Những tình tiết động trời bị che đậy về sự kiện khủng bố ngày 11/9

VietTimes – Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khai mở các dữ liệu về âm mưu khủng bố, nhưng không chắc sẽ trả lời hết những câu hỏi còn lại.
Một phần của Lầu Năm Góc, sau khi bị một chiếc máy bay đâm vào, ngày 11/9/2001 (Ảnh: AFP)

Giải mật thêm tài liệu điều tra

Chịu sức ép từ gia đình các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11/9/2001, đe dọa sẽ biểu tình rầm rộ nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm của sự kiện này, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước đã có động thái đáng chú ý khi chỉ đạo Bộ Tư pháp và các cơ quan khác công khai nhiều phần dữ liệu về âm mưu của al-Qaeda mà từ lâu họ đã giữ kín.

Điều mà người ta vẫn chưa rõ là liệu việc giải mật các tài liệu của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) có giúp làm rõ được những bí ẩn vẫn còn bao trùm sự kiện ngày 11/9 hay không, hoặc chúng có thể cung cấp thêm bằng chứng để ủng hộ luận điểm mà các gia đình nạn nhân đưa ra trong vụ kiện Liên bang – rằng Arab Saudi có dính líu tới âm mưu này – hay không.

“Ông ấy có quyền lực để không công khai” – một phát ngôn viên cho một gia đình nạn nhân vụ 11/9, Brett Eagleson, nói về Tổng thống Joe Biden – “Nhưng giờ ông ấy đã đưa ra lời hứa, và sẽ cần phải thực hiện nó”.

Cuộc đấu tranh pháp lý dai dẳng giữa gia đình các nạn nhân với Bộ Tư pháp Mỹ gần đây tập trung vào một danh sách gồm 45 tệp tài liệu của FBI mà chính phủ xác nhận là có liên quan tới vụ kiện của họ tại một tòa án cấp liên bang ở New York.

Các luật sư đại diện cho những gia đình này nói rằng, những tài liệu trên chỉ là một phần nhỏ trong số dữ liệu của chính phủ mà nên được công khai với họ, theo chỉ thị mà tòa đưa ra năm 2018. Chỉ thị đó hạn chế bên nguyên đơn chỉ được tiếp cận thông tin về một vài nhân vật liên quan tới 2 kẻ cướp máy bay đầu tiên đến nước Mỹ, Nawaf al-Hazmi và Khalid al-Mihdhar.

FBI bị... gạt ra ngoài

2 công dân Arab Saudi này đã bay tới Los Angeles từ Bangkok, Thái Lan vào ngày 15/1/2000. Mặc dù được đào tạo kỹ lưỡng để thực hiện hành vi khủng bố, nhưng hai kẻ này gần như không hề biết một chữ tiếng Anh nào và chỉ nhận được vài chỉ dẫn trống rỗng về cách thức hoạt động trong xã hội phương Tây; theo lời khai mà những người biết hai kẻ này nói với FBI sau vụ khủng bố.

Sau khi đến Mỹ, 2 kẻ này tìm ngay tới một nhà thờ Hồi giáo mới mà chính phủ Arab Saudi đã xây dựng ở thành phố Culver, bang California. Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ tại một quán cà phê gần đó, chúng được mời tới định cư ở San Diego bởi Omar al-Bayoumi, một sinh viên người Arab Saudi đã tốt nghiệp từng bị FBI điều tra vì tình nghi làm gián điệp cho Arab Saudi.

CIA đã theo dõi Hazmi và Mihdhar khi chúng gặp gỡ với những thành viên của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Malaysia vào đầu tháng 1/2000. Thế nhưng không rõ vì sao, cơ quan này để mất dấu sau khi chúng dùng hộ chiếu Arab Saudi để bay tới Thái Lan, và đến Los Angeles. Thậm chí vào tháng 3/2000, sau khi CIA biết được rằng có ít nhất 1 trong số những kẻ khủng bố đó đã đặt chân lên lãnh thổ Mỹ, họ vẫn không thông báo cho FBI mà phải chờ đến mãi tháng 8/2001.

CIA sau đó thẩm vấn kẻ được cho là “kiến trúc sư” của âm mưu khủng bố, Khalid Sheikh Mohammed, về lý do tại sao hắn lại cử 2 kẻ cướp máy bay đầu tiên tới phía Nam California, và liệu hai kẻ này có nhận được sự hỗ trợ nào từ mạng lưới đang nằm vùng ở đó hay không. Tuy nhiên, các đặc vụ FBI đang điều tra vụ tấn công lại bị hạn chế tiếp cận nguồn tin tình báo của CIA, và rất ít trong số thông tin mà FBI nhận được được công khai.

Nằm trong số những tài liệu có thể là bằng chứng, mà chưa từng được chính phủ Mỹ công bố, là nhiều đoạn băng ghi lại cảnh Hazmi và Mihdhar đặt chân tới Sân bay Quốc tế Los Angeles. Các cựu điều tra viên FBI cho hay họ chưa bao giờ được phép chạm tay vào những đoạn băng này mặc dù đã liên tục đề nghị. Điều này khiến cho vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan tới việc, những kẻ cướp máy bay này từng gặp gỡ những ai?

Nhiều tình tiết bị che giấu có chủ đích

Ngay cả cách mà FBI xử lý những bằng chứng mà họ thu thập được cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi. Vừa mới tuần trước, đại diện của các gia đình nạn nhân vụ 11/9 đã viết thư gửi Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp, Michael Horowitz, để yêu cầu ông điều tra xem liệu có phải FBI đã cố tình che giấu hay tiêu hủy một số bằng chứng để ngăn cho chúng không được công khai hay không.

Đề nghị này được đưa ra sau khi chính phủ đưa ra tuyên bố tại tòa liên bang rằng, họ không thể tìm thấy một số tài liệu và thông tin từng thu thập được trong vụ điều tra, trong đó bao gồm cả lời khai nhân chứng mà FBI lấy được và các đoạn ghi âm điện thoại lời khai của những người có liên quan tới 2 kẻ cướp máy bay. Trong số những vật chứng mà cơ quan này nói là đã đánh mất bao gồm một đoạn video tự quay tại nhà, được thực hiện ở San Diego, trong đó Bayoumi giới thiệu 2 kẻ cướp máy bay với một nhóm bạn của hắn ta.

Một báo cáo năm 2020 được thực hiện bởi Tạp chí The New York Times và ProPublica nói rằng, ngay sau khi FBI mở “Chiến dịch Encore”, cuộc điều tra nhằm vào sự kiện gốc ngày 11/9, trong năm 2017, các đặc vụ đã phát hiện ra rằng các chuyên gia lưu trữ của FBI có ý định tiêu hủy bằng chứng thu được từ Bayoumi trong những ngày sau khi vụ tấn công xảy ra.

Những bằng chứng này bao gồm một biểu đồ dường như chỉ ra đường bay của một máy bay đâm xuống mặt đất – tái hiện lại cách mà chuyến bay 77 của hãng hàng không American Airlines mà Hazmi và Mihdhar tham gia cướp lao vào Lầu Năm Góc. Một cựu phi công từng nghiên cứu biểu đồ này đã nói với các đặc vụ FBI vào năm 2012 rằng, có “cơ sở hợp lý” để cho rằng biểu đồ này được sử dụng để chuẩn bị cho các vụ tấn công khủng bố.

Sự dính líu của Arab Saudi?

Tâm điểm trong vụ kiện của gia đình các nạn nhân vụ 11/9 chính là một giả thuyết cho rằng Bayoumi và một chức sắc tôn giáo Arab Saudi ở Los Angeles, tên là Fahad al-Thumairy, đã hỗ trợ 2 kẻ cướp máy bay. Trong một cuộc phỏng vấn với Ủy ban 11/9, Bayoumi tuyên bố rằng hắn ta không biết 2 người đàn ông này là thành viên của al-Qaeda. Còn Thumairy nói với ủy ban rằng hắn ta thậm chí còn không nhớ là đã từng gặp 2 kẻ này.

Phần lớn cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ từ lâu đã bác bỏ giả thuyết cho rằng gia đình hoàng gia Arab Saudi có khả năng đã nhúng tay vào âm mưu khủng bố. Vương quốc này coi Osama bin Laden như kẻ thù không đội trời chung, và các vụ tấn công khủng bố rõ ràng là cũng gây tổn hại tới các lợi ích của Arab Saudi.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa những thành viên của al-Qaeda và các tổ chức tôn giáo ở Arab Saudi. Trước ngày 11/9/2001, nhiều giáo sĩ Arab Saudi được phép hoạt động với quyền tự trị nhất định, tuyên truyền học thuyết bảo thủ Wahhabi của nước này ra khắp thế giới, nhờ vào nguồn vốn hào phóng được chính phủ Arab Saudi cung cấp. Họ cũng góp tiền cho một số tổ chức từ thiện có liên hệ với al-Qaeda và các nhóm phiến quân Hồi giáo khác.

Sau ngày 11/9/2001, 2 nhóm của FBI bắt đầu điều tra các hoạt động của các chức sắc tôn giáo Arab Saudi từng hoạt động trên lãnh thổ Mỹ. Đến năm 2006, cơ quan này lặng lẽ buộc hàng chục nhà ngoại giao và những người khác rời khỏi nước Mỹ mà không đưa ra bất kỳ cáo trạng nào.

“Chiến dịch Encore” tập trung chủ yếu vào Hazmi, Mihdhar và những kẻ đã hỗ trợ chúng ở California. Nhưng các nhà điều tra cũng tạo ra những lỗ hổng lớn: Mặc dù họ phát hiện ra rằng Bayoumi thực sự không phải đang học tập ở Mỹ và đã được một cơ quan quốc phòng Arab Saudi trả tiền công một cách gián tiếp, nhưng FBI vẫn không thể quyết định được kẻ này có mối quan hệ với các cơ quan tình báo hay tôn giáo của Arab Saudi hay không.

Chiến dịch này nhận được rất ít sự ủng hộ từ giới chức cấp cao của FBI, theo các đặc vụ từng tham gia. Cuối cùng nó bị ngừng vào năm 2016.

Tuy nhiên, theo ProPublica đưa tin vào năm ngoái, một nhà phân tích kỳ cựu của Chiến dịch Encore đã để lại một dấu vết quan trọng. Trước khi chuyển tới vị trí làm việc mới, chuyên gia phân tích này đã hoàn tất một bản tóm tắt chi tiết gồm 16 trang về các bằng chứng mà Encore đã tìm được và lưu trữ nó sao cho không thể bị hủy một cách dễ dàng trên hệ thống của FBI.

Tài liệu đó, ghi ngày 4/4/2016, là một trong số tài liệu mà Tổng thống Biden ra chỉ thị cụ thể để Bộ Tư pháp Mỹ xem xét giải mật.

Đến tận tháng trước, Bộ Tư pháp vẫn còn phản ứng trước tòa rằng FBI không thể nào công khai các tài liệu quan trọng về 11/9 bởi vụ điều tra vẫn đang diễn ra. Thế nhưng, từ năm 2017, rõ ràng là không có hoạt động điều tra nào được dẫn lại trong các tài liệu của FBI.

Trong lúc thực hiện chiến dịch tranh cử, ông Biden từng hứa với các gia đình nạn nhân vụ 11/9 rằng ông sẽ ủng hộ đề nghị công khai “sự thật” về vụ tấn công, hứa hẹn về sự minh bạch một khi ông vào Nhà Trắng.

Sau khi hơn 1.700 thành viên gia đình nạn nhân cảnh báo sẽ tẩy chay các sự kiện tưởng niệm 11/9 trong năm nay trừ khi ông Biden thực hiện lời hứa của mình, Bộ Tư pháp mới tuyên bố trong hôm 9/9 rằng FBI cuối cùng đã khép lại Chiến dịch điều tra Encore và sẽ làm việc để “xác nhận thêm các thông tin phù hợp để công bố”.

Thế nhưng điều đó là chưa đủ, theo các gia đình nạn nhân. Bởi ông Biden chỉ ra chỉ thị công khai thông tin sau khi bị họ dọa tổ chức biểu tình chống lại ông.

Sự che giấu thông tin về sự kiện ngày 11/9 lên đến mức đỉnh điểm dưới thời Tổng thống Donald Trump và Tổng chưởng lý William Barr. Nhưng những nỗ lực bảo mật thông tin tình báo và tin nhạy cảm về Arab Saudi đã có từ thời chính quyền George W. Bush và Barack Obama.

“Chính quyền Bush rất khẳng khít với Arab Saudi, trong khi Obama không muốn đấu tranh và lúc nào cũng muốn dựa vào sự hỗ trợ của Arab Saudi để chống lại ISIS” – một cựu quan chức tình báo cấp cao nói với ProPublica – “Giờ đây, có một cơ hội để chính quyền này nói rằng mối quan hệ với Arab Saudi rất quan trọng, nhưng chúng tôi sẽ đưa ra hướng tiếp cận khác với vấn đề này”.

Theo ProPublica