Những tuyệt tác công phu giữ gìn văn hóa truyền thống

VietTimes – Dòng tranh dân gian truyền thống đang quay trở lại mạnh mẽ với những dấu ấn đương đại khắc sâu nét văn hóa Việt.
Khám phá tranh Kim Hoàng, một trong ba dòng tranh dân gian lớn của đồng bằng Bắc Bộ
Khám phá tranh Kim Hoàng, một trong ba dòng tranh dân gian lớn của đồng bằng Bắc Bộ

Tuyệt tác công phu thổi hồn đương đại

Phiên chợ mở từ chiều Mùng 1 Tết và kéo dài trong suốt các ngày Tết nguyên đán với phố ông đồ sôi động ở các đô thị trung tâm như Hà Nội (khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám), TP.HCM (Nhà văn hóa Thanh Niên, Vườn hoa Tao Đàn) giờ đây không phải chỉ là nơi xin chữ và cho chữ mà đã phát triển mạnh mẽ trở lại sức sống của dòng tranh dân gian chơi Tết.

Ngày xuân ngắm tuyệt tác công phu từ các dòng tranh dân gian truyền thống quả thực là thú chơi tao nhã. Cả người sáng tạo lẫn người thưởng thức, chiêm ngắm, sưu tập đều cảm thấy vô cùng mãn nhãn, thăng hoa bay bổng trong không gian giao lưu với nghệ thuật, vừa có nét cổ truyền, vừa có đời sống đương đại, và đặc biệt là nét riêng mang tính bản địa quý giá, không trộn lẫn, không hòa tan.

Tranh dân gian truyền thống đường nét đơn sơ nhưng lại gửi gắm trong đó ý tứ sâu sắc về những lời chúc “Vinh hoa”, “Phú quý”, “Sung túc”, “Hạnh phúc”... Dường như, nghệ thuật truyền thống của ông bà ta xưa nay được hiện đại hóa, thổi hồn vào những sáng tác đi theo trường phái tối giản, chắt lọc, nói lên thông điệp cốt lõi một cách trực diện và mạnh mẽ.

Nhắc đến dòng tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia, ngày nay không chỉ có các nghệ nhân trăm tuổi bạc đầu râu như nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, mà đã có rất nhiều thế hệ kế tiếp âm thầm theo đuổi công việc sáng tạo với dòng tranh mang nặng ý nghĩa bảo tồn truyền thống dân tộc này, như các họa sĩ Trần Nguyên Đán, Phương Vũ Mạnh, Lý Trần Quỳnh Giang, Hoàng Minh Phúc...

Kỹ thuật khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán
Kỹ thuật khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán

Họa sĩ, PGS.TS Hoàng Minh Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh - là một trong những gương mặt đã tổ chức nhiều hoạt động để giữ gìn nét văn hóa truyền thống Việt.

Đắm đuối với những sáng tác tranh in khắc gỗ đầy chất bản địa khác biệt, họa sĩ Hoàng Minh Phúc từng mang tranh triển lãm cá nhân tại Hà Nội (năm 2009), tại Centre Culturel du Vietnam, Paris (2009), tại Tòa thị chính Choisy le Roi, Paris (2010), tại Foyer Vietnam, Paris (2010), tại Bonn, Đức (2010), tại Gallery Heritage, Paris (2010) và tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước và quốc tế.

Các tranh khắc gỗ thể hiện đời sống Việt Nam vô cùng sinh động của Hoàng Minh Phúc khi mang ra quốc tế đều thu hút sự chú ý của bạn bè trong và ngoài giới mỹ thuật.

Theo đuổi dòng tranh khắc gỗ đã hai mươi lăm năm tròn, họa sĩ Hoàng Minh Phúc cho biết: “Thể loại tranh in khắc gỗ thu hút và níu giữ đam mê của tôi không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn là phương pháp thể hiện ý tưởng sáng tạo.

Để theo đuổi tranh khắc gỗ, đầu tiên là phải học phương pháp truyền thống từ các nghệ nhân tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh Làng Sình, Kim Hoàng... Sau đó, trải qua quá trình sáng tác, còn phảo đưa vào tác phẩm thêm nhiều kỹ thuật mới để phù hợp với thời đại”.

Tranh gà Kim Hoàng
Tranh gà Kim Hoàng chứa đựng nhiều giá trị tinh hoa của người Việt


Văn hóa có thể trao truyền

Ba dòng tranh dân gian lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, gồm: tranh Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ đều là những dòng tranh chứa đựng nhiều giá trị tinh hoa của người Việt từ kỹ thuật đến nghệ thuật.

Kim Hoàng là tên thường gọi của dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Làng xưa vốn là sự hợp nhất của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng thành làng Kim Hoàng.

Vào năm Chính Hòa thứ 22 (1701), hai làng này đã dựng đình chung và lấy mốc thời gian này làm sự khởi đầu của nghề in tranh. Làng nghề này đến đầu thế kỷ XX gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Năm 2015, làng tranh Kim Hoàng bắt đầu được phục dựng nhờ sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân.

Họa sĩ, PGS.TS Trang Thanh Hiền, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam đặc biệt gắn bó với dòng tranh dân gian Kim Hoàng trong suốt quá trình phục dựng tranh nhiều năm nay.

Đặc biệt, với lựa chọn mang nhiều yếu tố giáo dục từ một nhà giáo, họa sĩ Trang Thanh Hiền đã cùng với các cộng sự tạo ra một loạt sự kiện “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh dân gian Kim Hoàng”, chuỗi hoạt động trải nghiệm tại Hà Nội dành cho thanh thiếu niên in tranh, vẽ tranh cùng với nghệ nhân Kim Hoàng và các giảng viên, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Khám phá tranh Kim Hoàng
Khám phá tranh Kim Hoàng cùng các  nghệ nhân, giảng viên, sinh viên Đại học Mỹ thuật 


Họa sĩ, PGS.TS Trang Thanh Hiền khẳng định: “Các chương trình trải nghiệm sáng tạo từ năm 2014 đến nay đã có một sức ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động mỹ thuật ở thủ đô. Thậm chí thông qua mạng xã hội, nó còn ảnh hưởng lan rộng hơn nữa, tạo nên một sức sống mới của phong trào tìm hiểu văn hóa, mỹ thuật truyền thống ở các câu lạc bộ mỹ thuật, các trung tâm mỹ thuật và thậm chí các chương trình giải trí, hội chợ ở các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Nghệ sĩ, nghệ nhân thông qua các chương trình giáo dục các giá trị truyền thống Việt, bằng những cách khác nhau đã tạo được ấn tượng cũng như biến công việc lặng thầm của văn hóa truyền thống thành sản phẩm giáo dục có thể trao truyền”.

Trẻ em đến tham gia các hoạt động tô tranh dân gian Kim Hoàng, vẽ trên quạt giấy, vẽ trên túi giấy, vẽ mặt nạ truyền thống, vẽ tranh tập thể tương tác với nghệ thuật tranh dân gian Kim Hoàng… học được nhiều điều thú vị bổ ích từ các bài thuyết trình sinh động về tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng. Phương pháp này giúp nghệ thuật dân gian có sức sống trở lại trong đời sống của người Việt, với một nền tảng hiểu biết vững chắc và sự kế thừa có tính hiện đại, sáng tạo.  

Ảnh: NVCC