đồng cho vay khách hàng của Eximbank tại cuối năm 2014 có: 84.467 tỷ đồng nợ đủ tiêu chuẩn, 536 tỷ đồng nợ cần chú ý, 246 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn, 555 tỷ đồng nợ nghi ngờ và 1.344 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn (các số liệu đã được làm tròn đến hàng tỷ).
Khó "kìm cương" nợ xấu
Nhìn chung, sau một thời gian tái cấu trúc, kết quả đạt được trong năm 2014 không quá bất ngờ. Nhiều NH vẫn không những không thoát ra khỏi khó khăn hiện hữu mà còn bị "lậm" nợ xấu hơn. Đánh giá về nợ xấu, một lãnh đạo của Sacombank lý giải, tín dụng của Sacombank vẫn đạt mức tăng trưởng 15,8% nhưng lãi thuần từ dịch vụ giảm 2%.
Chi phí hoạt động 4.461 tỷ đồng (tăng 6,5%) chủ yếu do chi lương và phụ cấp tăng. Kế đến là mức độ cạnh tranh ngày càng cao giữa các NH ở lĩnh vực thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trong bối cảnh nguồn thu từ tín dụng đang có xu hướng giảm...
"Tuy nhiên, những chỉ số này có thể cải thiện được vì năm 2015, Sacombank có các biện pháp như tăng vốn, đưa thêm mô hình mới, đàm phán lại các khoản vay, hoán đổi nợ thành vốn cổ phần...", vị lãnh đạo này nói.
Không được lạc quan như Sacombank, một lãnh đạo NHTM cổ phần (giấu tên) cho biết, tỷ lệ nợ xấu của NH đang tăng nhẹ dù liên tục đẩy nhanh kế hoạch tái cấu trúc. Một trong những lý do kéo lùi thành tích đó là việc xử lý nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chậm và giải pháp mua nợ theo giá thị trường không đạt hiệu quả kỳ vọng.
Sự cải thiện về chất lượng của bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng theo đó chỉ mang tính nhất thời. Cùng lúc đó, thị trường BĐS phục hồi chậm hơn dự báo khiến việc xử lý và tỷ lệ thu hồi nợ đối với những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là BĐS đạt kết quả thấp...
Thực tế, các TCTD vẫn dựa vào kênh trái phiếu chính phủ để giải quyết tình trạng dư thừa thanh khoản có thể khiến tỷ lệ lãi biên (NIM) duy trì ở mức thấp và ảnh hưởng đến nguồn thu nhập từ lãi, nguồn thu nhập chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập của các NH. Còn đối với tín dụng, không nói đến năm 2014, chỉ tính quý I/2015, tăng trưởng tín dụng tại một số NH vẫn chưa cải thiện.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc các NH đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC trong năm vừa qua chỉ có thể "làm sạch" được bản cân đối tạm thời, nhưng không thể giải quyết được tận gốc vấn đề nợ xấu. Bởi sau khi bán nợ xấu cho VACM, khâu xử lý vẫn thuộc về NH.
Vì thế, khả năng các NH phải nhận lại khoản nợ xấu trong năm 2015 là rất lớn. Bởi sau 5 năm, nếu không giải quyết được nợ xấu, VAMC sẽ trả lại khoản nợ đó cho NH. Trong khi tình hình thị trường hiện đang rất khó khăn nên NH không dễ dàng trong xử lý nợ xấu.
Sự nỗ lực của NH trong việc xử lý nợ xấu chủ yếu bằng trích lập dự phòng rủi ro hiện nay được đánh giá cao, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, điều đó sẽ rất khó cho các NHTM về lâu về dài nếu nợ xấu tiếp tục tăng.
"Hệ quả đã thấy rõ là năm 2014 các NH đã nỗ lực giảm nợ xấu bằng nhiều cách nhưng kết quả đạt được không cao. Vì thế, nếu chỉ dùng khả năng và nguồn lực của NHTM để xử lý nợ xấu là điều khó kỳ vọng hiệu quả mà cần có vốn ngân sách. VAMC hiện nay cũng không kỳ vọng giải quyết được nợ xấu, vì không có đầu ra", TS. Hiếu nói.
Thừa nhận điều này, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc DongA Bank cho biết, mặc dù đã tập trung đẩy mạnh xử lý và bán cho VAMC, song nợ xấu vẫn tăng đáng kể nên không dễ đẩy mạnh tín dụng. Do đó, các NH đang cần thêm nhiều giải pháp thực tế hơn để thúc đẩy tiến trình kéo giảm nợ, đưa hoạt động NH phát triển hiệu quả hơn...
Theo DNSG